Những món ăn mùa đông ngon lành như thế mà thiếu quẩy chiên đi kèm thì quả thật quá lỗi! |
Quẩy chiên – "gia vị" đi kèm nhiều món đồ ăn, biến món ăn thành khoái khẩu bất ngờ
Vào những ngày đông lạnh lẽo, hẳn những món ăn nóng hổi sẽ lên ngôi. Trong đó, không thể không kể đến những món cháo thơm ngon, những bát phở thơm mùi thịt bò, hành, chanh… Và điều đáng nói là món ăn đi kèm mang tên quẩy chiên. Thật sự, những món ăn mùa đông ngon lành như thế mà thiếu quẩy chiên đi kèm thì quả thật quá lỗi!
Mỗi chiều đông lạnh giá, ngồi ở quán vỉa hè xì xụp vừa thổi vừa ăn từng thìa cháo sườn, cháo trai bốc hơi nghi ngút, mỗi sáng làm tô phở bò đầy ăm ắp quẩy chiên… cái giá lạnh như bị xua tan từ trong ra ngoài. Thậm chí không cần ăn kèm món ăn nào, quẩy chiên vẫn được bán đầy vỉa hè dành cho những người mê mẩn ăn hàng ngày.
Đáng nói, quẩy chiên thơm ngon, giòn tan không chỉ thu hút với người lớn, mà trẻ nhỏ cũng rất yêu thích. Thế nhưng, các chuyên gia dinh dưỡng đều khẳng định rằng, quẩy là loại đồ ăn nên hạn chế hoặc không nên ăn vào bất kể thời điểm nào, không riêng gì bữa sáng.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, quẩy được làm từ bột mì, nhưng khác với bánh mì được làm nóng qua nhiệt độ lò nướng thì quẩy lại được chiên ngập trong dầu mỡ. Do vậy, nếu so sánh 100g quẩy với 100g bánh mì, dù cùng một nguyên liệu chính là bột mì nhưng năng lượng của quẩy sẽ nhiều hơn.
Không chỉ vậy, để quẩy được phồng to, thơm ngon, giòn rụm thì người làm còn cho thêm các chất phụ gia khác như bơ, bột nở, muối… Thậm chí từng có thông tin cảnh báo, quẩy chiên được cho cả muối nhôm vào trong quá trình chế biến nhằm tạo độ giòn tan, ngon miệng. Đây là loại phụ gia không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, bởi nó gây hại lớn cho sức khỏe, nhất là gây nên tình trạng suy thận.
Quẩy khi chiên ở nhiệt độ cao, dùng dầu mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần cũng dễ gây nhiều nguy cơ với sức khỏe. |
TS Nguyễn Trọng Hưng cũng cảnh báo, quẩy khi chiên ở nhiệt độ cao, dùng dầu mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần cũng dễ gây nhiều nguy cơ với sức khỏe. Việc ăn quẩy thường xuyên dù dùng trực tiếp hay ăn kèm cùng một số món như cháo, bún-phở thì cũng làm tăng nguy cơ béo phì, tim mạch, huyết áp…
Ngoài ra, thời gian sôi trong chảo lâu ở nhiệt độ cao, dễ tạo ra chất độc. Những chất độc này khi vào sẽ cơ thể có thể ảnh hưởng đến chức năng gan. Không chỉ vậy, việc ăn nhiều quẩy chiên còn gây kích thích tương đối mạnh đến niêm mạc, dễ dẫn đến viêm dạ dày.
Đặc biệt, vào bữa sáng, lúc dạ dày đang trống rỗng, việc ăn quẩy chiên không đảm bảo sẽ gây hại cho hệ tiêu hóa. Chính vì lý do đó, bác sĩ Hưng khuyên mọi người không nên ăn quẩy, nhất là với trẻ nhỏ và người cao tuổi, người có vấn đề về hệ tiêu hóa.
“Thực chất, nếu quẩy tự làm, quy trình làm đảm bảo, dùng dầu mỡ chiên một lần, không cho các chất phụ gia bị cấm thì vẫn có thể dùng được. Tuy nhiên, chỉ nên ăn thưởng thức hạn chế (1-2 lần/tuần) và đặc biệt, khi ăn quẩy cần giảm các đồ khác để năng lượng nạp vào không quá nhiều”, bác sĩ Hưng cho hay.
Bác sĩ tư vấn, việc ăn sáng rất quan trọng với cơ thể, khi ăn cần chú ý đến các nhóm chất dinh dưỡng và năng lượng của thực phẩm có phù hợp hay không. Theo đó, bữa sáng nên nạp 30-40% tổng năng lượng/ngày. Nên dùng thêm các loại rau xanh, quả chín để cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Bữa sáng cũng nên hạn chế đồ chiên rán, đồ ăn nhanh, đồ đóng hộp hay đồ ăn, thức uống chứa nhiều đường.
Quẩy chiên được chiên bằng dầu mỡ tái chế tiềm ẩn nguy cơ ung thư
Quẩy chiên sẽ an toàn cho sức khỏe nếu được chiên trong dầu mỡ sạch, không phải dạng tái chế. |
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), quẩy chiên sẽ an toàn cho sức khỏe nếu được chiên trong dầu mỡ sạch, không phải dạng tái chế - tất nhiên ở đây không bàn đến công nghệ sản xuất từng chiếc quẩy.
Tuy nhiên, dường như quẩy chiên đảm bảo như vậy chỉ có thể xuất hiện trong nhà, khi bạn tự tay làm mà thôi. Nhiều tiểu thương sẽ mua lại dầu mỡ tái chế từ những cửa hàng, khách sạn… để sản xuất quẩy chiên chẳng lo hết dầu mỡ.
"Quẩy chiên giòn sau khi chiên rán bằng dầu mỡ tái chế có thể gây ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài. Mặc dù có thể quẩy chiên bằng dầu mỡ tái chế không gây ra ngộ độc cấp tính nhưng đây là tiền thân của những bệnh ung thư nguy hiểm. Hàm lượng acrylamide thấp được sinh ra trong quá trình chiên rán bằng dầu mỡ tái chế sẽ ngấm vào quẩy chiên, đem đến món ăn gây bệnh mãn tính một cách từ từ", chuyên gia nhận định.
Quẩy chiên sẽ an toàn cho sức khỏe nếu được chiên trong dầu mỡ sạch, không phải dạng tái chế - tất nhiên ở đây không bàn đến công nghệ sản xuất từng chiếc quẩy.
Vì không ý thức được nguy hại từ dầu mỡ tái chế cũng sẽ không loại trừ nguy cơ người bán sẽ chiên quẩy nhiều lần trên lượng dầu mỡ này. Dầu mỡ tái chế càng nhiều lần thì sản sinh acrylamide càng lớn, dẫn đến nguy cơ độc hại càng cao hơn.
Hàm lượng nhôm cao trong quẩy chiên khiến người ăn dễ bị suy thận, lú lẫn
Trong quá trình sản xuất, để quẩy chiên phồng đẹp, xốp giòn hơn, người ta thường trộn thêm phèn chua. |
Theo PGS.TS Trần Đình Toán (Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng), khi làm quẩy chiên, người ta thường phải cho phèn chua vào như một chất phụ gia. Đúng là quẩy rán được làm từ nguyên liệu chính là bột mì. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, để quẩy chiên phồng đẹp, xốp giòn hơn, người ta thường trộn thêm phèn chua.
Vấn đề nằm ở chỗ trong phèn chua có nhôm. Nếu ăn đều đặn hàng ngày, lượng nhôm này khó được bài tiết ra khỏi cơ thể, gây ra tình trạng suy thận. Khi tích lũy quá nhiều, nhôm cũng ảnh hưởng đến não và tế bào thần kinh. Điều này dẫn đến tình trạng lú lẫn ở người ăn thường xuyên quẩy chiên.
Bảo quản quẩy chiên - Lỗ hổng trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Nhưng thứ đựng quẩy chiên thật chưa chắc đã sạch sẽ. |
Tại nhiều cửa hàng, nếu để ý bạn sẽ thấy, quẩy chiên thường được bảo quản bằng cách đựng vào những túi ni lông rồi treo vạ vật trên sạp hàng. Rất tiện lợi, chỉ cần đựng trong đó, khách hàng có nhu cầu là chị bán hàng thoăn thoắt cắt quẩy vào bát cháo, tô phở… Nhưng thứ đựng quẩy chiên thật chưa chắc đã sạch sẽ.
"Về nguyên tắc, loại túi ni lông đảm bảo hơn bất cứ loại túi nào chính là túi ni lông được làm từ nhựa trong suốt. Còn nếu chúng ta sử dụng những loại túi có màu xanh, đỏ, vàng… hoặc túi trắng màu đục để gói thực phẩm hay bất cứ loại gì khác thì đều không đảm bảo sức khỏe.
Đây là dạng túi làm từ nhựa tái chế, có chất độc, khả năng thôi nhiễm chất độc, khiến chúng ngấm vào thực phẩm là chuyện không thể tránh. Nếu thực phẩm ở dạng chín, ướt, có muối, mỡ đựng trong những loại túi này thì nguy cơ càng cao hơn. Chất nhựa làm loại túi này là chất nhựa tái sinh có nhiều chất độc hại bao gồm nhựa tái chế và chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ trộn thêm vào để tái chế", chuyên gia khẳng định. Do đó, sẽ thật tai hại biết bao khi từng chiếc quẩy chiên được đựng trong túi nhựa treo quanh các sạp hàng.
Chính bởi những lý do đó, giới chuyên gia khuyên bạn nên tự làm quẩy chiên và thưởng thức tại nhà. Hoặc nếu ăn ở bên ngoài hãy hạn chế tối đa. Tuyệt đối không ăn thường xuyên vì một lối sống lành mạnh, tránh tối đa nguy cơ mắc bệnh tật hiểm nghèo. Ngoài ra khi ăn, không nên chọn ăn ở nơi vỉa hè bụi bặm, tốt nhất là tìm đến những địa chỉ uy tín.