Theo đó, tỉnh Trà Vinh sẽ đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành trang trại thông minh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, đẩy nhanh việc ứng dụng internet vạn vật, hệ thống cảm biến, robot để quan trắc môi trường nước, khí tượng- thủy văn; quản lý côn trùng, sâu rầy, dịch hại; giám sát các thông số hóa - lý đồng ruộng, chuồng trại, truyền dữ liệu về trung tâm xử lý để hỗ trợ chủ trang trại quản lý từ xa, ra quyết định kịp thời nhằm tối ưu hiệu quả chăm sóc đến từng cây trồng, vật nuôi.
Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; nghiên cứu chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận các mô hình sản xuất thông minh để tạo sự đột phá trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trà Vinh thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp
Vừa qua, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh vừa đầu tư trên 3,3 tỷ đồng hỗ trợ lắp đặt 10 hệ thống giám sát côn trùng thông qua điện thoại thông minh tại 06 huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh.
Cụ thể, các hệ thống này được lắp đặt tại xã Huyền Hội và Mỹ Cẩm (huyện Càng Long), Phong Phú và Phong Thạnh (huyện Cầu Kè), Phú Cần và Tập Ngãi (huyện Tiểu Cần), Tân Sơn và Tân Hiệp (huyện Trà Cú), Trường Thọ (huyện Cầu Ngang) và xã Đa Lộc (huyện Châu Thành).
Mô hình do Công ty Cổ phần RYNAN Smart Fertilizers (Khu Công nghiệp Long Đức, thành phố Trà Vinh) nghiên cứu, cung cấp máy móc thiết bị và hướng dẫn nông dân thực hiện.
Đây là hệ thống giám sát côn trùng thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0 phục vụ bảo vệ thực vật, với mức độ chính xác rất cao. Các trạm giám sát sử dụng trí tuệ nhân tạo, thu hút dẫn dụ côn trùng bằng dải ánh sáng thích hợp (có thể điều khiển được bước sóng ánh sáng), thu thập dữ liệu hình ảnh côn trùng bằng camera và truyền tải hình ảnh ghi nhận về trung tâm phân tích dữ liệu.
Hệ thống quản lý trạm bơm, nước canh tác sử dụng điện thoại thông minh ở HTX nông nghiệp Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh
Hệ thống phần mềm giám sát ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, phát triển trên nền internet vạn vật, đặc biệt ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để phân tích, nhận dạng và thống kê số lượng sâu rầy.
Hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời đảm bảo duy trì vận hành liên tục trên các địa hình triển khai diện rộng như ruộng lúa, khu trồng trọt canh tác diện tích lớn…
Được biết, việc giám sát côn trùng trước đây dựa vào hệ thống bẫy đèn truyền thống, sử dụng ánh sáng thông thường khó thu hút côn trùng; đặc biệt, vào mùa mưa, việc theo dõi côn trùng rất khó khăn. Hệ thống giám sát côn trùng thông minh nhận dạng được chính xác số lượng, chủng loại côn trùng vào đèn.
Từ đó giúp đơn vị chuyên môn kiểm soát, dự đoán dịch hại để đề ra các giải pháp quản lý, ngăn chặn, phòng trừ trên phạm vi toàn tỉnh. Với việc đưa vào sử dụng hệ thống giám sát côn trùng thông minh, Trà Vinh là tỉnh thứ 3 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long xây dựng hệ thống giám sát côn trùng (sau tỉnh Sóc Trăng và Đồng Tháp).
Khi đưa vào sử dụng, hệ thống giúp giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản, giảm ô nhiễm môi trường từ hóa chất, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng đến nền nông nghiệp sản xuất bền vững và an toàn trước thách thức của điều kiện biến đổi khí hậu.
Diệu Thu