Lãnh đạo Công ty nước sạch Thanh Hà: Biết là nước sạch không đủ tiêu chuẩn chất lượng nhưng chúng tôi vẫn cung cấp cho dân vì không còn cách nào khác |
Khu đô thị Thanh Hà hiện có 23 tòa nhà, toạ lạc tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội |
Sau cuôc họp, ông Lê Văn Du, Phó phòng Hạ tầng Kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) thông tin, về giải pháp trước mắt, phía Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông sẽ phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư nước mặt sông Đuống và Công ty Thanh Hà để điều tiết, bổ sung nguồn cấp ổn định cho khu đô thị Thanh Hà, với công suất tối đa khoảng 2.000 m3/ngày đêm.
Ngoài ra, phía Công ty CP nước sạch Thanh Hà có trách nhiệm phối hợp với Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (chủ đầu tư khu đô thị Thanh Hà) nâng cao chất lượng, hoàn thiện quy trình xử lý nguồn nước ngầm tại chỗ để đảm bảo quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế; từ đó đảm bảo nguồn cung ổn định cho cư dân khu đô thị Thanh Hà. Thời hạn hoàn thành việc nâng cao chất lượng, quy trình xử lý là 3 tháng.
Đặc biệt, CDC Hà Nội sẽ thực hiện kiểm tra nội kiểm, ngoại kiểm đột xuất (đem mẫu nước đi xét nghiệm) đối với chất lượng nước tại Khu đô thị Thanh Hà, công khai kết quả kiểm tra với người dân.
Tuy nhiên, trong thông tin lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cung cấp cũng như biên bản cuộc họp trên không đề cập kết quả xét nghiệm nước do người dân tự thực hiện cũng như kết quả xét nghiệm định kỳ của CDC.
Ông Lê Văn Du, Phó trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP Hà Nội trao đổi với báo chí |
Sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, chị Trần Thị An, đại diện cư dân Khu đô thị Thanh Hà cho biết, kết quả cuộc họp này quyết định đến tính mạng, sức khoẻ của hơn 30.000 cư dân tại Khu đô thị Thanh Hà.
"Hàng nghìn cư dân hy vọng sau cuộc họp, người dân sẽ được sử dụng nước sạch lâu dài. Chúng tôi không đồng ý Công ty CP nước sạch Thanh Hà là nhà cung cấp nước", chị An nói.
Chị An lý giải, suối 7 năm qua Công ty CP nước sạch Thanh Hà không giữ đúng hợp đồng đã cam kết, nhiều lần hứa thay đổi về chất lượng nước và hứa nâng cấp hệ thống nước sạch nhưng không làm được.
Nhiều năm họ không làm được thì 3 tháng làm sao có thể nâng cấp quy trình nước sạch được. Chúng tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc cho người dân được sử dụng nguồn nước sông Đuống hoặc nước sông Đà.
Trước đó, thông tin đến báo chí, chị Trần Thị An (cư dân tòa HH03-D, khu đô thị Thanh Hà) cho biết, sau khi thấy cư dân đồng loạt bị cay mắt, khó thở, mẩn ngứa nghi do dùng nước sạch, ngày 6/10, cư dân đồng loạt tập trung dưới tầng 1 và thống nhất lấy mẫu nước đi xét nghiệm.
Vài ngày sau đó, kết quả thử nghiệm mẫu nước từ Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) thể hiện, hàm lượng amoni trong nước là 11,46 mg/lít, gấp 38,2 ngưỡng giới hạn cho phép; hàm lượng clo cũng vượt ngưỡng cho phép hàng chục lần.
"Tôi thấy lo lắng, bất an khi hàng nghìn cư dân ở đây đang phải sử dụng nước có chỉ tiêu vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Tôi mong UBND TP. Hà Nội, chính quyền sở tại và cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt để đảm bảo cho cư dân được sử dụng nước sạch", chị An nói.
Chị Trần Thị An- Đại diện cư dân Thanh Hà trả lời bên lề cuộc họp |
Cũng giống như chị An, sau khi được tiếp nhận thông tin từ Biên bản cuộc họp của Sở Xây dựng Hà Nội, anh Nguyễn Anh Tuấn, một cư dân đang sống tại toà hh02- 2C, Khu đô thị Thanh Hà chia sẻ: Tôi không đồng tình với phương án Công ty CP nước sạch Thanh Hà tiếp tục là nhà cung cấp nước cho chúng tôi.
Lý do được anh giải thích là, chúng tôi quá mệt mỏi rồi, không còn niềm tin vào Công ty CP nước sạch Thanh Hà nữa. Anh mong muốn Khu đô thị Thanh Hà được đổi nhà cung cấp nước khác, có thể là nguồn nước từ sông Đuống hoặc sông Đà.
“Những ngày qua chúng tôi rất lo lắng cho sức khoẻ của mình cũng như người thân, thời gian sớm nhất tôi sẽ đưa gia đình đi khám tại các cơ sở y tế để yên tâm hơn", anh Tuấn chia sẻ thêm.
Khu đô thị Thanh Hà hiện có 23 tòa nhà với khoảng 16.000 cư dân đang sinh sống. Nhiều cư dân cho biết, từ đầu tháng 10, mọi người đã gặp tình trạng nước sạch phập phù không ổn định; đồng thời, chất lượng nước không đảm bảo, gây khó thở, tức ngực, hắt hơi liên tục, chảy nước mắt, mũi. Có hộ dùng nước sạch thay bể cá đang nuôi thì cá bị chết hàng loạt.
Đỉnh điểm, vào sáng ngày 9/10, hàng trăm người dân đại diện cho 16.000 cư dân sinh sống tại Khu đô thị Thanh Hà, ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội đã đến Công ty Cổ phần nước sạch Nam Hà Nội và Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà đóng trên địa bàn yêu cầu làm rõ việc nguồn nước sạch không đảm bảo chất lượng.
Trong cuộc đối thoại diễn ra vào sáng 9/10, ông Dương Đình Trình, Phó giám đốc Công ty CP nước sạch Thanh Hà cho biết: Ngày 30/09/2023 nguồn nước đưa về Khu đô thị Thanh Hà của Công ty Nước sạch Nam Hà Nội không còn (Nước sạch Sông Đuống). Ngày 2/10/2023 đại diện Công ty CP nước sạch Thanh Hà đã làm việc với đại diện Công ty Nước sạch sông Đuống, do nguồn nước đó không đủ truyền tải về Công ty Nước sạch Nam Hà Nội, do đó nước sạch Nam Hà Nội thiếu nước. Sau đó nước sạch Nam Hà Nội đã thông tin lại công ty nước sạch Thanh Hà để cấp nước ngầm do công ty khai thác tại chỗ cho cư dân Khu đô thị Thanh Hà sử dụng tạm thời trong thời gian bị thiếu.
Lãnh đạo Công ty nước sạch Thanh Hà: Biết là nước sạch không đủ tiêu chuẩn chất lượng nhưng chúng tôi vẫn cung cấp cho dân vì không còn cách nào khác |