Thanh hoá là tỉnh có đường bờ biển dạng cánh cung dài 102 km và vùng lãnh hải rộng khoảng 17.000 km2, nơi đây không chỉ có những bãi biển đẹp mà còn có những bãi cá, bãi tôm có trữ lượng lớn, hiện đã xác định được hơn 120 loài cá, thuộc 82 giống, 58 họ, trong đó có 53 loài cá nổi, 69 loài cá đáy và các loại thuỷ, hải sản khác. Nơi đây bờ biển tương đối phẳng, nhưng bị chia cắt bởi 7 cửa lạch, những năm gần đây Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, nghành thuỷ sản đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo động lực cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Cùng với đó đã hình thành một số vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, việc ứng dụng khoa học- công nghệ được đẩy mạnh, cơ sở dịch vụ nghề cá được đầu tư, phát triển theo hướng hiện đại, việc đẩy mạnh công nghiệp chế biến gắn kết với vùng nguyên liệu đã tạo bước đột phá mới.
Các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hoá luôn quan tâm đến chính sách hỗ trợ chủ tàu cá, người nuôi trồng thuỷ sản |
Ngoài nguồn thuỷ, hải sản phong phú để đánh bắt và nuôi trồng nơi đây còn có các đảo Hòn Nẹ, Hòn Mê còn có ý nghĩa về mặt tài nguyên và môi trường. Trên các đảo này có thể xây dựng các khu bảo vệ, bảo tồn biển nhằm bảo vệ đa dạng sinh học biển, đồng thời là cơ sở phát triển hoạt động du lịch, ngoài ra các đảo này có vai trò tiền tiêu trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển và đất liền. Nhằm phát triển kinh tế biển nói chung và phát triển thuỷ sản nói riêng gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, những năm qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hoá và các cấp uỷ, chính quyền ven biển đã quan tâm đầu tư nhiều công trình cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, vùng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở chế biến được quan tâm đầu tư, nâng cấp, chính sách hỗ trợ chủ tàu cá, người nuôi trồng thuỷ sản và các tổ chức tham gia phát triển thuỷ sản được ban hành.
Các tổ chức như tổ đồng quản lý, tổ đoàn kết trên biển, tổ cộng đồng, HTX nuôi trồng thuỷ sản được hình thành và phát triển. Các mô hình sản xuất thuỷ sản thích ứng với biến đổi khí hậu như: Mô hình nuôi thuỷ sản kết hợp với du lịch, trồng rừng ngập mặn…được nhân rộng nhằm nâng cao đời sống ngư dân, tạo điều kiện để người dân yên tâm sản xuất, vươn khơi bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hoá đã quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nuôi trồng thuỷ sản như: Đầu tư mở rộng 8 cảng cá và 4 khu neo đậu tránh, trú bão phục vụ cho gần 5000 tàu/năm, với 146.000 tấn hàng bốc dỡ qua cảng và 21.000 tàu cá neo đậu, 12 khu nuôi trồng thuỷ sản mặn, lợ được đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện hình thành vùng nuôi tập trung. Các cơ sở đóng, sữa tàu cá, sản xuất đá lạnh, thu mua, chế biến, sản xuất ngư cụ phục vụ phát triển thuỷ sản ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, tại một số công trình cảng cá, khu neo đậu tránh, trú bão trong thiết kế, xây dựng đã chú trọng đến tính lưỡng dụng của công trình, vừa đảm bảo yêu cầu tàu cá ra, vào cảng bốc dỡ hàng, neo đậu, vừa phục vụ mục đích quốc phòng- an ninh cần thiết như Cảng cá Lạch Bạng đã thiết kế riêng một khu cầu cảng để phục vụ cho các mục đích quốc phòng- an ninh, cảng cá Hòn Mê phục vụ quốc phòng và cho phép tàu cá cập cảng khi cần thiết.
Ngoài cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, lực lượng ngư dân được xác định là chủ thể trong việc phát triển kinh tế biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hiện toàn tỉnh Thanh Hoá có gần 400 Tổ đoàn kết trên biển, với sự tham gia của gần 2000 tàu cá và gần 14. 300 lao động trên các vùng biển, hỗ trợ lắp đặt 320 máy thông tin liên lạc tầm xa(ICOM) có gắn thiết bị vệ tinh cho tàu cá tham gia các tổ đoàn kết. Thành lập 15 mô hình tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ, mở rộng ngư trường và thường xuyên hiện diện của các đội tàu thuộc tỉnh Thanh Hoá khai thác trên các vùng biển, đặc biệt là khu vực Hoàng Sa, Trường Sa đã góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.
Lực lượng dân quân biển tại Thanh Hoá phối hợp với lực lượng biên phòng, hải quân, cảnh sát biển cùng ngư dân thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền, an ninh trên biển |
Để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, ứng phó kịp thời những tình huống xảy ra trên biển, tỉnh Thanh Hoá đã thành lập và tổ chức hoạt động 6 trung đội dân quân biển gồm các huyện: Nga Sơn, Sầm Sơn, Quảng Xương, Nghi Sơn, Hoằng Hoá và Hậu Lộc và 39 tiểu đội cấp xã. Mỗi trung đội có 31 đồng chí, mỗi tiểu đội có 10 đồng chí, với tổng quân số toàn tỉnh gần 600 đồng chí, số lượng tàu dân quân biển do ban chỉ huy quân sự các huyện hợp đồng với các chủ tàu của ngư dân trên 50 tàu.
Thời gian qua lực lượng dân quân biển đã phối hợp với lực lượng biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, cùng với sự tham gia tích cực của ngư dân trên biển đã thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền, an ninh trên biển, nắm bắt và phát hiện hoạt động của tàu, thuyền nước ngoài xâm phạm lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế. Tham gia xua đuổi, bắt giữ tàu đánh cá nước ngoài xâm phạm vùng biển việt nam, phòng chống buôn lậu trên biển, phát hiện ngăn chặn tàu cá khai thác thuỷ sản vi phạm quy định, tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng chống lụt bão trên biển đạt hiệu quả thiết thực.
Để phát triển thuỷ sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, trong thời gian tới các cấp uỷ đảng, chính quyền ven biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về” Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045’’ với quan điểm “ Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn. Giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển có tiềm lực kinh tế cao.