Cây nha đam lần đầu tiên được đưa về trồng tại huyện Châu Đức từ năm 2018, đây là cây trồng có vốn đầu tư ít nhưng cho hiệu quả kinh tế cao. Sau 2 năm được người dân Châu Đức vun trồng, cây nha đam hiện đạt năng suất 4-6 tấn/sào, giá bán 1.500 -2.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mô hình trồng nha đam cho thu nhập 300-330 triệu đồng/ha.
Mô hình trồng cây nha đam của hộ ông Bùi Minh Hải, ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức
Là một trong những hộ đầu tiên trồng nha đam tại xã Bình Giã, huyện Châu Đức, bà Hoàng Thị Huê, ấp Vĩnh An, cho biết, loại cây này dễ trồng, phù hợp với đất đỏ pha sỏi và khí hậu khô nóng, sản lượng trung bình đạt 10 tấn/năm/sào. Với 6 sào nha đam đang trồng, sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu nhập khoảng 180 triệu/năm. Nha đam do gia đình bà trồng hiện đang được các công ty ở TP. Hồ Chí Minh thu mua, thông qua sự giới thiệu, hỗ trợ của Hội Nông dân huyện.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây nha đam, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Châu Đức đã khuyến khích hội viên mở rộng thêm diện tích trồng. Từ 6 sào ban đầu, hiện diện tích trồng nha đam toàn huyện lên 10ha, chủ yếu ở địa bàn xã Bình Ba, Suối Nghệ, Kim Long, Sơn Bình, Suối Rao…
Với sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, ông Bùi Minh Hải, ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức đã mạnh dạn chặt bỏ 3.000m2 diện tích trồng tiêu lâu năm, già cỗi của gia đình để chuyển sang trồng nha đam. Mức chi phí ban đầu khoảng 30 triệu đồng/sào, bao gồm: Đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, làm đất, giống, phân bón…
Sau hơn 1 tháng xuống giống, hiện 18.000 cây nha đam của ông đang phát triển tốt, dự kiến năng suất đạt 6 tấn/sào. Đặc biệt, một số doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đã cam kết thu mua nha đam của gia đình ông với giá khoảng 1.500 đồng/kg. “Trồng cây nha đam vốn đầu tư không lớn, dễ chăm sóc. So với với cây tiêu, hiệu quả kinh tế của cây nha đam cao gấp đôi”, ông Hải chia sẻ thêm.
Ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết: Mô hình trồng cây nha đam trên địa bàn huyện được triển khai theo Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ trong nông nghiệp, thủy sản bằng hình thức hỗ trợ người dân mua hệ thống tưới tiết kiệm nước, giống cây trồng, vật nuôi, vật tư và thuốc BVTV.
Sau hơn 2 năm triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Từ 6 sào ban đầu, dự kiến đến cuối năm 2021, diện tích trồng nha đam trên địa bàn huyện sẽ tăng lên khoảng 50ha. Hội Nông dân phối hợp cùng DN cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao quy trình sản xuất cho các hộ tham gia trồng nha đam. Đặc biệt, Hội Nông dân cũng tư vấn, hướng dẫn người dân không mở rộng diện tích ồ ạt, tránh cung vượt cầu, dẫn đến tình trạng bị ép giá như nhiều loại cây trồng khác.
Trồng tre lấy măng đang mang lại hiệu quả cho một số hộ dân ở huyện Châu Đức
Để sản phẩm nha đam có đầu ra ổn định, Hội Nông dân huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tìm kiếm DN trong và ngoài tỉnh thu mua sản phẩm cho nông dân. Hiện nay, toàn bộ sản lượng nha đam trên địa bàn huyện đều được các DN như Công ty Gavico, Nha đam Việt, Công ty CP thực phẩm Cánh Đồng Việt (TP.Hồ Chí Minh)… thu mua với giá từ 1.500-2.000 đồng/kg.
Cũng tại một số xã Xuân Sơn, Suối Rao,...huyện Châu Đức những năm gần đây, một số hộ nông dân trên địa bàn đã tận dụng diện tích đất ven kênh thủy lợi, đất trũng không trồng được các loại cây ăn trái để trồng tre lấy măng.
Tại một số xã trên vào mùa mưa thường ngập úng nhiều nơi, bà con không thể trồng loại cây nào khác. Với mô hình trồng tre lấy măng, người nông dân không những khai thác hiệu quả được diện tích đất, mà còn có thu nhập ổn định.
Hiện nay, trên địa bàn xã Xuân Sơn (huyện Châu Đức) có 8 hộ trồng tre lấy măng, với diện tích hơn 10ha; còn tại xã Phước Thuận có 4 hộ trồng tre lấy măng, diện tích hơn 3ha. Ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết, trên địa bàn xã Xuân Sơn và Suối Rao có một số hộ gia đình trồng tre lấy măng. Nhờ đầu ra ổn định, bà con nông dân có thu nhập khá so với các loại cây trồng khác như cà phê, tiêu, điều, mì…
Hồng Nga