Nấm rơm có tên khoa học là Volvariella volvacea |
Nấm rơm có tên khoa học là Volvariella volvacea, thuộc họ nấm ăn Pluteaceae. Nấm rơm tự nhiên mọc ở nơi có khí hậu nóng ẩm nên gặp nhiều ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới thuộc Đông và Đông Nam Á.
Nấm rơm tươi có kích thước cỡ ngón tay cái, được trồng nhiều để làm thực phẩm ở các nước Châu Á, còn các vùng khác chủ yếu được tìm thấy ở dạng đóng hộp hoặc sấy khô. Những nỗ lực để trồng nấm rơm tự nhiên ở miền nam Hoa Kỳ cho đến nay vẫn không thành công.
Nấm rơm còn có những tên gọi khác như nấm rơm lúa, nấm cỏ, nấm phụ tử, nấm ngọc cẩu và nấm Trung Quốc. Sở dĩ loại nấm này có tên là nấm rơm lúa vì chúng phát triển tốt nhất trên rơm rạ hoặc gọi là nấm Trung Quốc vì việc trồng nhân tạo loại nấm này đầu tiên bắt đầu ở Trung Quốc.
Nấm rơm là loài thực vật kỵ khí, mọc thành chùm hoặc thành cụm trên những lá mục, gỗ mục, dăm gỗ, phân động vật, trên cây cối và nấm có khả năng sinh sôi, phát triển quanh năm. Nấm rơm thường phát triển tốt nhất ở nhiệt độ 28 - 35 ° C.
Thành phần dinh dưỡng của nấm rơm khá phong phú, trong 100g nấm rơm khô chứa 21 - 37g chất đạm, 2,1 - 4,6g chất béo, 9,9g chất bột đường, 21g chất xơ, rất nhiều yếu tố vi lượng như canxi, sắt, phôtpho, các vitamin A, B1, B2, C, D, PP...
Trong 100g nấm rơm tươi chứa 90% nước, 3,6% đạm, 0,3% chất béo, 3,2% chất đường, 1,1% chất xơ (cellulose), 0,8% tro, 28mg% Ca, 80mg% P, 1,2% Fe, các vitamine A, B1, B2, C, D, PP...
Cứ 100g nấm rơm tươi cho cơ thể 31 calorie. Với thành phần nhiều dinh dưỡng, nấm rơm không chỉ là thức ăn tuyệt vời, còn có thể chế biến nhiều "thực phẩm chức năng", món ăn "thuốc" để hỗ trợ chữa bệnh, đặc biệt với các bệnh nội tiết chuyển hóa như: béo phì, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.
Nhờ mô hình trồng nấm rơm, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập cao, có của ăn của để.
Đưa rơm đã ủ vào phòng. Ảnh: Ngọc Tài |
Báo Vnexpress đưa tin, anh Lâm Thái Dương (35 tuổi) cùng vợ là chị Lê Hồ Thùy Linh đều tốt nghiệp đại học ở TP HCM. Đầu năm 2013, họ góp vốn 30 triệu đồng từ tiền làm thêm cùng nhóm bạn bắt tay trồng rau sạch, nhưng trồng lần nào thất bại lần đó.
Thấy công việc ở thành phố khó khăn, vợ chồng anh Dương khăn gói về quê ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), lúc này đúng mùa thu hoạch lúa, cả hai quyết định thử trồng nấm rơm bằng kiến thức đã học.
Được gia đình cấp vốn khởi nghiệp là 25 cuộn rơm, Dương chọn 11 cuộn ủ trước, chất lên kệ tre chừng 3 m2. Đúng nửa tháng sau, trên lý thuyết nấm rơm sẽ mọc nhưng kiểm tra thấy rơm khô cứng, không một cây nấm.
Chán nản, Dương tháo kệ, chặt làm củi cho vợ nấu cơm, còn ụ rơm vứt lăn lóc trong góc vườn. Tuy nhiên 10 ngày sau, những ụ rơm này mọc nấm tua tủa, hái được 4 kg.
Vừa làm vừa học, cả hai bôn ba khắp các vùng trồng nấm miền Tây trau dồi kinh nghiệm. Từ kinh nghiệm học được, kết hợp kiến thức trên giảng đường, anh mày mò, tìm lời giải một cách khoa học, đúc kết thành quy trình.
Từ một nhà kính trồng nấm, họ nâng lên 4, 14 rồi 24 nhà và phát hiện mỗi nhà có một "tính nết" khác nhau: Nhà ở đầu dãy đón nhiều nắng quá nóng, nhà dưới bóng cây lại dư ẩm, nhà ngay luồng gió thì khô rơm... Để đảm bảo quy trình trồng đồng nhất, từng nhà nấm Dương phải thay đổi thiết kế cho phù hợp.
Sau 5 năm khởi nghiệp trồng nấm, số nhà kính của vợ chồng Dương ngày càng nhiều. Tiền lời khoảng 600 triệu đồng, họ dùng gần hết cho các khâu nghiên cứu, sửa chữa, đầu tư nhà trồng. Tháng 3 năm nay, cả hai xin gia đình mảnh đất 2.000 m2, xây dãy phòng kiên cố để trồng nấm với ưu điểm dễ kiểm soát các thông số môi trường, thời gian sử dụng nhà trồng dài hơn.
Mỗi phòng trồng nấm rộng 15 m2 xây bằng gạch, trát xi măng. Phòng được ngăn cách môi trường bên ngoài, lắp quạt thông gió để đảo hơi nóng ra ngoài, kiểm soát nhiệt độ bên trong ở mức 37 độ C. "Trồng nấm rơm quan trọng nhất là nhiệt độ và ẩm độ phải chính xác. Thực hiện theo quy trình, mỗi mẻ nấm cho ra đúng số lượng và chất lượng đồng đều", anh chia sẻ.
Theo tính toán, mỗi phòng có thể luân phiên 8-12 vụ mỗi năm, thu 30-35 kg nấm một vụ. Khi hoạt động hết công suất, chủ trang trại thu 1,4 - 1,8 tấn nấm mỗi tháng, doanh thu 70-80 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, tiền lương công nhân, vợ chồng Dương lãi 35-40 triệu đồng, gấp 2-3 lần so với cách trồng truyền thống.