Hiện tượng kích giun đất rồi phơi khô để bán sang Trung Quốc đang gây bức xúc với nguy cơ hủy hoại đất nông nghiệp. |
Hiện tượng kích giun đất bàn tràn lan trở lại
Vừa qua, nhiều phương tiện truyền thông báo chí phản ánh về tình trạng các thửa đất nông nghiệp của nông dân liên tục bị người lạ sử dụng máy xung điện để kích giun đem bán.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vài năm trước việc sử dụng máy kích điện để bắt giun đã diễn ra tại nhiều địa phương, người dân bắt giun bán cho thương lái nước ngoài.
Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn giao dịch loại động vật này, họ (thương lái) bất ngờ bặt vô âm tính, để lại cho những người dân hàng tấn giun đã được sấy khô, không thể trả lại về tự nhiên.
Sau thời gian im ắng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình trạng kích giun bán đã xuất hiện trở lại, tràn lan trên nhiều tỉnh thành như Hòa Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang...
Nếu chúng ta không có biện pháp ngăn chặn, những thửa đất nông nghiệp sẽ không thể canh tác, trở thành đất chết.
Giun đất được ví như cỗ máy làm tơi xốp đất, nếu bị tận diệt sẽ biến thành đất chết. |
Trên các mạng xã hội, hiện tượng rao bán "máy kích giun đất" diễn ra tràn lan. Giá của loại thiết bị này dao động từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.
Việc buôn bán tràn lan các sản phẩm này không có sự kiểm soát, vô tình đã tiếp tay cho nhiều người kích giun đất bán kiếm thu nhập.
Hoạt động của giun trong đất mang lại nhiều lợi ích như năng khả năng cung cấp chất dinh dưỡng, thoát nước tốt hơn và khiến cấu trúc đất ổn định. Tất cả đều giúp cải thiện năng suất cây trồng, vì thế chúng được mệnh danh là "dũng sĩ" trong nông nghiệp.
Sự hiện diện của giun trong đất là một chỉ báo tốt về điều kiện thích hợp cho sự phát triển cây trồng. Chính vì thế, người dân không nên bắt giun để bán kiếm thu nhập, giá trị kinh tế từ việc làm này không thể bù đắp được cho hệ quả những thửa đất nông nghiệp trở nên nghèo nàn chất dinh dưỡng, không thể canh tác cây trồng. Điều đó chắc chắn gây thiệt hại nặng cho người nông dân.
Vì sao người Trung Quốc săn lùng giun đất?
Nhiều người Trung Quốc mua giun đất để dùng làm thuốc đông y chữa bệnh tim mạch, khiến nạn săn bắt, kích điện loài vật này ngày càng nghiêm trọng.
Nạn kích điện giun đất rộ lên khoảng một tháng gần đây tại các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Giang... Những người săn bắt dùng máy kích gồm hai que nhọn nối với bình ắc quy hoặc pin công suất lớn để cắm xuống đất, khiến toàn bộ giun trong khoảng một mét vuông sẽ chui lên.
Giun bị kích lên khỏi mặt đất đợi chế biến. |
Giun bắt về được loại bỏ nội tạng, sấy khô và bán cho những đầu mối đưa qua Trung Quốc với giá khoảng 600.000 đồng một kg.
Tại Trung Quốc, giun đất được gọi là địa long (rồng đất) và đã được coi là nguyên liệu trong y học cổ truyền gần 2.000 năm qua. Dược điển Trung Quốc cho rằng giun đất có công dụng "thanh nhiệt, trấn an, nhuận phế, lợi tiểu".
Nạn kích điện săn giun đất cũng bùng phát gần đây tại một số địa phương của Trung Quốc để bán cho các cơ sở chế biến thuốc bắc, theo phóng sự hồi tháng 7/2022 của Xinhua.
Những người kích điện cho hay ngày càng nhiều bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch và mạch máu não ở Trung Quốc cần sử dụng giun đất làm thuốc. Nhu cầu tăng cao khiến hàng trăm nghìn tấn giun đất bị săn bắt bằng phương pháp kích điện ở nước này.
Giun đã mổ để chuẩn bị đưa vào lò sấy. |
Theo GS Khổng Tường Bân, nhu cầu một số ngành kinh doanh với giun đất là rất lớn. Có thể kể đến việc dùng giun đất làm thành phần thuốc Đông y, mồi câu cá, cám công nghiệp cho cá, gia cầm, gia súc, nguyên liệu phân bón. Trong khi nhu cầu cao, việc nuôi giun thủ công lại tốn kém, dẫn đến nạn kích điện giun đất ở Trung Quốc có chiều hướng gia tăng từng năm.
Theo tờ China Press, trong khi Trung Quốc đang đẩy mạnh thu giữ, xử phạt với người kích điện giun đất thì nạn nhập lậu giun đất từ Việt Nam tăng mạnh. Báo này cho biết các máy kích điện giun đất được tuồn sang Việt Nam. Sau đó, người Việt dùng máy này đi gom giun đất bán cho các xưởng gia công để làm sạch, phơi khô. "Rồng đất" tiếp tục được đưa lên biên giới, qua các ngả buôn lậu để sang Trung Quốc. “Nếu bán sang đến Trung Quốc, mỗi cân giun đất Việt Nam đã phơi khô có giá 600.000 VNĐ đến 700.000 VNĐ”, China Press cho biết. Báo này dẫn lời một số thương lái nói 13 cân giun tươi sẽ được 1 cân giun khô.
Trong khi đó, theo Beijing Daily, hiện có 200 loài giun đất ở Trung Quốc, chủ yếu tại miền nam nước này. Bộ Tài nguyên Trung Quốc hồi 2016 đã có quy định cụ thể về số lượng giun đất trên diện tích canh tác, coi đây là một trong các chỉ số đánh giá chất lượng tài nguyên đất.
Báo này dẫn “Trung Quốc dược điển”, cho biết có 4 loại giun đất được dùng trong các vị thuốc Đông y. Một loại là “địa long” hay “quảng địa long” do có xuất xứ từ Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến. Ba loại khác là “hỗ địa long”, phân bố chủ yếu ở Chiết Giang.
Tuy nhiên, dược sỹ Viên Dũng của Bệnh viện Đại học Y Hải Nam cho biết không thể tùy tiện dùng giun đất phơi khô như vị thuốc. Thứ nhất là không đảm bảo vệ sinh, thứ hai là phải được bác sỹ chuyên ngành bắt mạch, khám, dùng liều lượng phù hợp với các vị thuốc khác. Dược sỹ Viên cho biết giun đất có vị mặn, tính hàn vào 3 kinh Tỳ, Vị, Thận, có tác dụng thanh nhiệt trấn kinh, lợi tiểu, giải độc.
Giải pháp hiện tại là cấm dùng máy kích điện bắt giun đất, có chế tài xử phạt thật nặng với người dùng máy này. Thậm chí, cần có biện pháp cấm sản xuất các loại máy kích điện, theo tờ Beijing Daily. Báo này dẫn lời nhiều chuyên gia nông nghiệp kêu gọi phục hồi, phát triển nghề nuôi giun đất có từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Chỉ đạo nóng về vấn nạn kích trộm giun đất
Liên quan đến vấn đề kích giun đất tại địa phương, ông Bùi Văn Ngoan - Chủ tịch UBND huyện Cao Phong (Hòa Bình) đã ký văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng hướng dẫn các hộ gia đình trên địa bàn tự bảo vệ, không để các đối tượng mang máy kích điện bắt giun vào đất của mình để đánh bắt.
Đưa hành vi khai thác trái phép giun đất bằng máy kích điện vào hương ước, quy ước của thôn, bản để có hình thức tuyên truyền, vận động, xử phạt các đối tượng cố tình vi phạm.
Phân công cán bộ thường xuyên theo dõi, kiểm tra đồng ruộng, các khu đất ven sông, suối kịp thời phát hiện, ngăn chặn và lập biên bản báo cáo cấp trên xử lý kịp thời các đối tượng sử dụng kích điện để bắt giun đất làm ảnh hưởng tới môi trường đất.
Cần có giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng kích giun đất trộm. |
UBND huyện Cao Phong yêu giao Công an huyện, Đội Quản lý thị trường số 4 làm rõ nguồn gốc xuất xứ của máy kích điện đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh. Kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở thu mua, sơ chế giun đất làm ô nhiễm môi trường.
Để ngăn chặn tình trạng trên, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu, UBND các huyện, thành phố phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan chức năng (đặc biệt là lực lượng công an cấp xã, lực lượng dân quân xã) trong điều tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi khai thác giun đất trái phép.
Tăng cường kiểm tra hoạt động của các cơ sở thu gom, sấy khô, mua bán giun đất. Nhận diện các hành vi vi phạm của mỗi cơ sở và áp dụng quy định pháp luật hiện hành về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, quy định về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, quy định về môi trường để xử lý các trường hợp này.
Sở Tài Nguyên và Môi trường chủ trì, hướng dẫn cụ thể việc nhận diện các hành vi hủy hoại đất, hành vi gây ô nhiễm môi trường do việc thu bắt giun đất, sơ chế, sấy giun đất gây ra (như dùng hóa chất, dùng kích điện vv). Các chế tài áp dụng xử lý theo quy định hiện hành để các địa phương, lực lượng chức năng thống nhất áp dụng.
“Phân tích của các nhà khoa học giun đất có vai trò rất lớn đối với hệ sinh thái trong đất, giun giúp làm đất tơi xốp, tạo độ thông thoáng cho đất, khiến cho bộ rễ cây phát triển, sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao.
Nếu dùng kích điện để bắt giun là hành vi hủy hoại môi trường phá vỡ đa dạng sinh học, khi giun đất bị chết các sinh vật khác trong đất cũng chết theo, làm cho đất bị khô cằn, chai cứng, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái và sản xuất nông nghiệp” – lãnh đạo UBND huyện Cao Phong cho biết./.