Vào một ngày cuối tháng 6, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi đến tham quan cơ sở trồng dưa công nghệ cao của chị Lê Thị Tuyết (xã Xuân Hoà, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá). Giữa cái nắng chói chang 40 độ C, vườn dưa của chị Tuyết vẫn phát triển tốt, cây nào cây cũng cho quả vàng chóe, treo lủng lẳng trên cây chờ ngày thu hái.
Chị Lê Thị Tuyết bên vườn cây trồng dưa Kim Hoàng hậu
Như chia sẻ thành quả, chị Tuyết phấn khởi nói, “Vụ dưa năm nay nhà chúng tôi thành công lắm, vừa được mùa lại được giá. Dưa chín đến đâu là có người đến mua hết”.
Những năm trước gia đình nhà chị Tuyết cũng như bao nông dân khác ở xã Xuân Hoà chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống, trồng ngoài trời. Trồng rau, màu ngoài trời, thời tiết khắc nghiệt lại mất mùa, được mùa lại mất giá. Để hạn chế tối đa những rủi ro mà thời tiết mang lại, cũng như nâng cao giá trị nông sản mình làm ra, chị Tuyết đầu tư 700 triệu đồng thực hiện mô hình trồng dưa công nghệ cao.
Chị Tuyết đầu tư nhà màng trồng dưa trên diện tích hơn 1500m2. Vào mùa nắng nóng dưa phát triển nhanh nên chỉ khoảng gần 70 ngày là được thu hoạch. Bình quân mỗi vụ dưa, chị Tuyết thu trên dưới 3 tấn quả. Thương lái đến tận nhà tranh mua dưa sạch với giá 30- 35 ngàn đồng/kg và giá bán lẻ từ 40-45 ngàn đồng/kg.
Mặc nắng nóng, vườn dưa của nông dân xứ thanh vẫn phát triển rất tốt.
“Trồng dưa trong nhà, tuy tốn kém nhưng tránh được nắng nóng và chắc ăn hơn, trồng vụ nào cũng thắng. Đặc biệt dưa của tôi được trồng theo quy trình VietGAP nên bán được giá, từ đó hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách trồng dưa ngoài trời”, chị Tuyết hào hứng chia sẻ.
Được biết, với hơn 1.500m2 nhà màng, vụ dưa nào chị Tuyết trồng 3.000- 3500 cây dưa vàng (mỗi năm trồng 3 vụ), sau 70 -80 ngày chăm sóc sẽ cho thu hoạch khoảng trên dưới 3,5 tấn dưa/vụ. Sau khi trừ hết chi phí mỗi vụ dưa chị Tuyết thu về từ 100-120 triệu đồng.
Chị Tuyết chia sẻ thêm, nhiều tuần này nhiệt độ luôn duy trì ở mức cao, thậm chí có nhiều ngày lên tới 40 độ c, vì vậy gia đình chị phải tưới nước liên tục cho cây. Tuy chi phí điện, nước tưới mùa nắng nóng tăng 40% nhưng đổi lại vườn dưa phát triển tốt, cho quả to đẹp và chất lượng cao, thời gian chăm sóc cũng ngắn hơn.
Cũng theo chị Tuyết, mô hình trồng dưa của gia đình chị và các hộ dân nơi đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0. Hệ thống nhà màng có ưu điểm vượt trội giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng giảm chi phí sản xuất.
Nhờ áp dụng mô hình trồng dưa công nghệ cao, chị Lê Thị Tuyết vẫn thu được nguồn lợi kinh tế cao giữa mùa nắng nóng.
Đối với hệ thống tưới tiêu, chị Tuyết dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Isreal, nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây. Phân được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống tưới tự động tưới chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều.
Nhờ áp đụng khoa học kĩ thuật, nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất mà người dân ở Thọ Xuân- Thanh Hoá đã bứt lên thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững. Đó là tín hiệu tốt cho việc phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn, giúp việc xây dựng nông thôn mới ngày càng thành công hơn nữa.
Huyền Thanh