LTS: Nước là một nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá không thể thiếu đối với mọi hoạt động sống của cơ thể. Nước chiếm 60 – 70% trọng lượng cơ thể và là dung môi của hầu hết các chất chuyển hóa dưới dạng hòa tan trong nước, nước còn tham gia vào nhiều phản ứng hóa học trong cơ thể, tham gia bài tiết các chất độc ra khỏi cơ thể qua con đường nước tiểu, mồ hôi. Nước giúp điều hòa thân nhiệt, làm giảm độ quánh của máu, giúp cho quá trình tuần hoàn dễ dàng hơn. Hiện nay nguồn nước mà người dân sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày thường được lấy từ: Hệ thống cung cấp nước tập trung (nước máy), nước mưa, nước giếng khơi, nước máng lần, nước giếng khoan… Có rất nhiều loại tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Chúng có mặt trong nước thải sinh hoạt, nước thải từ các khu công nghiệp, bệnh viện, các bãi rác thải. Đó là: Vi sinh vật (Vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm mốc); Rác vô cơ (rác không tiêu hủy được bao gồm: bao bì nhựa, nilon, thủy tinh, mảnh sành sứ, kim loại, vỏ đồ hộp, săm lốp cao su…); Rác hữu cơ (rác có thể tiêu hủy được như: Thức ăn thừa, lá bánh, rau quả, rơm rạ, xác súc vật, giấy loại…). Đây là thủ phạm gây nên hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm cho con người. Nguồn nước bị ô nhiễm là nguyên nhân gây bệnh tả, lỵ, thương hàn, giun sán, thậm chí cả ung thư. |
Trạm cấp nước thuộc Công ty CP nước sạch Thanh Hà, đơn vị đang cung cấp nước sạch cho Khu đô thị Thanh Hà |
Đơn vị nào đang cung cấp nước sạch cho Khu đô thị Thanh Hà?
Sau khi ông Dương Đình Trình, Phó giám đốc Công ty CP nước sạch Thanh Hà khẳng định với báo chí về tình trạng thiếu hụt nước sạch, nước không đủ tiêu chuẩn vệ sinh mà cư dân Khu đô thị Thanh Hà phải sử dụng là do Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống (SDWTP) cấp thiếu nên Công ty CP nước sạch Thanh Hà phải tăng sản lượng nước từ nguồn nước ngầm. Đường ống nước từ ngã ba Xa La về vòng xuyến Thanh Hà là do SDWTP chịu trách nhiệm nhưng đến nay SDWTP chưa thi công.
Về vấn đề này, Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống (SDWTP) vừa có văn bản nêu rõ:
Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống khẳng định không cung cấp nước sạch cho Khu đô thị Thanh Hà |
Theo Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, Nhà máy nước mặt Sông Đuống cung cấp nguồn nước cho khu vực phía Nam Hà Nội bao gồm quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên.
Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cấp nước cho khu vực Thủ đô, kết nối mạng vòng giữa các hệ thống cấp nước, kịp thời hỗ trợ bổ sung nguồn nước khi một trong các nguồn cấp gặp sự cố, trên cơ sở chấp thuận của UBND TP Hà Nội, SDWTP đã triển khai xây dựng tuyến ống DN800mm theo Quy hoạch (đấu nối từ tuyến ống DN1200mm sau sông Hồng) chạy dọc đường 70 để bổ sung cấp nước cho quận Hà Đông. Trên thực tế, việc cấp nước cho Khu đô thị Thanh Hà do Công ty CP nước sạch Thanh Hà chịu trách nhiệm trực tiếp cấp nước cho người dân từ hệ thống đường ống phân phối, dịch vụ và có thể được bổ sung từ nguồn của Công ty TNHH MTV cấp nước Hà Đông. SDWTP khẳng định khu vực Khu đô thị Thanh Hà không thuộc phạm vi cấp nước của đơn vị này.
Đối với tuyến ống cấp nước từ ngã 3 Xa La đến vòng xuyến Thanh Hà (ngã 3 Kiến Hưng), SDWTP khẳng định: Theo Quy hoạch cấp nước Thủ đô, tuyến ống này không được giao cho SDWTP đầu tư xây dựng. Do đó, SDWTP không có trách nhiệm đầu tư xây dựng.
"Bằng văn bản này, SDWTP yêu cầu Công ty CP nước sạch Thanh Hà, cá nhân ông Dương Đình Trình – Phó giám đốc Công ty CP nước sạch Thanh Hà có trách nhiệm đính chính, làm rõ thông tin được phản ánh không chính xác trên báo chí.", văn bản của SDWTP nhấn mạnh.
Câu trả lời SDWTP là vậy, chiều 11/10 phóng viên Tạp chí Thương hiệu và Sản Phẩm đã có cuộc làm việc trực tiếp với ông Dương Đình Trình, Phó giám đốc Công ty CP nước sạch Thanh Hà để làm rõ việc công ty nào đang cung cấp nước sạch cho Khu đô thị Thanh Hà.
Biên bản làm việc của Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông vào ngày 02/10/2023 |
Tại buổi làm việc, ông Trình thừa nhận đúng là Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống không phải là đơn vị cung cấp nước cho đơn vị này. Công ty CP nước sạch Thanh Hà ký với Công ty TNHH 2 thành viên phân phối nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hoà, Thanh Oai cung cấp nước (theo ông Trình giải thích Công ty TNHH 2 thành viên phân phối nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hoà, Thanh Oai này là Công ty con của Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống).
Ông Trình cho biết thêm, từ cuối tháng 9 đến nay, nước của Công ty TNHH 2 thành viên phân phối nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hoà, Thanh Oai không đủ sản lượng, dẫn đến tình trạng dân phải dùng nguồn nước ngầm khai thác tại chỗ của Công ty CP nước sạch Thanh Hà.
Dân cư Thanh Hà có đang được sử dụng nước sạch đảm bảo?
Mẫu phân tích chất lượng nước sạch được lấy từ nhà dân do cư dân Thanh Hà cung cấp |
Trước đó, ngày 06/10/2023, cư dân khu đô thị Thanh Hà nghi ngờ về chất lượng nước sạch không đảm bảo (nhiều người sử dụng nước thấy người nổi mẩn ngứa, đồng thời sức khỏe bị ảnh hưởng) nên đã gửi mẫu nước đến Phòng Phân Tích Chất Lượng Môi Trường để kiểm tra.
Ngày 10/10/2023, Phòng Phân Tích Chất Lượng Môi Trường trả kết quả. Trong phiếu kết quả kiểm nghiệm chỉ ra nhiều chất cao bất thường. Cụ thể, Hàm lượng Amoni kiểm tra là 11.46 mg/L và hàm lượng cho phép là 0.3mg/L. Hàm lượng asen tổng số kiểm tra 0,023 mg/L và hàm lượng cho phép là 0.01mg/L. Hàm lượng Nitrat tính theo Nitơ kiểm tra 3,99 mg/L và hàm lượng cho phép là 2 mg/L. Hàm lượng Chỉ số Pecmanganat kiểm tra 2,56 mg/L và hàm lượng cho phép là 2 mg/L. Hàm lượng Selen kiểm tra 0,0107 mg/L và hàm lượng cho phép là 0,01 mg/L. Hàm lượng Hàm lượng clo dư kiểm tra 27,8 mg/L và hàm lượng cho phép là 0,2 ÷ 1 mg/L.
Trước vấn đề kết quả hàm lượng nhiều chất cao bất thường, ông Dương Đình Trình, Phó giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà cho biết: “Không phải nước không đảm bảo, mà hiện tại nước khai thác tại chỗ còn một số chỉ tiêu còn cao (theo Thông tư 41), chưa đáp ứng được tiêu chuẩn nước sạch nhưng vẫn sử dụng trong giai đoạn tạm thời”.
Khi được hỏi về về biện pháp khắc phục, ông Trình cho hay: “Nước sạch Thanh Hà phụ thuộc vào nguồn nước tập trung của Thành phố Hà Nội. Khi nguồn nước sông Đuống, sông Đà không về được thì người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước khai thác tại chỗ của Công ty nước sạch Thanh Hà, biết là nước không đủ tiêu chuẩn chất lượng nhưng chúng tôi không còn cách nào khác”.
Ông Dương Đình Trình, Phó giám đốc Công ty CP nước sạch Thanh Hà làm việc với phóng viên Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm |
Trước đó, sáng ngày 9/10, vụ việc hàng trăm người dân đại diện cho hàng nghìn người sinh sống tại Khu đô thị Thanh Hà, ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội đã đến Công ty Cổ phần nước sạch Nam Hà Nội và Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà đóng trên địa bàn yêu cầu làm rõ việc nguồn nước sạch không đảm bảo chất lượng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Nhiều cư dân cho biết, từ đầu tháng 10, mọi người đã gặp tình trạng nước sạch phập phù không ổn định; đồng thời, chất lượng nước không đảm bảo, gây khó thở, tức ngực, hắt hơi liên tục, chảy nước mắt, mũi. Có hộ dùng nước sạch thay bể cá đang nuôi thì cá bị chết hàng loạt.
Trong cuộc đối thoại diễn ra vào sáng 9/10, ông Dương Đình Trình, Phó giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà cho biết: Ngày 30/09/2023 nguồn nước đưa về Khu đô thị Thanh Hà của Công ty Nước sạch Nam Hà Nội không còn (Nước sạch Sông Đuống). Ngày 2/10/2023 đại diện Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà đã làm việc với đại diện Công ty Nước sạch sông Đuống, do nguồn nước đó không đủ truyền tải về Công ty Nước sạch Nam Hà Nội, do đó nước sạch Nam Hà Nội thiếu nước. Sau đó nước sạch Nam Hà Nội đã thông tin lại công ty nước sạch Thanh Hà để cấp nước ngầm do công ty khai thác tại chỗ cho cư dân Khu đô thị Thanh Hà sử dụng tạm thời trong thời gian bị thiếu.
Cũng liên quan đến vụ việc này, ngày 11/10, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã ban hành văn bản gửi Sở Y tế, UBND quận Hà Đông, UBND huyện Thanh Oai, Công ty CP nước sạch Nam Hà Nội, nước sạch Thanh Hà… về việc phản ánh tình trạng nước sạch tại Khu đô thị Thanh Hà mất nước cục bộ, chất lượng nước không được kiểm nghiệm, thông báo công khai…
Để đảm bảo việc cung cấp nước ổn định cho người dân Khu đô thị Thanh Hà, Sở Xây dựng Hà Nội đã mời đại điện lãnh đạo các đơn vị trên tham dự cuộc họp vào sáng ngày mai (13/10).