Tổng quan về quả dứa
Dứa (tên tiếng Anh là Pineapple) có các tên gọi khác như là: Khóm, Thơm (có nơi gọi là khớm) hay Gai (miền Trung) hoặc trái huyền nương, tên khoa học Ananas comosus, là một loại quả nhiệt đới. Quả dứa thực ra là trục của bông hoa và các lá bắc mọng nước tụ hợp lại. Còn quả thật là các “mắt dứa”, là một khối gồm khoảng 150-200 hoa (hoặc hơn), các đài hoa tạo thành một khối nén chặt gọi là quả (giả) của dứa. Nó có dạng hình tròn, hình trụ hay hình biến dạng (do con người chủ động tạo để làm cảnh).
Quả dứa là loại trái cây vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng |
Ở nước ta, cây dứa được trồng khá phổ biến, phân bố từ Phú Thọ đến Kiên Giang. Tiền Giang là tỉnh có sản lượng dứa đứng đầu cả nước.
Giá trị dinh dưỡng của quả dứa
Đây là loại quả có hàm lượng axit hữu cơ cao (axit malic và axit citric). Loại quả này là nguồn cung cấp mangan dồi dào cũng như có hàm lượng Vitamin C và Vitamin B1 khá cao. Đặc biệt nó có chứa enzym bromelain, có thể phân huỷ protein.
Theo phân tích của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) thành phần dinh dưỡng trong 100g quả như sau:
Bảng gía trị dinh dưỡng của quả dứa |
Những lợi ích khi ăn dứa
Ngoài giảm cân thì những tác dụng không thể không kể đến của việc ăn dứa chính là:
Giúp tiêu hoá dễ dàng: Ăn dứa rất hữu ích cho những người bị suy tuyến tụy không thể tạo đủ các enzyme tiêu hoá. Bạn có thể ăn dứa sau bữa ăn, hoặc thậm chí nấu dứa với cá và thịt nạc để tạo nên những món canh ngon tuyệt vời và bổ dưỡng, tác dụng kích thích tiêu hoá tốt.
Giúp giảm nguy cơ ung thư: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, enzyme bromelain trong quả dứa cũng có thể ngăn chặn sự phát triển các tế bào ung thư vú, ung thư ở da, ống mật, hệ thống dạ dày và ruột kết. Đặc biệt, Bromelain có thể kích thích hệ thống miễn dịch sản xuất tế bào bạch cầu hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư và loại bỏ những tế bào này.
Giúp tăng cường miễn dịch và kháng viêm: Dứa chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các enzyme như bromelain có thể tăng cường khả năng miễn dịch và ngăn chặn chứng viêm. Nghiên cứu đã chứng minh rằng trẻ em ăn dứa có nguy bị nhiễm trùng do virus và vi khuẩn thấp hơn đáng kể so với trẻ không ăn.
Dứa có tác dụng kháng viêm nên được khuyên dùng trước và sau khi nhổ răng |
Giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp: Các nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới cũng đã chỉ ra rằng enzyme bromelain có đặc tính chống viêm và được sử dụng có hiệu quả để làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp, trong đó có viêm khớp dạng thấp.
Mẹo giúp chọn dứa ngon
Nắm một số mẹo đơn giản để chọn dứa ngon ngọt vừa ý |
Cách chọn dứa ngon chính là:
Màu sắc: Vàng tươi từ cuống đến phần đuôi. Dứa càng vàng thì độ ngọt càng cao.
Hình dáng: Có hình tròn bầu, ngắn quả
Mắt dứa: Mắt càng lớn và càng thưa thì càng tốt
Hương thơm: Hãy mạnh dạn cầm quả dứa lên và thử mùi thơm ở cuối quả dứa
Phần ngọn dứa: Có màu xanh tươi thì dứa càng ngon
Lưu ý khi sử dụng dứa
Phụ nữ mang thai không nên ăn dứa và các sản phẩm từ dứa |
Dứa có đặc tính làm mềm thịt, do vậy có thể gây sưng môi, má và lưỡi, nhưng có thể tự khỏi sau vài giờ. Tuy nhiên, nếu sưng kèm theo phát ban, nổi mề đay hoặc khó thở, bạn có thể đã bị dị ứng dứa. Trong trường hợp này, bạn cần ngừng ăn và đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Đây là loại trái cây có lượng đường và carbohydrate rất cao, vì vậy, khi ăn quá nhiều có thể làm tăng đột ngột lượng đường trong máu của cơ thể.
Bromelain có trong dứa là một loại enzyme có khả năng tương tác với một số loại thuốc nhất định. Các bác sĩ của Trung tâm y tế thuộc Đại học Maryland khuyến cáo bạn không nên ăn dứa khi đang uống thuốc kháng sinh, chống đông máu, chống co giật, thuốc làm loãng máu, trầm cảm hoặc mất ngủ.
Ăn quá nhiều dứa có thể làm tăng liều lượng lớn các enzyme bromelain trong cơ thể phụ nữ mang thai, kích thích co thắt tử cung, dẫn đến sảy thai.