Các loại nước sạch trong tự nhiên được mẹ thiên nhiên ban tặng như nước mưa, nước mặt (nước ở sông suối, ao hồ, các thác nước...), nước ngầm, nước sông, hồ... Những nguồn nước này được hình thành trong thiên nhiên, tự nhiên qua nhiều quá trình mới có được. Nếu thiếu đi nguồn nước thì vạn vật trong thiên nhiên, tự nhiên sẽ không thể sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh được. Vì vậy các loại nước sạch trong tự nhiên chúng ta cần biết và bảo vệ vì nó chiếm vai trò quan trọng, quyết định đến sự sống của những sinh vật trên trái đất. |
Nước sạch có thực sự sạch?
Ông Lê Duy Đằng (trú tại Quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, hiện nay đa phần lượng nước sinh hoạt ở Hà Nội là nước máy. Nguồn nước này dù đã được xử lý, tạp chất và vi khuẩn gây bệnh đã được loại bỏ nhưng để đáp ứng các tiêu chuẩn về nước sạch thì chưa được. Bởi, nếu sạch thì người dân có thể dùng nước trực tiếp tại vòi thay vì mỗi hộ gia đình thường phải sử dụng thêm một máy lọc nước mới cảm thấy an toàn. Và nếu dùng máy lọc, thì sau vài tháng lõi lọc hoặc chuyển sang màu đen hoặc vàng đục. Đó chính là tạp chất bẩn từ “nước sạch”. “Sự thay đổi về màu sắc từ chiếc lõi nước lọc cho thấy chất lượng nước đầu vào không đảm bảo rồi”, ông Đằng nói.
Cũng theo ông Đằng, hiện nay những bể nước ngầm của mỗi hộ gia đình có nguy cơ ô nhiễm rất cao. Sau mỗi trận mưa lớn, nhiều tuyến phố ở Hà Nội lại ngập úng. Vì thế, khả năng lượng nước bẩn từ cống rãnh, rác thải này ngấm sâu xuống lòng đất rồi thấm vào bể nước ngầm, từ đó ảnh hưởng đến nguồn nước cũng như sức khỏe người dân. Hoặc có hộ gia đình xây bể nước ngầm bên cạnh bể phốt nếu có biến động về địa chất như lún nứt có thể sẽ là tác động thấm cả nước bẩn từ bể phốt sang bể ngầm nước sinh hoạt. Đó là chưa kể gián, bọ, vi khuẩn... cư ngụ trong các đường ống, phân hủy ngay trong bể nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước trong bể.
Đồng quan điểm, chị T.T.H. (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, người dân bỏ tiền mua nước sạch nhưng chưa hẳn nước đã sạch. Thực tế, có thời điểm nguồn nước gia đình chị có màu vàng đục, cặn, đôi khi có mùi tanh nồng. Thậm chí, có đợt nước còn bị nhiễm dầu do ô nhiễm từ nguồn nước đầu vào. Để đảm bảo an toàn nguồn nước trong sinh hoạt, hầu như mỗi hộ gia đình đều phải trang bị thêm máy lọc nước.
Lo lắng của nhiều người dân không phải là không có cơ sở. Bởi hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường nước đang có xu hướng gia tăng và đang được báo động đỏ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại Hà Nội, với lượng nước thải từ 350-400 nghìn m3 và hàng nghìn m3 rác thải xả ra mỗi ngày nhưng chỉ 10% được xử lý đúng quy chuẩn; còn lại được xả trực tiếp vào hệ thống sông ngòi gây ô nhiễm khắp 6 quận nội đô tại Hà Nội. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày có hơn 500.000m3 nước thải. Ngoài nước thải sinh hoạt, còn có nước thải từ các nhà máy bột giặt, giấy, nhuộm… đổ ra hệ thống nước thải chung của thành phố. Người dân dù đã có nhiều ý kiến, nhưng tình trạng vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu.
Còn theo Trung tâm Nghiên Cứu Môi trường Cộng đồng, có tới 70% nước thải từ các khu công nghiệp không qua xử lý mà xả thẳng ra môi trường. Ở khu đô thị, nơi tập trung đông dân cư như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, thì nồng độ chất ô nhiễm trong nước từ sông, hồ vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 - 3 lần.
Thực trạng ô nhiễm môi trường nước ở nước ta đã kéo theo những hệ lụy khủng khiếp. Theo thống kê chưa đầy đủ từ cơ quan chuyên môn, tại Việt Nam khoảng 9.000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước bẩn. Trong đó, khoảng 20.000 người phát hiện bị ung thư nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước; 44% trẻ em bị nhiễm giun do sử dụng nước bị không đạt chất lượng; 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng do thiếu nước sạch và vệ sinh kém (theo WHO).
An ninh nguồn nước bị đe dọa
Theo các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia được đánh giá có tài nguyên nước dồi dào, là yếu tốt thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do dân số tăng nhanh, nhu cầu sử dụng lớn cho sản xuất, kinh doah cộng với tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước (ANNN). Trước tình trạng đó, Bộ TN&MT đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam, cho rằng ANNN là vấn đề rất quan trọng. Quốc hội Khóa XIV đã có nghị quyết giao chính phủ làm ANNN, nhưng đây là vấn đề khó và rất phức tạp. Bởi khi nói đến ANNN sẽ có 3 nội hàm rất quan trọng: Thứ nhất là về khối lượng nước, đảm bảo đủ nguồn nước vào phải an toàn, mà nguồn nước ở Việt Nam có tới 63% bắt nguồn từ ngoài lãnh thổ. Thứ 2 để đảm bảo ANNN phải an toàn và phòng tránh được ô nhiễm, rủi ro của nước như thiên tai, dịch bệnh,... Và thứ 3 là dùng nước phải công bằng và hiệu quả.
Ông Huân phân tích: Công bằng ở đây không phải chỉ có đối tượng dùng nước là người sử dụng nước, không phải người dân giữa đô thị và nông thôn, giữa miền núi và miền xuôi mà còn là công bằng ở các ngành với nhau. Ví như, ngành công nghiệp, nông nghiệp, thủy hải sản, giao thông thủy... thì phải đảm bảo được sự hài hòa. Ngành nước phải hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế.
Hiện nay, hiệu quả của ngành nước Việt Nam rất thấp. Trên thế giới, cứ 1m3 nước tạo ra 19,8USD (GDP), nhưng ở Việt Nam chỉ tạo ra khoảng 2,3 USD. Đặc biệt, 81% lượng nước hiện nay đang dùng cho nông nghiệp, 11% cho thủy sản. Như vậy, riêng ngành NN& PTNT sử dụng đến 92% nước, chỉ có 5% là dùng nước công nghiệp và khoảng 3% dùng cho sinh hoạt. Trong khi đó, tưới tiêu trong ngành nông nghiệp hiện nay đang tạo ra giá trị gia tăng cực kỳ thấp. Do đó, có thể thấy tính hiệu quả và tính công bằng chưa đạt, và rủi ro về thiên tai bão lũ, thời tiết bất thường xảy ra nhiều hơn. Thiên tai cực đoàn cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam thiệt hai từ 1,5-2%GDP do ảnh hưởng bão lũ và thời tiết cực đoan. Trong khi đó, WorldBank cũng cảnh báo khoảng 2,3 năm nữa Việt Nam sẽ không đủ nước sạch để dùng do ô nhiễm tăng cao trong khi trữ lượng nước ngày càng giảm, ông Huân nói thêm.
Còn theo ông Olli Keski Saari, chuyên gia ngành nước, Giám đốc Công ty nước tại Phần Lan, cho rằng, biến đổi khí hậu là một thách thức khó khăn đối với Việt Nam, thu hút sự quan tâm rất lớn của Chính phủ và các tổ chức quốc tế. “Tôi cho rằng, đô hóa vừa là thách thức vừa là cơ hội cho việc cấp nước. Nếu muốn, các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam có toàn quyền kiểm soát các cơ chế và chính sách. Họ cũng có nguồn lực dồi dào từ các bộ ngành và nguồn vốn ODA để thực hiện các nghiên cứu cũng như các công việc chuẩn bị cần thiết cho việc xây dựng cơ chế và chính sách hợp lý, ông Olli Keski Saari nói.
Ông Olli Keski Saari cũng cho rằng, năng lực quản lý và nguồn nước thực sự là điểm yếu của ngành nước Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam có rất ít hành động được triển khai để giải quyết ô nhiễm nước, ngoại trừ việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, trong khi cần có các hành động cụ thể.
Mời độc giả tiếp tục đón đọc Bài 2: Cần cơ chế thu hút nguồn lực tư nhân vào ngành nước