Xuất khẩu gạo sang Philippines tăng cả về lượng và kim ngạch Philippines vẫn đứng đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam Việt Nam bảo đảm cung cấp gạo ổn định, lâu dài cho Philippines |
Trong báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này đã hạ dự báo nhập khẩu gạo của Philippines trong năm 2021 xuống mức 2 triệu tấn, giảm 200 nghìn tấn so với dự báo trước đó và thấp hơn 450 nghìn tấn so với 2,45 triệu tấn trong năm 2020.
USDA hạ dự báo nhập khẩu gạo của Philippines dựa trên vụ mùa kỷ lục của nước này và tốc độ nhập khẩu chậm hơn dự kiến trong quý đầu tiên của năm 2021.
Theo USDA, sản lượng gạo của Philippines trong năm 2021 dự báo đạt 12,4 triệu tấn, tăng hơn 200 nghìn tấn so với dự báo trước và tăng 473 nghìn tấn so với năm 2020.
USDA hạ dự báo nhập khẩu gạo của Philippines |
Hơn hai năm kể từ khi thực hiện luật thuế quan (RTL), ngành lúa gạo của Philippines đang dần nhận ra tiềm năng của mình, khi cả sản lượng và giá lúa gạo đều tăng trong mùa khô, và giá gạo được cho là phù hợp với người tiêu dùng giữa đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines William Dar cho biết, với các sáng kiến phát triển bền vững và sự hợp tác chặt chẽ của các bên liên quan trong ngành lúa gạo, Philippines đang hướng đến sản lượng kỷ lục 20,4 triệu tấn thóc trong năm nay.
Cũng theo ông William Dar, gạo không còn là mối lo ngại thường trực về lạm phát tại Philippines. Thậm chí nguồn cung gạo ổn định đã góp phần kiềm chế lạm phát lương thực trong vài tháng qua, vốn chịu áp lực gia tăng từ nguồn cung thịt thắt chặt.
Số liệu của Cơ quan Thống kê Philippines (PSA) cho thấy, sản lượng thóc của Philippines đã tăng 7,2% trong 3 tháng đầu năm 2021 lên 4,57 triệu tấn từ 4,26 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này thấp hơn 0,3% so với dự báo sản lượng ban đầu của PSA là 4,58 triệu tấn.
Diện tích thu hoạch đã tăng 4,6% lên 1,098 triệu ha, trong khi năng suất cũng tăng lên 3,98 tấn/ha từ 3,88 tấn/ha của cùng kỳ năm trước. Khoảng 527.310 ha (tương đương 49,8% diện tích) lúa của Philippines đã được thu hoạch và 790.730 tấn (khoảng 85% diện tích) đã được gieo trồng.
Giá lúa gạo cao hơn đang tạo thêm động lực sản xuất cho nông dân Philippines. Tính đến ngày 15/4/2021, nông dân tại Nueva Ecija - Philippines đang bán lúa tươi mới thu hoạch với giá 16 – 18 Peso/kg và lúa khô ở mức 20 - 22 Peso/kg.
Về tồn kho gạo của Philippines, tính đến ngày 1/3/2021 lượng gạo dự trữ của nước này đã giảm 5,2% so với tháng 2/2021 và giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2020, xuống còn 2,08 triệu tấn.
Dữ liệu của PSA cho thấy, khoảng 59,1% lượng gạo tồn kho hiện tại của Philippines là trong các hộ gia đình, 28,1% được lưu trữ trong các kho thương mại và 12,8% còn lại được lưu trữ trong các kho của Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA).
Cụ thể, tổng lượng gạo tồn kho của các hộ gia đình đến ngày 1/3/2021 đạt 1,23 triệu tấn; kho thương mại và NFA lần lượt đạt 584.660 tấn và 265.320 tấn.
So với tháng trước, dự trữ gạo trong các hộ gia đình đã tăng 4,1%. Dự trữ trong các kho thương mại giảm 17,5% và trong kho của NFA giảm 12,3%.
Còn so với cùng kỳ năm trước, dự trữ gạo trong các hộ gia đình đã tăng 25,4%. Tuy nhiên, dự trữ gạo từ các kho thương mại và kho ký gửi NFA lần lượt giảm 18,3% và 44,9%.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2021 cả nước xuất khẩu 539.040 tấn gạo, tương đương 290,83 triệu USD, giá trung bình 539,5 USD/tấn, tăng mạnh 74% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 2/2021 nhưng giảm nhẹ 0,8% về giá. So với tháng 3/2020 giảm 8,9% về lượng nhưng tăng 7% kim ngạch và tăng 17,5% về giá. Trong tháng 3/2021 xuất khẩu gạo sang hầu hết các thị trường chủ đạo tăng mạnh so với tháng 2/2021, trong đó xuất khẩu sang Philippines tăng 81% về lượng và tăng 78% kim ngạch, đạt 155.707 tấn, tương đương 82,33 triệu USD; Tính chung 3 tháng đầu năm 2021 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 1,19 triệu tấn (giảm 21,4% so với 3 tháng đầu năm 2020), thu về gần 648,64 triệu USD (giảm 7,4%), giá trung bình đạt 544 USD/tấn (tăng 17,8%). Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, đạt trên 411.581 tấn, tương đương 219,96 triệu USD, giá trung bình 534,4 USD/tấn, giảm 30,7% về lượng, giảm 14,5% về kim ngạch nhưng tăng 23,5% về giá so với 3 tháng đầu năm 2020; chiếm 34% trong tổng lượng và tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước. |