Khóm phụng còn được gọi là khóm đầu lân, khóm long phụng |
Khóm (thơm, dứa) vốn là một trong những loại cây trồng chủ lực và đặc sản nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang. Ngoài loại khóm thông thường còn có loại khóm phụng độc đáo được nhiều người thành phố săn tìm chưng trong mâm ngũ quả ngày Tết.
Khóm phụng là một loại cây được trồng trên vùng đất phèn Tân Phước- Tiền Giang. Khóm phụng rất khó trồng và chăm sóc, chỉ thu hoạch được 1 lần duy nhất trong năm. Khóm phụng có màu đỏ tươi sáng cùng hình dáng như chim phụng vô cùng bắt mắt được dùng trưng bày trong mâm ngũ quả ngày tết. Người ta còn gọi loại khóm này bằng tên gọi là khóm đầu lân, khóm long phụng…
Ngoài màu sắc đỏ rực rỡ, hình dáng xòe đẹp như dáng phụng loài khóm này còn đặc biệt với những trái khóm con mọc đều quanh trái. Điều này khiến khóm phụng gây chú ý hơn, vì theo phong thủy đặc điểm này thể hiện sự đâm chòi nảy lộc phát triển đầu năm.
Khóm được xem là cây trồng chủ lực của xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao (Kiên Giang). Cùng với việc trồng khóm thương phẩm để cung ứng ra thị trường hàng ngày thì nơi đây còn có 1 loại khóm “độc” dùng để chưng trên mâm ngũ quả ngày tết. Người trồng khóm phụng ở Vĩnh Phước A phấn khởi vì dịp tết này mỗi nhà bình quân thu vài chục triệu từ loại trái đẹp và “độc” này.
Nếu như loại khóm thông thường bán lẻ trung bình khoảng 10 ngàn đồng/trái thì khóm phụng lại có giá cao hàng chục lần khóm thường. Để có giá cao như vậy thì khóm phụng phải đạt đủ các tiêu chuẩn “hàng chọn” cho người mua. 1 trái đạt phụng phải có trọng lượng từ 4 - 6kg, màu sắc đỏ rực rỡ, hình dáng đẹp, có đủ 5 chi trở lên và đầu phải có hình phụng thì mới được thương lái thu mua với giá cao.
Rẫy khóm phụng của hộ gia đình ông Phan Xuân Huy, ngụ xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao (Kiên Giang) |
Rẫy khóm phụng của hộ gia đình ông Phan Xuân Huy, ngụ xã Vĩnh Phước A ai nấy đều lóa cả mắt vì rẫy khóm rực đỏ. Những trái khóm trổ con xòe ra khiến ai nhìn thấy cũng bị thu hút. Ông Phan Xuân Huy cho biết năm 2008 ông được người quen cho 2 cây khóm giống. Ban đầu thấy khóm "độc lạ" lại có giá trị kinh tế vào dịp tết nên ông nhân giống trồng từ từ. Sau những lần đầu thất bại đến năm 2012, rẫy khóm của ông đã có trái bán với số lượng tăng dần mỗi năm.
Tùy theo số lượng và thời tiết mà rẫy khóm phụng của ông Huy cho thu nhập nhiều hay ít. Nếu với số lượng khoảng 800 bụi, thời tiết thuận lợi, tỷ lệ đạt trái phụng cao, có thể cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Ông Huy chia sẻ: “Tôi thì thích cái độc cái lạ nên thấy khóm phụng là tôi muốn trồng ngay. Qua nhiều năm mình rút kinh nghiệm, cách chăm sóc thì khi thu hoạch mới cho ra “phụng” được. Thời gian đầu chưa biết nên trồng khóm không ra “phụng” chỉ bán giá khóm thường thôi”.
Với kinh nghiệm lâu năm trồng khóm phụng, ông Huy chia sẻ thêm đặc tính của khóm phụng không ưa nước, nếu mưa nhiều, nước ngập có thể bị úng. Muốn có khóm phụng bán vào đúng dịp tết, thì khoảng tháng 2 âm lịch là bắt đầu trồng cây giống, đến tháng 8 âm lịch là bắt đầu xử lý để khóm ra hoa, đến tết Nguyên Đán thì trái chín, có thể chưng tết đến 1 tháng mà không bị hỏng.
Chủ tịch Hội nông dân xã Vĩnh Phước A cho biết, dịp cuối năm thương lái đổ vào thu mua khóm phụng rất nhiều, không đủ cung. Bà con trồng khóm phụng không phải đi bán lẻ mà chỉ chăm lo kỹ thuật thật tốt để khóm đạt chuẩn phụng. Tùy theo tỉ lệ phụng đẹp và ra con ít hay nhiều mà giá cũng cao thấp khác nhau. Giá khóm phụng bán lẻ bình quân khoảng 150 ngàn đồng/trái, tuy nhiên có những trái phụng đẹp lên đến 200 ngàn đồng/trái. Ngoài bán trái thành phẩm người trồng khóm phụng còn bán cây con với giá trên dưới 10 ngàn đồng/cây đem lại thu nhập khá ổn định.
Anh Hà Kim Tình đang chăm sóc vườn khóm của gia đình |
Tân Phước là huyện chuyên canh khóm lớn nhất tỉnh Tiền Giang và cũng lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Anh Hà Kim Tình, ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước cho biết, anh trồng được 500 cây khóm phụng, đến thời điểm này, khóm đã rực sắc, nhiều cây vươn mình, tạo dáng độc đáo trong rất đẹp.
Tuy khóm mới bắt đầu tạo dáng, nhưng đã có thương lái đến đặt mua từ tháng trước, với giá đổ đồng 200.000 đồng/trái cao hơn nhiều so với các năm trước. Do năm nay, tỷ lệ trái đạt chất lượng rất cao, nhiều trái có hình dáng to, nhiều nhánh và bắt mắt nên anh Tình chỉ bán trước trên 170 cây, số còn lại anh để lại để bán vào dịp cận Tết.
Anh Tình chia sẻ: "Năm nay khóm bán được giá cao tôi và bà con cũng rất mừng. Do thời tiết năm nay cũng khá thuận lợi nên khóm đạt chất lượng cao, có nhiều trái ra khoảng 8 - 10 nhánh, rất đẹp. Giá cả năm nay cũng cao hơn nhiều so với năm trước, hiện tôi cũng bán được một phần, phần còn lại tôi sẽ bán vào 25 hoặc 26 Tết”.
Còn tại vườn ông Hà Văn Bảy, những cây khóm phụng cũng đã được ông trồng sẵn vào chậu để chờ bán vào dịp cận Tết. Năm nay gia đình ông Bảy trồng được 400 cây khóm phụng và 50 cây khóm son, tỷ lệ trái chiến đạt khoảng trên 60%.
Gần 20 năm trồng khóm phụng, khóm son nên ông Bảy có rất nhiều kinh nghiệm trong việc trồng 02 loại cây này. Theo ông, muốn có khóm phụng, khóm son bán vào đúng dịp Tết thì từ khoảng tháng 2 âm lịch bắt đầu trồng cây giống, đến đầu tháng 9 âm lịch tiến hành xử lý cho khóm ra hoa. Đặc biệt, cần tưới nước đầy đủ, phòng trừ các loại côn trùng gây hại và phải che trái khi nắng nhiều để trái không bị nám. Ông dự kiến Tết này gia đình sẽ có nguồn thu nhập trên 70 triệu đồng từ việc bán khóm phụng, khóm son.