Du lịch ghi nhận mức tăng trưởng tích cực nhờ sự kiện SEA Games 31 Đà Nẵng: Khai trương Làng du lịch cộng đồng Thái Lai Khánh Hòa chuẩn bị các hoạt động cho Liên hoan Du lịch biển Nha Trang năm 2022 |
Đồng bào các dân tộc với trò chơi nhảy sạp truyền thống. |
Đây là các hoạt động thiết thực, bổ ích, ý nghĩa dành cho tuổi thơ để chào mừng Tết Thiếu nhi 1/6; Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Các hoạt động có sự tham gia của khoảng hơn 100 đồng bào của 14 dân tộc: Tày, Nùng (Thái Nguyên); Dao (Ba Vì, Hà Nội); Mông (Hà Giang); Khơ Mú (Nghệ An); Mường (Hòa Bình); Thái (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Ba Na (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum); Ê Đê (Đắk Lắk); Khmer (Sóc Trăng).
Nhiều hoạt động dành cho thiếu nhi tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. |
Trong khuôn khổ sự kiện, Ban Tổ chức sẽ thực hiện nhiều chương trình thiết thực như “Thiếu nhi với nét văn hóa truyền thống các dân tộc”, “Một ngày làm nghệ nhân”, “Về với bản làng quê em” nhằm tái hiện không gian dành cho tuổi thơ với các trò chơi dân gian, trải nghiệm một số nghề thủ công truyền thống.
Có thể kể đến các hoạt động như làm chuồn chuồn tre do nghệ nhân đến từ huyện Hoài Đức (Hà Nội) hướng dẫn; nặn tò he (huyện Phú Xuyên), nặn bong bóng thành đồ vật hình thù ngộ nghĩnh, trải nghiệm làm nón… Các em được tham gia trò chơi dân gian truyền thống như đánh chắt, chơi truyền, ô ăn quan, nhảy dây; ném pao, đánh yến, đánh tu lu, đánh yến của dân tộc Mông, đẩy gậy của dân tộc Mường, nhảy sạp, đi cà kheo của dân tộc Thái...
Đồng bào S'tiêng biểu diễn đánh đàn đá, nhạc cụ truyền thống độc đáo của dân tộc mình. |
Bên cạnh đó là chương trình trải nghiệm văn hóa gắn với không gian sống của đồng bào dân tộc. Qua đó, du khách, đặc biệt là các em nhỏ về không gian giới thiệu văn hóa truyền thống tộc người về kiến trúc, trang phục, dân ca dân vũ, lễ hội, các loại hình diễn xướng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống. Các em được giao lưu văn nghệ và nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng.
Mỗi điểm sẽ có một hoạt động trải nghiệm, tương tác để du khách cùng với các chủ thể văn hóa tham gia vào quá trình làm, tạo sản phẩm. Trong quá trình đó, đồng bào sẽ chia sẻ về đời sống văn hóa để du khách hiểu hơn về giá trị truyền thống, góp phần giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, trải nghiệm của các bạn nhỏ.
Đồng bào Gia Rai đến từ tỉnh Gia Lai sẽ tổ chức tái hiện Lễ kết nghĩa anh em đặc sắc của dân tộc mình. Tây Nguyên - vùng đất sinh sống lâu đời của các dân tộc Ê Đê, Gia Rai, M’nông, Bahnar,... - là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa nguyên bản đa dạng và giàu bản sắc.
Lễ kết nghĩa anh em được thực hiện bởi Già làng, thầy cúng và người tham gia nghi lễ. |
Trong kho tàng văn hóa đó, lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Gia Rai và Ê Đê là một sinh hoạt văn hóa đặc trưng phản ánh đậm nét đời sống tinh thần của hai dân tộc này. Và tại “Ngôi nhà chung”, những người Ê Đê và Gia Rai làm lễ kết nghĩa anh em với mong muốn cho mọi người sống chan hòa, thân thiết như anh em một nhà, cùng chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn, động viên nhau cùng phát triển.
Nhân ngày Gia đình Việt Nam, Ban Tổ chức sẽ giới thiệu chương trình "Ngày hội văn hóa gia đình", các dân tộc đại diện cho 3 miền tham gia các trò chơi tập thể sôi động, thi đấu thể dục thể thao, biểu diễn một số tiết mục văn nghệ…
Qua đó, đồng bào các dân tộc vui chơi trọn vẹn và thắt chặt mối thân tình. Đây cũng là cơ hội để mỗi gia đình nhỏ được gắn kết với đại gia đình “Ngôi nhà chung”. Ngày hội là sân chơi giải trí tinh thần sau những ngày làm việc căng thẳng, là nơi gia đình gặp gỡ giao lưu để gần gũi nhau hơn, tạo nên một tập thể đoàn kết, gắn bó cùng chí hướng xây dựng “ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ chương trình còn có các trò chơi dân gian truyền thống như: Ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến, tó má lẹ...; tiếp tục hoàn thiện không gian “Ngày hè của em” tạo không gian thoáng mát để du khách có không gian lưu trú.
Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hằng ngày, cuối tuần của 13 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.