Trà từ lâu đã là loại đồ uống quen thuộc. Trà có nguồn gốc từ thực vật được chứng minh có nhiều đặc tính bổ dưỡng, do chứa các hợp chất thực vật được gọi là polyphenol, là chất chống oxy hóa mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Chất phytochemical - polyphenol trong trà đóng vai trò ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình tổn thương tế bào và bảo vệ tế bào khỏi các chất gây ung thư, theo Mayo Clinic.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy, so với những người không uống trà, những người lớn tuổi thường xuyên uống trà (như trà xanh, đen hoặc trà ô long), các chức năng trong cơ thể đều khỏe mạnh hơn.
Một nghiên cứu khác, được công bố vào tháng 1/2020 trên Tạp chí Phòng ngừa Tim mạch Châu Âu, đã phát hiện ra rằng uống trà ba lần một tuần trở lên có liên quan đến việc sống lâu hơn so với việc không uống trà. Hầu hết những người trong nghiên cứu đã uống loại trà xanh, loại mà các nhà nghiên cứu cho là có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân.
Theo Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, uống trà nguyên chất rất tốt cho tim mạch và giảm cân vì nó không có natri hoặc calo.
Trà xanh tăng cường sức khỏe tim mạch
Trà xanh có rất nhiều polyphenol được gọi là catechin, cụ thể là epigallocatechin-3-gallate (EGCG), được chứng minh là có lợi trong việc chống lại chứng viêm và bệnh mãn tính như một số bệnh ung thư, tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch.
Trong một nghiên cứu được thực hiện ở Nhật Bản cho thấy, uống 6 tách trà xanh trở lên mỗi ngày có liên quan đến việc giảm 33% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 so với uống ít hơn một tách mỗi tuần.
Một nghiên cứu đăng trên JBC cho thấy, EGCG có thể phá vỡ và hòa tan các mảng protein nguy hiểm tiềm ẩn được tìm thấy trong mạch máu, do đó có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh xơ vữa động mạch. Theo Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ, xơ vữa động mạch là một yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
Một nghiên cứu khác cũng phát hiện, những người uống 2-3 tách trà xanh mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ thấp hơn 14% so với những người hầu như không uống.
Trà ô long
Trà ô long là một loại trà bị oxy hóa một phần, nằm giữa trà đen và trà xanh, nồng độ polyphenol của nó mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.
Một nghiên cứu cho thấy, uống hơn 2,5 tách trà ô long mỗi ngày sẽ làm giảm mức cholesterol LDL (có hại) thấp xuống, cũng như giảm nguy cơ rối loạn lipid máu.
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng lợi ích của ô long đối với tim, cho thấy rằng uống trà ô long hoặc trà xanh thường xuyên có liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.
Uống trà ô long cũng hỗ trợ cân nặng bởi chiết xuất trà ô long có thể giúp giảm mỡ trong cơ thể và có thể giúp ngăn ngừa béo phì.
Trà Ashwagandha
Ashwagandha là một loại thảo mộc có nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó có thể làm giảm các triệu chứng căng thẳng và lo lắng. Việc tiêu thụ loại trà này giúp cơ thể chúng ta loại bỏ các độc tố (độc tố có thể làm tăng mức độ căng thẳng). Có thể sử dụng dưới dạng mộc hoặc trà chế biến sẵn.
Trà đen
Các bằng chứng khoa học cho thấy, trà đen có thể đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa suy giảm nhận thức, viêm nhiễm, bệnh tim, tiểu đường và ung thư tiềm ẩn.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 1 năm 2016 trên Tạp chí Dinh dưỡng, Sức khỏe & Lão hóa cho thấy, thường xuyên uống trà đen (cũng như trà ô long và trà xanh) có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc chứng rối loạn nhận thức thần kinh, chẳng hạn như chứng mất trí, ở người cao tuổi, đặc biệt là đối với phụ nữ lớn tuổi.
Nếu bạn đang tìm cách chống lại bệnh tiểu đường loại 2, ngoài trà xanh, thì trà đen có thể là một lựa chọn thay thế hiệu quả.
Trà đen cũng chứa flavonoid (hợp chất có trong trà xanh và các thực phẩm có nguồn gốc thực vật khác), có thể giúp giảm nguy cơ ung thư. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 8 năm 2019 trên tạp chí Nature Communications cho thấy, chế độ ăn giàu flavonoid có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh ung thư và bệnh tim.
Trà hoa cúc
Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi khi đi ngủ, hãy cân nhắc nhấm nháp một tách trà hoa cúc để thư giãn. Trà hoa cúc là một loại trà thảo dược không chứa caffein nên có thể là một loại đồ uống giúp xoa dịu tinh thần trước khi đi ngủ.
Trà hoa cúc có thể hỗ trợ sức khỏe miễn dịch mà tất cả chúng ta có thể sử dụng ngay bây giờ. Uống trà hoa cúc cũng có thể có lợi cho phụ nữ mắc hội chứng tiền kinh nguyệt, do đặc tính chống viêm của trà.
Trà rễ nữ lang
Rễ cây nữ lang đã được sử dụng trong y học thảo dược hàng ngàn năm do tác dụng an thần tự nhiên, nhưng nó cũng có thể được dùng dưới dạng trà. Trà rễ cây nữ lang giúp điều chỉnh mức GABA trong não, do đó, nó có thể hỗ trợ điều chỉnh các xung thần kinh giúp làm dịu mức độ căng thẳng và lo lắng đồng thời giảm huyết áp.
Ngoài ra, rễ cây nữ lang cũng giúp tăng cường sự tập trung một cách tự nhiên, giữ mức serotonin và norepinephrine cân bằng để giúp giảm mức độ căng thẳng lâu dài.
Trà dâm bụt
Trà dâm bụt không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn có tác dụng giúp ích cho huyết áp. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng uống trà dâm bụt thường xuyên trong sáu tuần giúp giảm huyết áp ở người lớn tiền tăng huyết áp và tăng huyết áp nhẹ.
Trà thì là
Thì là cũng làm thư giãn các cơ tiêu hóa để giúp đi tiêu đều đặn. Thì là, từ lâu đã được biết đến như một loại cây thuốc, được sử dụng rộng rãi để điều trị các vấn đề về tiêu hóa cũng như hội chứng ruột kích thích (IBS). Polyphenol trong thì là có đặc tính chống oxy hóa.
Theo một nghiên cứu nhỏ được công bố vào tháng 9 năm 2017 trên tạp chí Mãn kinh, sử dụng thì là ở dạng viên nang, có thể giúp giảm bớt các triệu chứng mãn kinh, ở phụ nữ mãn kinh.
Bạn có thể mua trà thì là dưới dạng túi lọc hoặc nghiền nát hạt thì là hãm trong nước nóng vài phút rồi thưởng thức.
Trà gừng
Trong thời tiết giá lạnh của những ngày đông, thưởng thức một tách trà gừng sẽ giúp bạn làm ấm cơ thể hiệu quả. Song song với đó, nó còn có lợi cho đường hô hấp, góp phần cải thiện triệu chứng cảm lạnh cũng như có tác dụng thông xoang, kháng khuẩn tốt. Đồng thời, loại trà này cũng tốt cho sức khỏe của dạ dày, cải thiện các vấn đề như đầy hơi, tiêu hóa kém.
Tuy nhiên, nên cân nhắc đến lượng trà gừng sử dụng trong một ngày, không nên lạm dụng để tránh phải đối diện với những tác dụng phụ không mong muốn.