Huyện Phú Thiện là thủ phủ khoai lang của tỉnh Gia Lai. (Ảnh minh họa). |
Từ đồng lúa tới vùng khoai lang ngút ngàn
Vùng đất Phú Thiện trước đây chủ yếu là trồng lúa. Nhưng hiện nay, cây khoai lang Nhật được xem là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương. Những năm gần đây, cây khoai lang Nhật đang giúp người dân trở nên khấm khá, không còn cảnh phập phù như trước đây với cây khoai mì, hoa màu.
Cây khoai lang Nhật bắt đầu bén duyên với vùng đất Phú Thiện khoảng hơn chục năm về trước. Thời điểm đó, nhiều người dân từ khu vực phía Bắc vào Phú Thiện lập nghiệp, mang theo phương thức sản xuất khoai lang đến với vùng đất xã Ia Sol và xã Chư A Thai. Nhưng lúc bấy giờ, trồng khoai lang vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, sản xuất chủ yếu mang tính tự phát, trồng khoai lang Nhật để sử dụng.
Đến năm 2019, nhìn thấy tiềm năng của loại cây này phù hợp với vùng đất Phú Thiện, chính quyền địa phương đã quyết tâm xây dựng đề án phát triển cây khoai lang Nhật trên địa bàn huyện Phú Thiện đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Từ đây, cây khoai lang mới thực sự phát triển mạnh mẽ trên vùng đất vốn có truyền thống trồng lúa.
Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, toàn huyện có 1.200 ha khoai lang. (Ảnh minh họa). |
Từ chỗ chỉ có vài ha, đến nay, cây khoai lang Nhật đã phát triển rộng khắp trên địa bàn huyện Phú Thiện với gần 1.200ha. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân Phú Thiện tiếp tục chuyển đổi một số diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang trồng khoai lang Nhật, đi kèm với giấc mơ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc trong một ngày không xa.
Câu chuyện khoai lang được xuất khẩu chính ngạnh sang Trung Quốc đã tạo ra bước đột phá, sự hồ hởi mới với nông dân huyện Phú Thiện nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung. Để đạt niềm mong ước này, chính quyền địa phương đã mạnh dạn xây dựng phương án nhằm hướng người dân đẩy mạnh sản xuất khoai lang theo hướng VietGAP, đồng thời xây dựng, đăng ký mã số vùng trồng.
Giá khoai lang tăng cao nông dân vẫn kém vui
Giờ đây, huyện Phú Thiện được xem là “thủ phủ” khoai lang với hơn 1.200ha, chiếm hơn 1/2 diện tích khoai lang của toàn tỉnh Gia Lai. Những ngày này, trên các cánh đồng của huyện Phú Thiện, nông dân đang tất bật thu hoạch khoai lang. Năm nay, khoai lang được giá, nhưng năng suất chỉ bằng 2/3 vụ trước nên nhiều nông dân kém vui.
Trên cánh đồng khoai lang bạt ngàn tại xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, nhiều hộ nông dân đang khẩn trương thu hoạch với nhiều suy tư khi năng suất giảm khá sâu, trung bình chỉ khoảng 15 - 17 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với mùa vụ trước (khoảng 25 tấn/ha). Tuy nhiên, giá khoai lang năm nay tăng cao ở mức 9.000 - 10.000 đồng/kg, nên người dân vẫn có lời.
Năm nay do ảnh hưởng thời tiết nên năng suất khoai lang giảm. (Ảnh minh họa). |
Ông Đỗ Văn Năm (thôn Drok, xã Chư A Thai) cho biết, gia đình ông hiện có 6ha khoai lang. Khoảng nửa tháng nữa sẽ cho thu hoạch nhưng theo ông Năm, năm nay năng suất dự kiến thấp hơn so với năm ngoái nhưng ruộng khoai lang của gia đình ông sẽ đạt khoảng 20 tấn/ha. Nguyên nhân do người dân trồng khoai đúng vào thời điểm mưa kéo dài nên chất lượng củ kém hơn.
Cũng theo ông Năm, giá khoai lang ở thời điểm sau Tết Nguyên đán có lúc đạt khoảng 11.000 - 12.000 đồng/kg, hiện giảm xuống còn 9.500 - 10.000 đồng/kg. Với giá này, trung bình 1ha gia đình sẽ thu về khoảng 180 - 200 triệu đồng, trừ chi phí cũng lời khoảng 80 - 90 triệu đồng. Ông Năm cũng dự đoán khi bước vào thời điểm thu hoạch nhiều, giá có thể sẽ giảm xuống còn 8.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng khoai lang vẫn lãi từ 50 - 60 triệu đồng/ha.
Một điều khiến người trồng khoai ở Phú Thiện lo lắng là việc xuất khẩu khoai lang sang Trung Quốc. Do năm nay chất lượng khoai lang không tốt nên việc xuất khẩu sang Trung Quốc rất hạn chế. Khi thu hoạch khoai, các thương lái chủ yếu đưa đi tiêu thụ trong nước, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh miền Trung.
Do năm nay chất lượng khoai lang không tốt nên việc xuất khẩu sang Trung Quốc rất hạn chế. (Ảnh minh họa). |
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết, để chuẩn bị cho cơ hội xuất khẩu chính ngạch khoai lang vào thị trường Trung Quốc, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn vận động người dân thay đổi phương thức canh tác, ứng dụng công nghệ, xây dựng chuỗi giá trị trên cây khoai lang.
“Hiện trên địa bàn huyện vẫn chưa có nhà máy chế biến, bao tiêu đầu ra sản phẩm cho người dân. Trong thời gian tới, huyện sẽ kêu gọi các doanh nghiệp ký kết với người dân bao tiêu sản phẩm. Đồng thời đưa ra các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, tăng cường kiểm tra chất lượng giống cây trồng, phân bón nhằm đảm bảo sản xuất khoai lang an toàn, bền vững. Đồng thời hỗ trợ thông tin các tiêu chuẩn, chất lượng, mã số vùng trồng… để khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt là thị trường Trung Quốc”, ông Tuấn chia sẻ./.