Xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng hơn 24%
Theo thống kê Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam trong 7 tháng năm 2024 ước đạt hơn 95 triệu USD, tăng hơn 24% so với với cùng kỳ năm 2023; trong đó, nghêu ước đạt 52 triệu USD, sò điệp ước đạt 14 triệu USD, ốc ước đạt 16 triệu USD, hàu ước đạt hơn 8 triệu USD, hải sản khác ước đạt gần 4 triệu USD.
Trong các sản phẩm, xuất khẩu ốc có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ năm 2023, hơn 57%.
Xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tiếp tục tăng trong năm 2024. |
Bà Nguyễn Thị Vân Hà, chuyên gia thuộc VASEP cho biết, trong 7 tháng, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nghêu sò từ Việt Nam tăng 120 lần so với cùng kỳ năm 2003.
Các loại nhuyễn thể khác dạng sống, tươi hoặc ướp lạnh cũng có giá trị xuất khẩu tăng mạnh, đạt hơn 7 triệu USD, thêm gần 82 lần so với cùng kỳ. Trong thời gian qua, không chỉ Trung Quốc mà các quốc gia khác cũng đang tăng cường nhập khẩu nhuyễn thể Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đang có trên 41.500 ha nuôi nhuyễn thể (chủ yếu là nhuyễn thể hai mảnh vỏ) với sản lượng khoảng 265.000 tấn/năm; trong đó, nghêu đạt 179.000 tấn/năm.
Ngành chăn nuôi này đem lại nguồn thu nhập chính cho khoảng 200.000 lao động, góp phần quan trọng vào kinh tế các tỉnh ven biển miền Tây. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng, đặc biệt là mặt hàng nghêu.
Tại các tỉnh khu vực phía Nam, nhuyễn thể có vỏ tập trung ở các địa phương có biển như Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết năm nay bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, nên sản lượng chuyển thể có vỏ, đặc biệt là sản phẩm nghêu dự báo giảm mạnh.
Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trà Vinh cho biết,toàn tỉnh có 800 ha diện tích nuôi nghêu thương phẩm, tập trung ở 11 hợp tác xã, nhưng năng suất của các hợp tác xã này đều bị giảm, với 4 hợp tác xã bị giảm trên 50%.
Nguyên nhân chủ yếu là do nước ngọt về sớm và kéo dài khoảng 2 tháng so với những năm trước, làm nghêu chậm lớn hoặc chết do suy giảm sức đề kháng.
“Để đối phó với những tác động tiêu cực từ môi trường, ngành nông nghiệp tỉnh đang tích cực theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật và tìm cách giúp nghề nuôi nghêu phát triển bền vững”, ông Trần Trường Giang cho hay
Dự báo, mặc dù sẽ gặp phải một số thách thức từ biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, xuất khẩu nghêu và ốc vẫn có khả năng tiếp tục tăng trưởng vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025 nhờ vào nhu cầu tiêu thụ toàn cầu ngày càng cao.
Hải sản khác mang nhiều triển vọng xuất khẩu
Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh nhập khẩu tôm hùm đá (tôm hùm xanh) từ Việt Nam. |
Cùng với mặt hàng nhuyễn thể có vỏ, các loại hải sản khác của Việt Nam cũng đang được nhiều thị trường ưu tiên lựa chọn tiêu dùng, đặc biệt là trong giai đoạn chuẩn bị nguồn thực phẩm cho các lễ hội cuối năm 2024.
Bà Nguyễn Thị Vân Hà, chuyên gia thuộc VASEP cho biết hiện các thị trường cũng đang đẩy mạnh tăng cường nhập khẩu các sản phẩm như tôm hùm đá, bạch tuộc, ghẹ..., trong đó thị trường Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh nhập khẩu tôm hùm đá từ Việt Nam.
Cụ thể, trong 7 tháng năm 2024, thị trường Trung Quốc tăng nhập khẩu tôm hùm đá, các loại tôm biển khác ước đạt hơn 111 triệu USD, tăng 32% so với với cùng kì năm 2023. Thị phần của tôm hùm đá từ Việt Nam tăng từ 1% năm ngoái lên 25,3% trong tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này vào Trung Quốc năm nay. Cùng đó, tôm hùm đá đông lạnh cũng tăng 682%, đạt hơn 4,7 triệu USD.
Với các mặt hàng cua, ghẹ, Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cua ghẹ và giáp xác khác của Việt Nam, chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường này đang tăng phi mã ở mức 3 đến 4 con số so với cùng kỳ và duy trì tăng trưởng liên tiếp mỗi tháng.
Riêng trong tháng 7/2024, xuất khẩu cua ghẹ và giáp xác khác sang thị trường này tăng tới 20 lần so với cùng kỳ, đạt gần 13 triệu USD. Tính lũy kế 7 tháng, xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 63 triệu USD, tăng 623%.
Với thị trường Mỹ và Canada, xuất khẩu sang 2 thị trường này cũng đang tăng trưởng khả quan, với mức tăng lần lượt là 30% và 44%.
Trong khi đó, xuất khẩu sang Nhật Bản lại có xu hướng sụt giảm liên tục trong 3 tháng trở lại đây. Giá trị xuất khẩu cua ghẹ và giáp xác khác sang Nhật Bản trong 7 tháng giảm nhẹ 0,3%, đạt hơn 40 triệu USD.
Xuất khẩu các loại hải sản khác sang thị trường các nước châu Âu cũng có dấu hiệu sụt giảm nhẹ. Giá trị xuất khẩu cua ghẹ sang châu Âu trong 7 tháng giảm 46% so với cùng kỳ.
Việc Ủy ban châu Âu vẫn tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với ngành khai thác thủy sản của Việt Nam đang tác động đến xuất khẩu hải sản sang thị trường này.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đánh giá không kể đến những sụt giảm tạm thời tại 1 số thị trường, thị phần nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc trong 7 tháng tăng so với cùng kỳ năm 2023, ngay cả một số mặt hàng có trị giá giảm. Điều này cho thấy thủy sản Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh tương đối tốt tại thị trường Trung Quốc và một số thị trường châu Á trong thời gian tới.