Sản lượng hồ tiêu năm 2024 được dự báo giảm từ 10% đến 15%. |
Tại cuộc họp Ban chấp hành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) quý III/2023 vừa kết thúc gần đây, các doanh nghiệp đều đánh giá sản lượng vụ tiêu 2024 sẽ giảm khoảng 10-15%. Dự kiến sản lượng thu hoạch ước đạt 160.000-165.000 ngàn tấn.
Về tình hình một số vùng tiêu trọng điểm, tại tỉnh Đắk Lắk diện tích chủ yếu tập trung Cư Kuin, Ea Hleo, Chư M’gar... Sản lượng năm tới có thể giảm đến 15% do giảm diện tích, khi ra hoa gặp thời tiết khó chịu, răng cưa, dân nản (chuyển sang trồng sầu riêng). Khảo sát tại Đắk Nông cho thấy, tình hình vườn vẫn ổn, tuy nhiên, diện tích bị thu hẹp, xen cà phê, sầu riêng nhiều.
Ông Lê Việt Anh – Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, lũy tiến từ 1/1 đến 30/9/2023, Việt Nam xuất khẩu được 204.385 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 183.475 tấn, tiêu trắng đạt 20.910 tấn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 678,1 triệu USD, tiêu đen đạt 578,2 triệu USD, tiêu trắng đạt 99,9 triệu USD. Khối các doanh nghiệp trong VPSA xuất khẩu chiếm 63,6%.
So với cùng kỳ năm 2022 lượng xuất khẩu tăng 15,3% tương đương 27.164 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu giảm 13,4% tương đương giảm 104,5 triệu USD.
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 9 tháng đầu năm 2023 đạt 3.539 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.068 USD/tấn, giảm lần lượt 15,3% đối với tiêu đen và 14,2% đối với tiêu trắng so với cùng kỳ 2022.
Các doanh nghiệp đứng đầu xuất khẩu hồ tiêu bao gồm: Nedspice đạt 13.541 tấn, tăng 1%; Olam Việt Nam đạt 13.408 tấn, giảm 37,3%; Trân Châu đạt 13.250 tấn, giảm 37,1% và Phúc Sinh đạt 11.607 tấn, giảm 1,1%; Haprosimex JSC đạt 8.411 tấn, giảm 24,3%…
Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu trắng chủ yếu bao gồm: Nedspice Việt Nam, Olam Việt Nam, Pearl Group, Liên Thành và Phúc Sinh. Các thị trường tiêu thụ tiêu trắng chủ yếu: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức, Hà Lan, Thái Lan…
9 tháng đầu năm ngành tiêu đã đạt thành tích xuất khẩu tốt. |
Trong khi đó, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, nhìn nhận mặc dù điều kiện thị trường khó khăn, trong đó thị trường EU và Hoa Kỳ trầm lắng hơn so với thị trường Trung Quốc nhưng 9 tháng đầu năm ngành hàng đã đạt thành tích xuất khẩu tốt, tăng về số lượng tuy nhiên giảm về giá trị so với năm ngoái. Dự báo trong 3 tháng tới xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào lượng hàng tồn kho từ các năm trước chuyển sang.
Năm nay, bà Liên đánh giá, về cơ bản doanh nghiệp xuất khẩu vẫn giữ vững phong độ và có thêm một số doanh nghiệp mới tham gia vào top 30 trong xuất khẩu hồ tiêu, quế và hoa hồi.
"Trong số này có nhiều doanh nghiệp chưa tham gia vào Hiệp hội, chủ yếu ở phía Bắc, tham gia trực tiếp mua bán hồ tiêu, quế, hoa hồi với thị trường Trung Quốc. Mặt bằng chung xuất khẩu tiêu của các công ty thành viên của Hiệp hội tuy có giảm nhưng vẫn giữ thị phần 63,6% tổng xuất khẩu cả nước", bà đánh giá.
Trên thị trường toàn cầu, theo nhận định, dự kiến sản lượng năm tới Ấn Độ giảm 20%, Indonesia giảm 20-30%, Việt Nam giảm 15%, Brazil tăng 15%. 3 nước lớn đều giảm thì Brazil tăng cũng không hỗ trợ được nhiều, cho nên dự đoán giá sẽ tăng trong năm tới, kỳ tăng giá trong chu kỳ giảm giá.
Số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, nhập khẩu hồ tiêu của Liên minh châu Âu (EU) trong 7 tháng đầu năm nay chỉ đạt 46.839 tấn với trị giá 235,4 triệu EUR, giảm 23,1% (14.073 tấn) về lượng và giảm 24,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, nhập khẩu từ các thị trường ngoại khối chiếm 62% tỷ trọng, đạt 28.883 tấn, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu từ nội khối chiếm 38% tỷ trọng, đạt 17.956 tấn, giảm 10,4%.
Đáng chú ý, Việt Nam đang là nhà cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho EU trong 7 tháng với khối lượng đạt 17.915 tấn, giảm 21,6% so với cùng kỳ và chiếm đến 62% tổng nhập khẩu tiêu ngoại khối của EU.
Nhập khẩu tiêu của EU từ các thị trường lớn khác cũng giảm như: Brazil đạt 5.048 tấn, giảm 49%; Indonesia đạt 1.736 tấn, giảm 48,8%; Ấn Độ đạt 1.698 tấn, giảm 28%...