Trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP.HCM 8 tháng đầu năm ước tăng 2,1%. 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 2,5%. Đặc biệt, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao ước đạt 12,685 tỷ USD tăng 15,85% so với cùng kỳ, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 11,992 tỷ USD, tăng gần 21% và giá trị nhập khẩu đạt 11,534 tỷ USD tăng 11,8%. Trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử tiếp tục tăng khá (18%), và có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu nhờ có thị trường tiêu thụ, đơn hàng nhiều, ổn định. Ngành hóa chất – cao su – nhựa tăng 9%. Ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống ước tăng 1,5%.
Để nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại – một giải pháp hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, lãnh đạo TP.HCM đã yêu cầu từng bước đổi mới cách thức tổ chức xúc tiến xuất khẩu theo hướng gắn kết từng mặt hàng xuất khẩu với những thị trường cụ thể. Xác định rõ các mặt hàng chủ lực và những thị trường mục tiêu để có cách tiếp cận nhanh và phù hợp nhất. Cơ cấu xuất khẩu cần chuyển dịch theo hướng cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và xuất khẩu dịch vụ hàng hóa vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số); tập trung phát triển nhóm dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu (logistics, hội chợ triển lãm thương mại, dịch vụ tài chính, pháp lý…). TP.HCM chuẩn bị nền tảng về công nghệ và nguồn nhân lực để có thể sản xuất và xuất khẩu các nhóm ngành kỹ thuật liên quan đến điện tử, cơ khí lắp ráp, chế tạo, tự động hóa, cụ thể là thiết kế, chế tạo dụng cụ sản xuất, linh kiện cho các ngành công nghiệp khác.
Trước đó để duy trì sản xuất, các ban ngành của TP.HCM đã hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Cụ thể, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã phải kiến nghị UBND TP.HCM cho phép các DN trong khu công nghệ cao và 2 nhà máy lớn nhất là Công ty TNHH Intel Product Việt Nam, Công ty TNHH Samsung được tiếp tục vận hành, không bị gián đoạn theo yêu cầu giãn cách xã hội.
TP.HCM: kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi
Và TP.HCM đã có những chỉ đạo, giải pháp hỗ trợ vừa phòng chống dịch vừa giúp DN ổn định sản xuất. Chính vì vậy, 8 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao ước đạt 12,685 tỷ USD tăng 15,85% so với cùng kỳ, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 11,992 tỷ USD tăng 20,82% và giá trị nhập khẩu đạt 11,534 tỷ USD tăng 11,80%.
Khu công nghệ cao TP.HCM tiếp tục triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu, đào tạo theo yêu cầu doanh nghiệp; hỗ trợ cho các dự án ươm tạo kết hợp với tổ chức chương trình Innovation & Meetup nhằm tìm kiếm nhà đầu tư và bán hàng trên sàn thương mại điện tử quốc tế trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 là cơ hội để phát triển thương mại điện tử thực sự rõ ràng hơn bao giờ hết...
Đối với hoạt động hỗ trợ DN gặp khó khăn, các ngân hàng thương mại tập trung hỗ trợ 2 nhóm chủ yếu là giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, đạt 583.157 tỷ đồng cho 240.407 khách hàng; trong đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 170.915 khách hàng với dư nợ đạt 142.023 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho 18.274 khách hàng với dư nợ đạt 53.654 tỷ đồng và cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 cho 51.218 khách hàng với doanh số đạt 387.481 tỷ đồng. Đã tiếp nhận 725 trường hợp DN bị ảnh hưởng thiệt hại do dịch bệnh Covid-19.
Trong đó, 86 trường hợp DN được hỗ trợ giảm lãi từ 0,2-2%/năm so với lãi suất đang áp dụng trước đó; 17 DN được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; 46 trường hợp được cho vay mới; 4 trường hợp được tăng hạn mức tín dụng; 3 trường hợp giảm phí dịch vụ; 16 khách hàng được hỗ trợ nhiều hình thức (tăng hạn mức, giảm lãi, cơ cấu nợ...); 107 DN đang xem xét hồ sơ; 235 trường họp tư vấn hướng dẫn...
Nhận xét tình hình kinh tế, xã hội 8 tháng đầu năm 2020, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, thành phố đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và 40 ngày qua, TP.HCM đã không phát hiện trường hợp lây lan từ cộng đồng. Song song đó, TP.HCM lập tổ công tác hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, triển khai các biện pháp giúp DN vượt qua khó khăn. "Nói chung, kinh tế TP.HCM đang có dấu hiệu phục hồi" – ông Phong khẳng định.
Ông Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, thời gian tới để tăng cường xuất khẩu của TP.HCM, thành phố sẽ triển khai một số giải pháp chính như phát triển ngành logistics, quy hoạch lại hệ thống cảng biển, cảng sông và cơ sở hạ tầng; tăng cường khả năng kết nối giao thông đến các vùng sản xuất để TP.HCM trở thành trung tâm logistics và dịch vụ xuất khẩu vùng. TP.HCM sẽ phát triển nguồn nhân lực, cải tiến dịch vụ hành chính công, ứng dụng công nghệ thông tin, hình thành cơ sở dữ liệu xuất nhập khẩu liên thông và dùng chung để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Gia Khánh