Nhiều doanh nghiệp thua lỗ khi giá gạo xuất khẩu Việt Nam lập đỉnh Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh, tiếp tục lập đỉnh mới Giá gạo Việt xuất khẩu cao nhất thế giới: Mừng và lo sau con số kỷ lục |
Thu mua lúa gạo trên cánh đồng liên kết phục vụ xuất khẩu tại An Giang. Ảnh: Công Mạo |
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu 7,05 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 3,95 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng 15,9% về lượng và tăng mạnh 34% về giá trị.
Về thị trường xuất khẩu, Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất. Kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường này 10 tháng năm 2023 đạt gần 1,41 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Tiếp đến, Indonesia chi ra 554,6 triệu USD để mua 1,03 triệu tấn gạo của nước ta trong 10 tháng qua. So với cùng kỳ năm trước đó, giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường này tăng đột biến 1.909,4% (gấp khoảng 20 lần).
Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc đạt 510,6 triệu USD, tăng 33,4%; sang Ghana đạt 332,7 triệu USD, tăng 62,2%.
Trong top 5 thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam, chỉ có Bờ Biển Nga ghi nhận mức tăng trưởng âm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về cơ cấu thị trường, Philippines chiếm 35,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng năm 2023, giữ vị trí số 1. Tiếp đến là Indonesia và Trung Quốc lần lượt chiếm 13,8% và 12,9%.
Đáng chú ý, do gom mua lượng lớn gạo của Việt Nam suốt 10 tháng qua nên Indonesia chính thức vượt qua Trung Quốc để trở thành khách hàng lớn thứ 2 của gạo Việt. Cùng kỳ năm ngoái, gạo xuất sang thị trường Indonesia chỉ chiếm 0,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của nước ta.
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, tình hình thời gian tới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp sản xuất, chế biến đến hiệu quả của người nông dân, doanh nghiệp chế biến lúa gạo của Việt Nam.
“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp, hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các đơn vị trong chuỗi ngành hàng lúa gạo đã phối hợp, đồng hành cùng sở, ngành địa phương và bà con nông dân triển khai các nhiệm vụ, giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực. Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định tình hình thời gian tới các yếu tố ảnh hưởng còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp sản xuất, chế biến đến hiệu quả của người nông dân, doanh nghiệp chế biến lúa gạo” - ông Nguyễn Ngọc Nam nói.
Ảnh Vietnamnet |
Về thị trường gạo xuất khẩu trong năm 2024, nhiều chuyên gia phân tích và dự báo thị trường cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có khả năng đạt 8 triệu tấn, như vậy sang năm tới, tồn kho sẽ rất mỏng nên các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng nếu không sẽ rất rủi ro như năm nay, ký hợp đồng nhiều nhưng không lường được nguồn cung hạn hẹp lúc đó giá bật lên lại gặp khó khăn.
Mặt khác, cũng cần lưu ý Ấn Độ có thể quay lại thị trường mặt bằng giá gạo sẽ bị hạ xuống, hiện nay giá gạo Việt Nam quá cao, giá gạo tăng cao nhưng hầu như gạo Việt Nam không bán được, đây cũng là hạn chế làm giảm tính cạnh tranh của gạo Việt Nam so với các nước xuất khẩu gạo khác.
Để nâng cao giá trị nông sản, tăng lợi nhuận cho các bên trong chuỗi ngành hàng lúa gạo cần áp dụng công nghệ giảm thất thoát không chỉ về số lượng, mà cần giảm thất thoát về chất lượng hạt gạo, giảm sử dụng năng lượng điện trong quá trình xay xát, giảm chi phí tiền điện tăng lợi nhuận là giải pháp được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh: “Chi phí đầu vào phải giảm xuống để lợi nhuận gia tăng sẽ phân đều cho các tác nhân, ai cũng thấy hài lòng, ai cũng thấy phấn khởi, tránh câu chuyện người buồn, người vui, thì đó là bền vững trong chuỗi giá trị. Một trong những điểm nghẽn rất lớn trong chuỗi lúa gạo đó là chi phí logistics trong chuỗi ngành hàng nông nghiệp nói chung và trong chuỗi lúa gạo vẫn còn cao. Chính phủ cũng giao Bộ Nông nghiệp tiếp quản, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành đề án về hệ thống logistics phục vụ cho sản xuất kinh doanh nông nghiệp, trong đó có gạo”.
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 2/11, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lần nữa lập kỷ lục khi tăng 10 USD/tấn lên 663 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và vẫn duy trì vị trí thị trường có giá gạo xuất khẩu cao nhất (cao hơn 90 USD/tấn với thị trường đứng thứ 2 là Thái Lan).
Hiện Việt Nam cũng là thị trường duy nhất giá xuất khẩu vẫn đạt mức trên 600 USD/tấn trong 3 nguồn cung gạo chính cho thế giới (gồm Việt Nam, Thái Lan, Pakistan). Giá xuất khẩu gạo 25% tấm và gạo thơm Jasmine của Việt Nam lần lượt là 642 USD/tấn và 748 USD/tấn.
Mức giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể duy trì ở mức cao là do Việt Nam vẫn duy trì được sản lượng tốt và chất lượng ngày càng được nâng cao, trong khi hầu hết các thị trường cung cấp gạo chính ra thế giới đều đang thắt chặt nguồn cung do sản lượng giảm bởi tác động của tình hình thời tiết tiêu cực.
Tuy nhiên, đi kèm với giá xuất khẩu tăng thì giá thu mua gạo trong nước cũng tăng trưởng “chóng mặt”, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho hay doanh nghiệp hiện tại không dám ký hợp đồng xuất khẩu mới, một phần vì lo không đủ nguồn cung, một phần vì giá thu mua gạo trong nước đang quá cao, nếu cộng thêm các chi phí xay xát, vận chuyển thì doanh nghiệp vẫn phải chịu lỗ.
Kim ngạch xuất khẩu gạo thiết lập kỷ lục mới |
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam lên mức cao nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây |
Xuất khẩu gạo năm 2023 có thể đạt xấp xỉ 8 triệu tấn |