Tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 2.500 ha hồ tiêu, trong đó, diện tích khai thác khoảng 2.100 ha, phần lớn đều canh tác theo kiểu cũ nên năng suất thấp hơn nhiều so với các vùng khác.
Thời gian gần đây, bên cạnh tăng cường khuyến khích các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu giữa doanh nghiệp và nông dân, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh phát triển, mở rộng diện tích tiêu hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh.
Quảng Trị trồng tiêu hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao
Đây được xem là giải pháp đột phá để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững trong bối cảnh khó khăn chung của các ngành hàng nông sản hậu Covid-19.
Theo đó, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, từ năm 2018 đã có 132 hộ nông dân tại các thôn Tân Văn, Hảo Sơn, An Nha, An Hướng, Xuân Hòa thuộc xã Gio An (huyện Gio Linh) liên kết với Công ty Organics More Co. Ltd có trụ sở tại TP. HCM để sản xuất và bao tiêu sản phẩm tiêu hữu cơ với quy mô 62,6 ha.
Nông dân khi tham gia chương trình liên kết sẽ được Công ty hỗ trợ làm các thủ tục kiểm định chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất tiêu, cây nghệ theo các tiêu chuẩn EC834/2007 của Châu Âu, tiêu chuẩn NOP USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
Mô hình đã được tổ chức đánh giá độc lập Châu Âu Control Union chứng nhận sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của châu Âu và Mỹ.
Trong năm 2019, đã có 18 tấn tiêu hữu cơ được bán Công ty với giá 78.000đ/kg, cao hơn 18.000- 20.000 đồng/kg so với mặt bằng giá thị trường tại Quảng Trị cùng thời điểm.
Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đánh giá đây là hướng đi đột phá mới cho ngành hàng tiêu để xâm nhập các thị trường tiềm năng ở châu Âu và các nước khác trong bối cảnh nông sản gặp khó khăn chung.
Ngoài ra, hiện nay một số đơn vị trên địa bàn đã giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiêu Quảng Trị ra thị trường quốc tế như Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị, Công ty TNHH Duy Proster... xuất khẩu sang thị trường Mỹ được hơn 50 tấn tiêu, với giá bán cao hơn 20% so với thị trường trong nước.
Trước đó, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị về tình hình phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2020 và giải quyết một số kiến nghị, đề xuất của địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong 5 năm tới, Quảng Trị vẫn phải lấy nông nghiệp là chủ. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định việc phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ mà Quảng Trị đang lựa chọn là hướng đi đúng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030.
Đề án nhằm phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Nhiệm vụ chủ yếu đặt ra để đạt được các mục tiêu trên là phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực; phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ; nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ; phát triển các tổ chức chứng nhận, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình kỹ thuật; tăng cường chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩn hữu cơ...
Hồng Nga