Xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm OCOP theo hướng thực chất, bền vững
Trong 2 năm 2021-2022, với tình hình kinh tế xã hội có nhiều biến động, ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhưng với sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Thanh Hoá tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng giai đoạn 2021-2022.
Cụ thể, thời gian qua tỉnh Thanh Hoá tập trung chú trọng giới thiệu các mô hình hay, các điển hình trong XDNTM và quảng bá việc phát triển các sản phẩm đặc trưng ở các vùng miền, các sản phẩm OCOP đã được xếp hạng. Trong 2 năm qua, các cấp ngành, tổ chức đoàn thể và địa phương đã tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền về XDNTM và phát triển sản phẩm OCOP theo hướng thực chất, bền vững, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng.
Thanh Hoá xây dưng nông thôn mới gắn với việc phát triển các sản phẩm OCOP |
Bên cạnh đó, Thanh Hoá với việc lập quy hoạch vùng huyện được phê duyệt đều gắn với định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện, các tiểu vùng trong quy hoạch đáp ứng việc phát triển kinh tế chủ đạo, như sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng hoá…Đồng thời, hình thành các điểm dân cư tập trung gắn với sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các điểm thương mại dịch vụ, dịch vụ nông, lâm nghiệp nông thôn…
Hiện nay toàn tỉnh Thanh Hoá có 343 xã đã lập quy hoạch xây dựng xã (còn 126 xã được định hướng phát triển đô thị, 90 xã nằm trong chương trình phát triển đô thị mới theo quy hoạch vùng huyện đã được phê duyệt sẽ lập, thực hiện quy hoạch chung đô thị) đã có 255/343 xã có quy hoạch chung xây dựng xã được phê duyệt.
Công nhận 223 sản phẩm OCOP
Mặt khác, để thực hiện mục tiêu XDNTM, các địa phương tại tỉnh Thanh Hoá xác định phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong đó, các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.
Với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2022 đạt 3,62% (năm 2021 đạt 3,58%, năm 2022 đạt 3,65%, vượt 0,05%). Diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao 15.466 ha, chuyển đổi 5.304 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị cao hơn.
Đồng thời, Thanh Hoá tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, toàn tỉnh này hiện có 39 khu, cụm trang trại chăn nuôi tập trung. Việc củng cố, phát triển HTX được các địa phương tiếp tục quan tâm, thực hiện có hiệu quả, đến nay toàn tỉnh có 749 HTX nông nghiệp đang hoạt động(trong đó có 523 HTX hoạt động hiệu quả và có tham gia liên kết bền vững, chiếm 69,8%) và 2 liên hiệp HTX; 841 trang trại, 1.147 tổ hợp tác trong nônng nghiệp; 51 HTX có sản phẩm OCOP được công nhận xếp hạng.
Năm 2022, tỉnh Thanh Hoá tạo việc làm mới cho gần 60.000 lao động, trong đó đưa đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng gần 11.000 lao động, tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 70.100 người.
Sản phẩm sau khi được công nhận, xếp hạng OCOP cấp tỉnh đều tăng trưởng cả về quy mô, số lượng và doanh thu |
Đặc biệt đối với việc phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Cụ thể, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thanh Hoá cùng các ban, sở, nghành và các huyện, thị xã, thành phố bám sát hướng dẫn của Trung Ương, kế hoạch của tỉnh để tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai các hoạt động phát triển các sản phẩm OCOP.
Trong giai đoạn 2021-2022, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã rà soát, đăng ký 250 sản phẩm có lợi thế đưa vào kế hoạch hỗ trợ, phát triển sản phẩm và đánh giá theo chu trình OCOP. Kết quả, đã tổ chức đánh giá 245 sản phẩm, trong đó hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh Thanh Hoá công nhận 223 sản phẩm OCOP và 1 sản phẩm nâng hạng, cho 173 chủ thể OCOP trên địa bàn 154 xã, phường, thị trấn thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Sản phẩm sau khi được công nhận, xếp hạng OCOP cấp tỉnh đều tăng trưởng cả về quy mô, số lượng và doanh thu bán hàng khoảng 15-20%...
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 37,52 triệu đồng, tăng 0,62 triệu đồng năm 2020 Căn cứ chỉ tiêu , kế hoạch và thực trạng các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư công, kế hoạch sử dụng đất và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cấp xã, cấp huyện, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, phát triển kinh tế- xã hội, đáp ứng tiêu chí NTM.
Trong hai năm vừa qua, cùng với nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn tỉnh Thanh Hoá hỗ trợ XDNTM, nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực khác, các địa phương đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng NTM. Thanh Hoá đã làm được gần 2.800km đường giao thông nông thôn, hơn 900 km kênh mương và rãnh thoát nước, 229 công trình thuỷ lợi, gần 2.700 phòng học, gần 1.300 km đường điện, 331 trạm biến áp, 75 trung tâm văn hoá thể thao xã, 731 nhà văn hoá thôn, 66 chợ nông thôn, 78 trạm y tế, 38 công sở xã, 59 công trình cấp nước sinh hoạt, 18 bãi chứa rác thải tập trung, xử lý ô nhiễm môi trường và 130 nghĩa trang theo quy hoạch, xây mới, chỉnh trang trên 46 nghìn nhà ở dân cư.
Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá cũng tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn Hoá, Thể thao và Du lịch. Phát huy di sản văn hoá, giữ gìn phong tục, tập quán tốt đẹp, văn hoá đặc trưng của các dân tộc, tạo nên mối quan hệ gắn bó cộng đồng ở các khu dân cư.