Trước tình hình giá cả các loại nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu bấp bênh, nhiều người nông dân đã tích cực tìm hiểu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xen canh nhiều loại cây nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tăng thu nhập.
Bảo vệ vườn cà phê bằng cách trồng xen canh các loại cây chắn gió
Xen canh cà phê với các loại cây trồng khác mang lại nhiều lợi thế về kỹ thuật, cải thiện môi trường sinh thái cho vườn cây
Theo các nhà khoa học thì cây cà phê vốn thuộc loại thực vật ưa bóng mát và chắn gió. Vì vậy, khi đến những đồn điền cà phê còn sót lại của thực dân Pháp trước đây, chúng ta dễ dàng nhận ra những hàng cây muồng đen thẳng tắp được trồng xen lẫn trong vườn cà phê nhằm chắn gió và che bóng mát cho cây cà phê.
Người Tây Nguyên, từ khi biết trồng cà phê họ cũng đã áp dụng kỹ thuật trồng cây che mát và chắn gió trong vườn cà phê của mình, nhưng trong hơn chục năm gần đây, do chạy theo năng suất nên người dân đã đốn bỏ toàn bộ các loại cây chắn gió trong vườn cà phê, tập trung bón phân và tưới nhiều nước để đạt được năng suất cao nhất. Tuy nhiên, việc làm này đã dẫn đến vườn cà phê phát triển thiếu tính bền vững.
Theo nhiều hộ dân cho biết thì sau khi loại bỏ cây che bóng và chắn gió, vườn cà phê đã cho năng suất rất cao nhưng chỉ trong một vài năm còn sau đó vườn cà phê bắt đầu có dấu hiệu kiệt quệ do khai thác quá mức, nhiều loại sâu bệnh phát sinh; đồng thời cái nắng, cái gió của vùng đất Tây Nguyên trong mùa khô đã làm cho cây cà phê nhanh chóng suy tàn.
Để vườn cà phê phát triển bền vững và tăng nguồn thu nhập, trong những năm gần đây người dân Tây Nguyên đã trở lại trồng các loại cây chắn gió và che bóng mát cho cà phê bằng những loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mít, bơ, chôm chôm, xoài, nhãn, quế, hoa hòe…
Hiệu quả "kép" từ việc trồng xen canh cà phê với các loại cây trồng khác
Xen canh cà phê và hồ tiêu là một trong những mô hình được nhiều người dân ở Tây Nguyên áp dụng
Mục đích chính của đa dạng hóa cây trồng trong vườn cà phê là sử dụng đất tối đa và thu được nhiều sản phẩm nhất trên vườn mà vẫn duy trì được độ phì đất. Trồng phối hợp hay xen kẽ các loại cây trồng khác nhau trên cùng một diện tích tạo nên một tổng thể thực vật có nhiều tầng.
Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa cây trồng trên cùng diện tích đã giúp người nông dân có thêm thu nhập từ nhiều sản phẩm.
Ví dụ như mô hình trồng xen hồ tiêu – cà phê đang được nhiều người nông dân áp dụng và đã cho hiệu quả ổn định.
Hiện nay, trồng xen canh các loại cây trồng khác trong vườn cà phê mang lại hiệu quả kinh tế “kép”, từ đó ngày càng nhiều các hộ dân có diện tích trồng cà phê đều áp dụng trồng xen canh để tăng thời vụ cây trồng. Cách làm này, nông dân không mất quá nhiều công chăm sóc nhưng nâng cao rõ rệt giá trị sản xuất, tăng tối đa hiệu quả trên cùng đơn vị canh tác. Nhiều chuyên gia nước ngoài đến tham quan và cũng đánh giá rất cao hình thức xen canh này.
Có thể thấy xen canh cây trồng trong vườn cà phê là hướng đi tất yếu, giúp nông dân khắc phục những khó khăn và nhược điểm của đất dốc, ngoài biện pháp bón phân cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Mô hình xen canh này dễ làm, thích hợp với các nông hộ và thân thiện với môi trường, tăng tần số sử dụng đất, giảm tình trạng “nông sản rớt giá, nông dân mất trắng”.
Lê Thoa