Bộ Y tế yêu cầu Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine sởi Bộ Y tế thành lập 6 đoàn kiểm tra, giám sát phòng chống dịch sởi 750 loại thuốc, biệt dược gốc được Bộ Y tế cấp phép lưu hành |
Hàng nướng "xiên bẩn" sử dụng thịt ôi thiu, thực phẩm đông lạnh kém chất lượng
![]() |
Thịt xiên, viên xiên... được bày bán trên đường phố, không có phương tiện che chắn bụi bặm. |
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thức ăn đường phố và quà vặt thường được chế biến sẵn hoặc chế biến ngay tại chỗ, giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian chờ đợi. Dễ dàng mua và ăn liền ngay trên đường hoặc mang đi mà không cần vào nhà hàng, quán ăn. Phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là học sinh, sinh viên, công nhân…Giá rẻ hơn so với các món ăn tại nhà hàng hoặc quán ăn cố định.
Các món ăn đường phố và quà vặt rất đa dạng: xiên nướng, bánh tráng trộn, bắp xào, trà sữa, chè, cá viên chiên, phá lấu… Đáp ứng được nhiều khẩu vị khác nhau từ mặn, ngọt đến cay, chua. Các quán hàng bán xiên nướng (thịt, cá, hải sản, rau củ xiên que) bên cạnh tính tiện dụng, thực phẩm đường phố cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là các hàng quán không đảm bảo quy chuẩn vệ sinh như hàng nướng "xiên bẩn".
Đây là món ăn đường phố quen thuộc và hấp dẫn với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những quán ăn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, thì tình trạng bán hàng nướng "xiên bẩn", kém vệ sinh, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc đang diễn ra phổ biến tại nhiều khu vực, từ vỉa hè đến các cổng trường học, chợ đêm…
Hàng nướng "xiên bẩn" tồn tại phổ biến tại các khu vực đông người như vỉa hè cổng trường, chợ cóc, lề đường… tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn và tích tụ độc tố lâu dài cho người tiêu dùng.
Theo Cục An toàn thực phẩm, hàng nướng "xiên bẩn" thường có những đặc điểm như: Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thịt ôi thiu, hỏng hoặc thực phẩm đông lạnh kém chất lượng; Tẩm ướp phụ gia, phẩm màu, gia vị rẻ tiền để che mùi ôi thiu hoặc tăng độ đậm đà nhân tạo. Dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, tạo ra các chất gây hại cho sức khỏe; Chế biến và bán ở nơi bụi bẩn, không che chắn, gần mặt đường, thiếu vệ sinh; Dụng cụ nướng (vỉ nướng, que xiên, khay đựng…) không được vệ sinh sạch sẽ, dễ nhiễm khuẩn.
Nướng tại những nơi bụi bặm, sát mặt đường, không che chắn, dẫn đến thực phẩm bị nhiễm bụi bẩn và vi khuẩn từ không khí; Người bán không đảm bảo quy chuẩn vệ sinh cá nhân như không đeo găng tay, khẩu trang khi chế biến. Việc tiêu thụ thực phẩm kém vệ sinh, đặc biệt là nướng "xiên bẩn" có thể gây ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe như Ngộ độc thực phẩm gây đau bụng, tiêu chảy, nôn ói cấp tính.
Nhiễm khuẩn đường ruột: từ các vi khuẩn như E.coli, Salmonella, tụ cầu khuẩn… dẫn đến rối loạn tiêu hóa kéo dài. Tích tụ độc tố lâu dài: dầu chiên đi chiên lại nhiều lần dễ tạo ra các chất gây ung thư. Nhiễm ký sinh trùng nếu thịt không được nướng chín kỹ hoặc nguyên liệu từ động vật nhiễm bệnh.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
![]() |
Cảnh báo nguy cơ khi ăn thức ăn đường phố không đảm bảo an toàn thực phẩm. |
Theo Cục An toàn thực phẩm, hiện nay, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố ngày càng phổ biến với các hình thức đa dạng, đặc biệt tại các thành phố lớn trong đó có thành phố Hà Nội nơi tập trung nhiều loại hình dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các món ăn rất đa dạng như: thịt nướng, xiên que, đồ ăn nhanh… thu hút đông đảo người dân và du khách.
Các quán hàng này bên cạnh tính tiện dụng, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm do điều kiện bảo quản, chế biến chưa đảm bảo, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, cũng như nguy cơ nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại. Để tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn số 532/ATTP-NĐTT đề nghị Sở Y tế thành phố Hà Nội tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội năm 2025.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế Hà Nội chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường giám sát, triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm; tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm tại, kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, dầu mỡ chiên rán thực phẩm, đặc biệt đối với các mặt hàng thịt nướng, xiên que, đồ ăn nhanh… tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, thức ăn xung quanh trường học.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm, các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm cho chủ cơ sở, người kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Bên cạnh đó, tuyên truyền cho người tiêu dùng đặc biệt là học sinh tiểu học, trung học cơ sở lựa chọn quán ăn sạch sẽ: ưu tiên những nơi có khu vực nướng sạch, nhân viên dùng bao tay, tránh các hàng quán có xiên nướng màu sắc bất thường, mùi hôi, hoặc dầu chiên đen sậm, nhiều cặn, hạn chế ăn tại các khu vực bụi bặm, nơi có nhiều xe cộ, khói bụi, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo tại Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 03/5/2024 về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 11/10/2024 về tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 271/ATTP-NĐTT ngày 18/2/2025 của Cục An toàn thực phẩm về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn năm 2025.
Theo quy định về mức phạt vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố và dịch vụ ăn uống vi phạm an toàn thực phẩm tại Việt Nam được nêu trong Nghị định số 115/2018/NĐ-CP (ban hành ngày 4/9/2018) và được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP, vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: a) Bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh; b) Không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; c) Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; d) Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay. 2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; c) Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm; d) Cống rãnh thoát nước thải khu vực chế biến bị ứ đọng; không được che kín; đ) Không có nhà vệ sinh, nơi rửa tay; e) Dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy. 3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. 4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi : a) Sử dụng nước không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật hoặc không bảo đảm vệ sinh theo quy định của pháp luật tương ứng để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống; b) Chủ cơ sở không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; c) Không thực hiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải trong phạm vi của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định của pháp luật; d) Vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, trừ các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, các điểm a, b và c khoản 4, khoản 5 Điều này. 5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được tham gia trực tiếp kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ngoài ra có thêm hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 nêu trên. |