Mỗi loại cây có thể dùng để chữa một loại bệnh đặc trưng hoặc các loại bệnh khác nhau, có thể chỉ sử dụng mình nó hoặc phối hợp với nhiều loại thảo dược khác. Một số loại cây dễ tìm kiếm, vô cùng quen thuộc, bất kỳ ở đâu cũng có thể bắt gặp lại có tác dụng vô cùng hiệu quả trong việc điều trị một số chứng bệnh, cải thiện sức khỏe của con người.
Cây dâu tằm
Dâu tằm là cây thuốc nổi tiếng trong các bài thuốc Đông y
Theo y dược học cổ truyền, lá dâu vị đắng ngọt, tính mát, có công dụng tán phong thanh nhiệt, lương huyết và làm sáng mắt. Giúp lợi tiểu, điều trị phù thũng, ho có đờm. Cây dâu tằm làm bài thuốc điều trị các bệnh xương khớp như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, gai cột sống… rất tốt.
Ngoài ra, loài cây này còn tăng cường sức đề kháng, nâng cao sức khỏe cơ thể và nâng cao hệ miễn dịch một cách tự nhiên, giúp chúng ta có thể phòng tránh được một số căn bệnh lặt vặt như cảm cúm, sổ mũi….
Theo các bài thuốc Đông y, tất cả các bộ phận của cây dâu tằm đều có thể sử dụng thể làm bài thuốc lợi tiểu, bổ thận, an thần, chữa rụng tóc và điều hòa kinh nguyệt cực tốt.
Tang bạch bì (vỏ rễ) vị ngọt mát, làm thuốc lợi tiểu, chữa ho lâu ngày, ho có đờm và chữa sốt.
Tang diệp (lá cây dâu tằm) vị ngọt, đắng, mát: chữa sốt, cho ra mồ hôi, cảm mạo, an thần, tiêu đờm, huyết áp cao.
Tang thầm (quả dâu) vị ngọt, bổ thận, làm sáng mắt, giúp sự tiêu hóa, chữa bệnh ngủ kém, râu tóc bạc sớm.
Tang ký sinh (cây mọc ký sinh trên cây dâu tằm): bổ gan thận, chữa đau lưng, đau mình, an thai.
Tang phiêu tiêu (tổ bọ ngựa trên cây dâu) lợi tiểu, chữa đi đái nhiều lần, di tinh, liệt dương, trẻ con đái dầm.
Quả dâu có thể dùng để chữa bệnh rụng tóc, tóc bạc sớm bằng cách lấy quả đem sắc uống kết hợp việc dùng nước ép quả dâu tằm để gội đầu.
Húng chanh
Húng chanh là loại cây có nhiều hoạt chất tốt, giúp giải quyết nhiều vấn đề sức khỏe nên được sử dụng như một vị thuốc trong Đông y
Húng chanh là loại rau thơm rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Tuy nhiên ít ai biết rằng, loại cây này là vị thuốc nam có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là chữa ho và giải cảm.
Hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ tài liệu nghiên cứu nào nói về tác dụng của cây húng chanh. Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 1961 của phòng Đông y Viện vi trùng cho thấy, các hoạt chất chiết xuất từ húng chanh có tác dụng kháng sinh mạnh đối với các loại vi trùng như Shigella flexneri-Shigeila sonnet; Coli bothesda Streptococcus; Pneumococcus; Coli paihogene; Staphyllococcus 209 p. Salmonella typhi; Shigella dysenteria (Shiga) Subiilis; Diphteri và Bordet Gengou.
Chính nhờ tác dụng này, lá húng chanh thường được sử dụng để điều trị bệnh viêm họng, tiêu đờm, cảm cúm hoặc ho do sốt phong hàn, khản tiếng, ho gà hoặc trùng thú cắn.
Ngoài ra, hàm lượng chất dinh dưỡng có trong húng chanh khá cao, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chống lại tác nhân gây bệnh. Đặc biệt thành phần hoạt chất limonene có trong lá có tác dụng trung hòa acid dạ dày, giúp điều trị chứng ợ nóng và trào ngược dạ dày thực quản. Bên cạnh đó, chúng còn mang lại lợi ích chống viêm, giúp bảo vệ da, hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư da và tế bào ung thư vú.
Cây vọng cách
Lá vọng cách có công dụng rất tốt để điều trị các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa
Loại lá này vị chát tính bình, có công dụng thông tiểu, thoái hoàng, kích thích tiêu hóa…được dùng làm rau ăn và làm thuốc chữa bệnh gan từ rất lâu đời trong dân gian.
Trong thành phần có chứa tinh dầu và các alcaloid như premnin, garianin có tác dụng bảo vệ gan, chống viêm và giảm đau trên mô hình thực nghiệm với chuột. Cao lỏng lá vọng cách làm giảm men gan và các biểu hiện tổn thương gan.
Theo kết quả nghiên cứu của Basu N.K và Dandiya P.C thì Premnin thí nghiệm trên ếch có tác dụng giống giao cảm (sympathomimtique), nó làm giảm sức cơ của tim và làm giãn nở, dãn đồng tử.
Kết quả nghiên cứu dược lý cho thấy, các chất premnin và ganiarin trong vọng cách có tác dụng tăng cường thần kinh giao cảm - nghĩa là làm co mạch, tăng huyết áp, tăng tiết nước bọt, nở đồng tử, tăng nhu động ruột, nở khí quản, ... Tăng nhu động ruột và tiết nước bọt khiến ăn ngon miệng hơn; khí quản nở to thì thở tốt; huyết áp tăng (đối với người có huyết áp thấp) thì cảm thấy người mạnh khỏe hơn,…
Cây thông
Trong các bài thuốc Đông y Việt Nam, tất cả các bộ phận của cây thông đều được dùng làm thuốc
Tinh dầu thông: Dùng làm thuốc bôi chữa các bệnh ngoài da như ghẻ (chỉ bôi một lớp mỏng để tránh bị rộp da). Có thể phối hợp tinh dầu thông với cồn long não để xoa bóp trị đau nhức.
Tùng hương (nhựa thu được sau khi cất lấy tinh dầu thông): Có tác dụng chữa mụn nhọt, ghẻ lở, mủ rò. Dùng tùng hương đắp lên vết thương, vết thương sẽ cho chóng lành. Tùng hương cũng được phối hợp với các vị thuốc khác (hoàng liên, hoàng cầm, khổ sâm, đại hoàng, hạt xà sàng, khô phàn) để nấu cao dán nhọt.
Tùng tiết (đốt mắt ở cành thông): Để chữa đau nhức răng, có thể ngâm tùng tiết với rượu (tỷ lệ 50%) rồi chấm rượu thuốc vào nơi bị đau (hoặc pha loãng với nước để ngậm). Tùng tiết còn được dùng để chữa tê thấp, nhức mỏi, khớp sưng đau (mỗi ngày lấy 12-20g phối hợp với các vị thuốc khác, sắc hoặc ngâm rượu uống).
Tùng mao (lá thông): Có tác dụng chữa lở loét nếu kết hợp với một số loại lá khác (long não, khế, thanh hao) để nấu nước tắm. Nếu bị đau cơ, nhức mỏi gân xương, ứ máu bầm tím, có thể lấy lá thông tươi băm nhỏ, ngâm với nước, dùng nước thuốc xoa bóp chỗ đau.
Tùng hoàng (phấn hoa thông): Có tác dụng chữa đau đầu, choáng váng, chóng mặt (ngày dùng 4-8 g sắc uống) hoặc trị mụn nhọt lở loét, chảy nước vàng (lấy bột tùng hoàng rắc vào vết thương).
Quả thông: Có tác dụng chữa ho (quả thông 10g, lá hẹ và lá kinh giới mỗi thứ 12g sắc uống ngày 2 lần).
Vỏ thông: Được dùng để chữa vết thương lở loét (lấy vỏ thông và vỏ cây sung lượng bằng nhau, đốt thành than, tán nhỏ, rây lấy bột mịn, rắc vào chỗ tổn thương).
Lê Thoa (t/h)