Anh Lê Văn Dương đã chuyển đổi vườn cà phê sang trồng dâu nuôi tằm và có nguồn thu nhập ổn định. |
Trồng dâu thu nhập quanh năm
Trước thực tế cà phê già cỗi và hồ tiêu bị bệnh chết, nhận thấy cần phải tìm một hướng đi mới, một số hộ nông dân trên địa bàn huyện Chư Pưh đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm và thu được hiệu quả cao. Đây đang là hướng chuyển đổi hiệu quả, được địa phương khuyến khích người dân phát triển kinh tế, mở ra hướng đi triển vọng giúp người nông dân nâng cao đời sống.
Xã Ia Rong có trên 15 ha đất trồng dâu, nuôi tằm, tập trung chủ yếu ở thôn Ia Sâm. Bình quân mỗi tháng mỗi hộ có thể nuôi 2 lứa tằm, với giá kén trên 100.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí mỗi hộ có lãi hơn 4 triệu đồng/sào. Không chỉ ít cần công chăm sóc, điều mà các hộ dân cảm thấy phấn khởi là trồng dâu nuôi tằm đem lại thu nhập hàng tháng, giúp người dân có tiền để trang trải cuộc sống, sinh hoạt và đầu tư cho sản xuất.
Một cơ sở trồng dâu nuôi tằm tại xã Ia Rong. |
Bà Hoàng Thị Mai-Thôn Ia Sâm, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh chia sẻ: “Nuôi tằm không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải nắm vững kĩ thuật, hiện nay đầu ra cũng rất ổn định. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu để nuôi tằm và sẵn sàng hướng dẫn kĩ thuật cho các hộ dân có nhu cầu trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn xã.”
Gia đình anh Lê Văn Dương ở thôn Ia Sâm là 1 trong những hộ tiên phong trong việc thử nghiệm triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn xã Ia Rong. Năm 2009, khi vườn tiêu bị chết, gia đình anh đã trồng 1 sào dâu và nuôi thử tằm.
Thấy dâu dễ chăm sóc và đầu ra cũng ổn định nên sau 3 năm, gia đình anh đã đầu tư mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm lên 9 sào. 2 năm nay, giá kén được thu mua ở mức 120.000 đến hơn 200.000 đồng/kg nên gia đình ông có nguồn thu nhập khá cao hàng tháng.
Người dân trồng dâu trong vườn cà phê đã cằn cỗi. |
Anh Lê Văn Dương cho biết: “Đất ở đây phù hợp nên cây dâu phát triển rất tốt, lá to, dày và xanh. Khí hậu cũng thuận lợi, phù hợp nên tằm nuôi không bị bệnh, cho ra chất lượng kén đạt tiêu chuẩn, được đại lý thu mua đánh giá cao”.
Theo anh Dương, nuôi tằm nói là khó thì cũng rất khó với những người chưa biết. Tuy nhiên, nếu người nông dân nắm vững kỹ thuật rồi thì khi làm lại rất dễ. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ khu nuôi tằm và phải sát sao trong quá trình nuôi để sớm phát hiện tằm có bị bệnh hay không để kịp thời xử lý. Thêm nữa, nếu như cà phê, hồ tiêu thì mỗi năm chỉ thu hoạch một vụ còn trồng dâu nuôi tằm thì tháng nào cũng có kén để thu. Bên cạnh đó, giá kén những năm qua rất cao và ổn định nên đời sống của gia đình cải thiện lên nhiều.
Liên kết phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm
Nhằm giúp các hộ dân yên tâm trong quá trình sản xuất dâu tằm, xã Ia Rong đã thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm. Bên cạnh đó, được hỗ trợ về vấn đề con giống, thu mua sản phẩm của người dân thuận lợi hơn trước rất nhiều. Đây chính là yếu tố để xã Ia Rong nhân rộng và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tại 7 thôn, làng trên địa bàn.
Ông Trương Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rong, huyện Chư Pưh cho biết: “Tổ hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm xã Ia Rong hiện có 20 thành viên tham gia với tổng diện tích trên 15 ha. Với giá thu mua kén hiện tại, sau khi trừ chi phí, mỗi hộ thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần giải quyết việc làm tại địa phương.
Những vườn dâu phát triển tốt cho năng suất cao. |
Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động các hộ dân tham gia mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm, nhất là tập trung chuyển đổi những diện tích hồ tiêu bị chết, già cỗi cho năng suất kém”.
Theo một số hộ trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện Chư Pưh cho biết: Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Chư Pưh rất phù hợp với việc trồng dâu và nuôi tằm. Trên địa bàn huyện có nhiều mô hình trồng dâu nuôi tằm chuyển đổi hiệu quả, được địa phương khuyến khích người dân phát triển kinh tế. Các Hợp tác xã, Tổ liên kết hỗ trợ người dân trong các khâu cung cấp giống tằm, lựa chọn giống dâu, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ ứng trước đầu tư giống, nông cụ và bao tiêu đầu ra. Sản phẩm kén tằm được các cơ sở chế biến đánh giá cao về chất lượng và trực tiếp thu mua.
Từ hiệu quả ban đầu và nhằm giúp cho người dân liên kết, sản xuất hiệu quả, từ năm 2021, Hội Nông dân xã Ia Rong đã thành lập Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm. Từ 4 thành viên ban đầu đến nay số lượng thành viên của chi hội đã lên tới con số 38. Tổng diện tích nuôi dâu của các thành viên là gần 30 ha.
Thời tiết ở huyện Chư Pưh rất thuận lợi để con tằm phát triển. |
Ông Lê Văn Kỳ, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm thôn Ia Sâm (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) cho biết: "Khi tham gia chi hội, các thành viên sẽ được học tập, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật trồng dâu, chăm sóc con tằm để để đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, chi hội sẽ tư vấn, hướng dẫn các thành viên tìm nguồn giống dâu tằm chất lượng. Đến khi thu hoạch kén, bà con hoàn toàn yên tâm về đầu ra vì đã có HTX Tơ tằm Minh Hoá (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cam kết thu mua với mức khá cao, khoảng từ 180 – 200 ngàn đồng/kg".
Với giá cả và đầu ra ổn định, nghề trồng dâu nuôi tằm đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân trên địa bàn. Thời gian tới, huyện Chư Pưh tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng với các hộ dân tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển nhanh và bền vững.
Hiệu quả kinh tế từ trồng dâu nuôi tằm góp phần giúp các hộ dân trên địa bàn huyện Chư Pưh vơi bớt khó khăn sau khi tiêu chết. Qua khảo sát, mô hình trồng dâu nuôi tằm có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng cà phê tiêu từ 3 - 4 lần. Từ đó, đời sống của các hộ dân được nâng cao, ổn định hơn trước./.