Hiện tượng kích giun đất nóng trở lại, tận diệt cỗ máy làm đất cảnh báo hậu quả khó lường Đón đầu cơn sốt "địa long", nông dân lập trại nuôi triệu con họ nhà giun mỗi năm bỏ túi tiền tỷ |
Giun đất hay trùn đất là một trong những loài sinh vật giúp đất màu mỡ, cây trồng tươi tốt. |
Những chiếc máy làm đất suốt ngày đêm
Giun đất hay trùn đất là một trong những loài sinh vật giúp đất màu mỡ, cây trồng tươi tốt. Chúng thường sống ở những khu vực đất ẩm ướt, có nhiều mùn hữu cơ. Bởi thức ăn của chúng là những vật chất hữu cơ hoai mục.
Cách đơn giản nhất để đánh giá sức khoẻ của đất canh tác là kiểm tra số lượng giun trong đất. Trong đất màu mỡ, số lượng giun trung bình khoảng từ 300-500 con/m2. Ở những vùng đất kém màu mỡ và chai cứng gần như không tồn tại giun đất, hoặc số lượng rất ít.
Thức ăn của giun đất là các mảnh vụn hữu cơ mục nát như xác bã thực vật. Hệ thống tiêu hóa của chúng tập trung các thành phần hữu cơ và chất khoáng từ thực phẩm chúng ăn. Do vậy chất thải của chúng rất giàu chất dinh dưỡng đối với đất trồng. Giun đất thường để lại phân giàu chất dinh dưỡng trong các hang đất của chúng, đó chính là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho cây sinh trưởng và phát triển.
Trong phân giun: các thành phần N, P, K, Mg nhiều hơn gấp 5 – 11 lần so với đất thường. Khi giun chết, xác của chúng cung cấp một lượng lớn Nitơ cho đất. Như vậy, giun đất mang lại một nguồn dinh dưỡng lớn cho đất trồng, làm tơi xốp, tăng độ phì nhiêu cho đất.
Cách đơn giản nhất để đánh giá sức khoẻ của đất canh tác là kiểm tra số lượng giun trong đất. |
Những chú giun đất được ví như những kỹ sư xây dựng tài giỏi. Trong quá trình di chuyển và đào hang sống trong đất, chúng tạo thành các đường mòn, khe hở trong đất. Nhờ đó, nước, không khí và chất dinh dưỡng được lưu thông, phân tán đều trong đất. Hệ thống thoát nước tự nhiên của đất cũng hoạt động tốt hơn. Đất trở nên tơi xốp, thoáng và giàu dưỡng khí, rễ cây hô hấp dễ dàng, hấp thu dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh.
Phân giun và xác giun kết hợp với hạt đất có khả năng tái tạo keo đất, ổn định nước, lưu giữ độ ẩm và góp phần tái tạo lại lớp đất mặt. Giun để lại phân trong đất, xây dựng lại cấu trúc bề mặt đất. Trong điều kiện thuận lợi chúng sẽ mang lại khoảng 50 tấn phân/ ha. Và lượng phân giun mỗi năm đủ để tạo thành một lớp đất dày 5mm.
Quá trình hoạt động của giun giúp đất thoáng khí, tạo môi trường thuận lợi cho sinh vật trong đất phát triển mạnh. Đó chính là điều kiện để đất có hoạt động sinh học cao. Góp phần giảm được tác động xấu từ sâu bệnh hại tồn tại trong đất.
Theo các nhà nghiên cứu, giun đất còn giúp tiêu diệt các vi sinh có hại gây bệnh cây trồng hiệu quả. Khi chúng ăn lá cây sẽ tiêu hóa luôn những nấm mốc, khuẩn hại trên lá.
Phân của chúng là môi trường tốt nhất để các loại vi sinh vật hữu ích phát triển. Các vi sinh vật hữu ích sẽ tạo ra chất kháng sinh để ngăn chặn các vi sinh vật gây hại cho cây trồng. Mật độ giun trong đất cao cũng tạo môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật có lợi phát triển. Giúp hạn chế tuyến trùng và nấm gây hại trong đất.
Có nên nuôi giun đất trên diện rộng?
Có vai trò to lớn với đất đai, hiện nay giun đất cũng được nhân nuôi để giúp nông dân gia tăng hiệu quả sản xuất. Nhiều nông dân nuôi giun để làm đất tơi xốp, ủ phân hữu cơ, xử lý chất thải, làm thức ăn chăn nuôi...
Giun đất hay còn gọi là địa long trên thế giới có rất nhiều, ở châu Âu là lumbricus, ở châu Á là pheretima. Thành phần của chúng được các nhà khoa học thế giới nghiên cứu từ năm 1911, có rất nhiều tác dụng. Còn ở ta, ngay từ thời Hải Thượng Lãn Ông đã coi địa long (giun đất) là một vị thuốc.
Con giun quế có hình dáng rất nhỏ, khác với giun đất. |
Theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, hiện nay, chúng ta mới tập trung nuôi con giun quế với mục đích làm thức ăn chăn nuôi. Còn con giun mà người ta đang kích này là giun khoang, nếu như muốn nuôi cần hiểu mấy điều kiện sau: Nơi ở của nó là gì? Thức ăn của nó là gì? Nó sinh sản như thế nào?
Phải lưu ý là con giun không có phổi mà hô hấp qua da cho nên cần ẩm. Giun không bao giờ bò trên mặt đất vào ban ngày cả mà phải chờ ban đêm khi sương xuống mới lên.
Vì sao nó bò lên mặt đất? Trên một con giun có cả yếu tố đực và cái nhưng hai yếu tố đó ở cách nhau nên hai con giun phải bò lên mặt đất rồi quấn nhau, đực của con này chuyển cho cái của con kia và ngược lại rồi đẻ. Giun chỉ lên vào buổi tối nên chỗ nuôi thứ nhất phải ẩm, thứ hai phải tối. Thức ăn của giun đất chủ yếu là mùn bã hữu cơ đã hoai mục nhưng chống chỉ định với các chất cay, đắng, chua, mặn, vôi, xà phòng… Còn cách sinh sản của giun là đồng tính.
Bởi thế muốn nuôi có thể tạo thành luống rộng cỡ 1m, dài tùy ý nhưng chiều cao khoảng 40cm, trên đó phải có tấm che như chiếu rách hay bao tải nhưng luôn ẩm, tối và tránh mưa. Khi mưa xuống giun bò khắp nơi bởi sợ bùn bám quanh thân, nắng lên bùn khô lại sẽ không hô hấp được.
Về cách phân biệt giun đất và giun quế, theo ông Hùng, con giun quế nhỏ nhưng hàm lượng đạm rất cao và sinh sản rất nhanh, mỗi tuần đẻ một lần, mỗi lần đẻ ra một nang có 20 trứng, sau mấy tuần là nở ra cả đàn và sau mấy tháng là trưởng thành. Con giun quế nhiều đạm bởi chủ yếu ăn phân, còn con giun đất chủ yếu ăn thực vật, mùn bã hữu cơ, cơ thể là một ống rỗng ăn vào rồi đi ra nên lượng đạm không có nhiều.
"Không thể coi con giun quế là địa long được. Địa long mà Hải Thượng Lãn Ông và GS Đỗ Tất Lợi gọi phải là con giun đất. Hiện nay Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam đang mỗi tháng mua cả tạ giun quế để nghiên cứu, thử nghiệm ép ra lấy một chất kích thích" ông Hùng cho biết.
Nói về triển vọng của việc nuôi giun đất, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cho rằng, nếu chúng ta nuôi giun đất thì có lẽ là một trong những nước đầu tiên. Vì chưa nuôi bao giờ nên tôi không khẳng định là tốc độ sinh sản nhanh hay chậm, hiệu quả kinh tế có được không. Ở Việt Nam theo tôi biết cũng chưa có mô hình nuôi giun đất quy mô nào.
Để tránh khai thác tận diệt giun đất, việc nuôi giun đất là khả thi nhưng nên triển khai thận trọng. |
Theo ông Hùng, trước yêu cầu của thực tiễn, giá bán cao như vậy nên chúng ta phải nuôi. Và tôi chỉ góp ý nếu ai nuôi giun đất thì lưu ý một số điểm như vậy dựa vào kinh nghiệm nuôi giun quế chứ không phải dạy cho người ta nuôi giun đất đâu.
Các thử nghiệm ban đầu cần thực hiện đầy đủ để làm sao tránh được thất thoát về sau. Còn về thu hoạch thì con giun nào cũng phải lên mặt đất để mà quấn nhau (sinh sản). Ta tạo điều kiện đặt những cái chiếu rách hay bao tải ẩm để cho chúng lên quấn nhau thì thu hoạch rất đơn giản. Và nếu ta nuôi trong những luống thì thu hoạch không khó.
"Theo tôi, muốn nuôi giun đất nhất định phải thử nghiệm trong phạm vi hẹp đã, làm luống rộng 1m, dài 2m, cao 40cm, cho lá ẩm đã mục nát, trên trải bao tải, chiếu rách thử nghiệm trong vài tháng là có thể biết được kết quả. Từ kết quả đó, nếu tốt có thể làm lớn. Xin đừng làm lớn vội", chuyên gia sinh học Nguyễn Lân Hùng cho biết thêm./.