Thanh Hóa: Hỗ trợ người dân Mường Lát phát triển rừng Phê duyệt đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu Đề xuất quy định thanh lý rừng trồng |
Diện tích trồng rừng bị chết nhiều, người dân gặp khó khăn do không có vốn để trồng dặm. Ảnh: Tuấn Anh. |
Tỷ lệ cây rừng sống rất thấp
Ngày 20/11, UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) đã có báo cáo về tình hình thực hiện chỉ tiêu trồng rừng năm 2021 và 2022 trên trên địa bàn huyện.
Theo báo cáo, năm 2021, qua rà soát có 250 hộ dân và 7 cộng đồng ở 11 xã thuộc huyện Tu Mơ Rông đăng ký trồng rừng tập trung với diện tích 249ha. Cây trồng rừng bao gồm cây thông ba lá và cây sơn tra. Người dân trồng rừng được nhà nước hỗ trợ tiền thông qua cây giống. Khi thành rừng, người dân được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng và nguồn thu từ sản phẩm cây trồng rừng mang lại.
Theo đó, tỷ lệ sống của diện tích trồng rừng năm 2021 dao động trong khoảng 30% đến 90% tùy theo từng loại giống cây trồng rừng. Trong đó, cây sơn tra tỷ lệ sống từ 30 - 60%; cây thông ba lá tỷ lệ sống từ 65 - 90%. Theo đánh giá của huyện, đối với diện tích trồng rừng năm 2021 có tỷ lệ chết quá lớn, huyện đã chỉ đạo các xã khẩn trương triển khai công tác trồng dặm để đảm bảo nghiệm thu diện tích trồng rừng theo quy định.
Đối với năm 2022, các xã mới triển khai thực hiện xuống giống trong tháng 9/2022 nên chưa nghiệm thu diện tích.
Ghi nhận tại Tiểu khu 266 (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông), có 26 hộ dân trồng hơn 33ha rừng sơn tra. Tuy nhiên, diện tích cây sơn tra chết khô nằm tràn lan trên những quả đồi.
Người dân huyện Tu Mơ Rông trồng rừng trên diện tích đất trống. |
Cây chết một nửa, không còn tiền để trồng dặm
Trước đây, gia đình chị Y Hun (thôn Tu Mơ Rông) có 4.000m2 đất trồng khoai mì. Sau đó, thấy trồng khoai mì không hiệu quả, thu nhập bấp bênh, gia đình chị quyết định chuyển sang trồng cây sơn tra (còn gọi là táo mèo) từ tháng 8/2021. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng trồng, cây sơn tra bị chết một nửa.
“Gia đình không có tiền để mua thêm cây giống về trồng dặm nên diện tích này chưa thành rừng, qua đó chưa được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng. Rất mong chính quyền địa phương hỗ trợ cây giống để trồng dặm”, chị Y Hun cho biết.
Đề cập đến vấn đề này, ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Đăk Hà xác nhận, diện tích rừng trồng năm 2021 có tỷ lệ cây sống chỉ đạt 40%. Thậm chí có những vườn cây của một số hộ dân tỷ lệ cây sống chỉ đạt 10%. “Khó khăn nằm ở chỗ, nếu không trồng dặm để đảm bảo mật độ cây sống thì sẽ không nghiệm thu thành rừng, bà con sẽ không được hưởng lợi từ tiền dịch vụ môi trường rừng”, ông Khoa cho biết.
Theo ông Khoa, số tiền hỗ trợ mỗi ha cho người dân trồng rừng là rất thấp nên giờ cây bị chết, xã chưa biết lấy nguồn đâu để hỗ trợ trồng dặm cho bà con.
Diện tích cây sơn tra bị chết nằm ngổn ngang trên những quả đồi. Ảnh: Tuấn Anh. |
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, nguyên nhân rừng trồng bị chết do gia súc phá hoại, người dân dùng thuốc diệt cỏ, bị mối ăn… Để tìm nguỗn hỗ trợ trồng dặm và mở rộng diện tích trồng rừng, đơn vị đã kêu gọi sự ủng hộ từ các doanh nghiệp và được Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum hỗ trợ 1 triệu cây thông. Tuy nhiên, các cây giống trồng rừng khác như sơn tra thì vẫn chưa có nguồn để hỗ trợ cho dân.
“Khó khăn lớn nhất là hỗ trợ cho trồng rừng sản xuất đối với hộ gia đình chỉ được tối đa 10 triệu đồng/ha. Đây là mức thấp, chỉ đủ mua cây giống, phân bón. Khi cây chết, người dân tự bỏ tiền tái đầu tư, trong khi đời sống còn nhiều khó khăn. Việc này khiến dân chưa mặn mà trồng rừng. Huyện đã kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến với cấp thẩm quyền nâng mức hỗ trợ trồng rừng cho người dân để nâng cao hiệu quả trồng rừng”, ông Võ Trung Mạnh thông tin./.