![]() |
Sản phẩm Mật mía Tân Hương đạt OCOP 3 sao được người khách hàng tin dùng, đang vươn thị trường ra ngoài huyện Tân Kỳ lẫn ngoài tỉnh Nghệ An. Ảnh: NGÔ DOANH |
Tân Kỳ là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có chất lượng cao, như: mật mía, mật ong, nấm, cam, bưởi, sản phẩm gia cầm... Khi tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm - OCOP", Tân Kỳ bắt tay triển khai khá sớm và có nhiều thành công.
Mật mía là sản phẩm thế mạnh của huyện nhà, được người tiêu dùng đón nhận lâu nay. Như ở xã Tân Hương có khoảng 30 hộ làm nghề ép mật mía, mỗi năm đem lại tổng thu nhập hơn 3 tỷ đồng. Trong quá trình sản xuất, xã Tân Hương đã chỉ đạo thành lập tổ hợp tác sản xuất mật mía, đồng thời hướng dẫn bà con sản xuất theo đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ thiết kế nhãn mác, nguồn gốc truy xuất sản phẩm…
Vừa qua, cả 2 thương hiệu sản phẩm mật mía xã Tân Hương và xã Phú Sơn đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Ocop tỉnh Nghệ An công nhận đạt tiêu chuẩn Ocop 3 sao.
Ngoài ra, Tân Kỳ có nhiều xã cùng một sản phẩm đạt 3 sao Ocop cấp tỉnh như: Mật ong Nghĩa Bình, mật ong Nghĩa Đồng, mật ong Kỳ Tân, mật ong Nghĩa Hành, trứng gà Nghĩa Hoàn, măng khô Giai Xuân, chuối vàng Đồng Văn, Bún, Miến, Viên hoàn hà thủ ô mật ong, viên hoàn tinh bột nghệ mật ong; Bưởi Vực Rồng, bưởi An Ngãi...
![]() |
Đến nay huyện Tân Kỳ đã có 20 sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được công nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh, đây là con số đáng kể ở một huyện miền núi ở tỉnh đang vươn lên thoát nghèo như Nghệ An. Ảnh: HỒNG CÔNG |
Chị Nguyễn Thị Sen, người đến từ TP. Vinh, làm trong ngành xây dựng. Từ tháng 6/2022 chị được Công ty chuyển công tác lên huyện miền núi Tân Kỳ. Nhận thấy tiềm năng và lợi thế về nhiều sản phẩm tốt của bà con nông dân cũng như nắm bắt phong trào xây dựng sản phẩm Ocop đang diễn ra đúng hướng và phát triển mạnh ở huyện Tân Kỳ, chị Sen nảy sinh ý tưởng xây dựng một siêu thị bán hàng tiêu dùng đặc sản và sản vật Ocop ở trung tâm thị trấn Tân Kỳ.
Đến tháng 9/2022, Siêu thị Mini Mart CS68 của chị được khai trương với nhiều mặt hàng tiêu dùng, trong đó có gần 30 mặt hàng là sản vật của địa phương như bưởi, cam, mật ong, kẹo lạc Cu đơ, tinh chất nghệ, nước hoa hoa hồng... Đối với sản phẩm đạt Ocop chị luôn ưu tiên nhập hàng bởi khách hàng rất tin tưởng, bán chạy.
![]() |
Việc tăng cường hoạt động tuyên truyền quảng bá, xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm như mô hình Siêu thị Mini Mart CS68 là nét mới ở huyện miền núi Tân Kỳ, đang được chính quyền và thị trường quan tâm để phát huy tiềm năng, thế mạnh và tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm OCOP của địa phương. Ảnh: NGÔ DOANH |
Chị Nguyễn Thị Sen cho biết: "Siêu thị đang đi vào làm ăn ổn định, được khách hàng tin dùng vì chúng tôi bán "hàng chuẩn, giá tốt", đặc biệt rất yên tâm đối với các sản phẩm đạt Ocop, bên cạnh đó rất được huyện và thị trấn thường xuyên quan tâm, động viên, khích lệ phát triển".
"Có thể nói, từ khi chương trình Ocop được huyện triển khai, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của huyện được đẩy mạnh, số sản phẩm đẹp, có chất lượng tốt được tăng lên, thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận và tin dùng. Đồng thời, nhiều mô hình mới, cách làm hay được nhân rộng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương lan toả thương hiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền, giúp các hộ sản xuất an tâm khâu tiêu thụ sản phẩm, có nguồn thu nhập ổn định", ông Phan Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ phấn khởi nhấn mạnh.