Tối 14/7, tại Quảng trường 1 Tháng 4 (TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) diễn ra lễ khai mạc Ngày hội quảng bá và kết nối du lịch giữa 4 thành phố Tây Nguyên, gồm: Pleiku (Gia Lai)-Buôn Ma Thuột (Đak Lak)-Kon Tum (Kon Tum)-Gia Nghĩa (Đak Nông) với thành phố Tuy Hòa (Phú Yên). Ngày hội có chủ đề 'Pleiku chưa xa đã nhớ'.
Sự kiện do UBND các thành phố: Pleiku (tỉnh Gia Lai), Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) và thành phố Tuy Hòa phối hợp tổ chức.
Lãnh đạo tặng hoa cho các đơn vị tham gia Ngày hội. |
Tại lễ khai mạc, chương trình nghệ thuật chào mừng do TP. Pleiku và TP. Tuy Hòa thực hiện cùng những hoạt động đầu tiên của ngày hội đã diễn ra trong không khí sôi nổi, tươi vui, giới thiệu bản sắc văn hóa và kết nối sản phẩm du lịch đại ngàn Tây Nguyên với vẻ đẹp và hương vị đại dương xanh.
Chương trình nghệ thuật đã làm bật lên vẻ nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên, quê hương của những bộ sử thi, trường ca hùng tráng, không gian văn hóa cồng chiêng-di sản văn hóa đại diện của nhân loại cùng những lễ hội văn hóa đậm đà bản sắc. Đồng thời, các tiết mục nghệ thuật cũng giới thiệu vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ của biển xanh, cát trắng, nắng vàng, của đại dương xanh-thế mạnh của du lịch TP. Tuy Hòa nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung.
Các hoạt động chính của Ngày hội gồm: Hội chợ trưng bày 70 gian hàng nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch, ẩm thực tiêu biểu và sản phẩm OCOP các địa phương; triển lãm tranh, ảnh giới thiệu thành tựu về kinh tế, văn hóa, du lịch của các thành phố tham gia Ngày hội; Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch và chương trình khảo sát tour du lịch trải nghiệm thành phố Tuy Hòa. Trong khuôn khổ của Ngày hội, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ đặc sắc của Tây Nguyên và tỉnh Phú Yên được tổ chức.
Lãnh đạo TP Buôn Ma Thuột chụp ảnh tại các gian hàng trưng bày sản phẩm. |
Ngày hội được tổ chức nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về miền đất, văn hóa, con người, tiềm năng, thế mạnh du lịch của Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, các thành phố Pleiku, Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Gia Nghĩa, Tuy Hòa nói riêng để thu hút nhà đầu tư, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch của mỗi địa phương. Đồng thời, Ngày hội tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch gặp gỡ, giao lưu, hợp tác kinh doanh, cung cấp, trao đổi sản phẩm du lịch.
Chủ tịch UBND thành phố Pleiku Đỗ Việt Hưng khẳng định, Tây Nguyên là vùng đất có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu của đất nước ta, nơi có những bộ sử thi hùng tráng, những bản trường ca, anh hùng ca, là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các thành phố của vùng đất Tây Nguyên luôn mong muốn kết nối với các thành phố vùng duyên hải miền Trung để cùng thúc đẩy phát triển du lịch, giao lưu văn hóa.
Nhiều doanh nghiệp trẻ trưng bày sản phẩm đặc trưng tại Ngày hội. |
Theo ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa, thành phố có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hữu tình với đường bờ biển dài trên 30km. Dòng sông Đà Rằng gối đầu lên thượng nguồn Tây Nguyên, uốn lượn giữa lòng thành phố với những cánh đồng màu mỡ. Thành phố Tuy Hòa còn có Di tích quốc gia đặc biệt tháp Nhạn mang chứng tích của một vùng đất đa dạng văn hóa và tháp Nghinh Phong độc đáo lấy cảm hứng hình ảnh từ Gành Đá Đĩa. Cùng với đó, rất nhiều di tích vật thể, phi vật thể được lưu truyền, gìn giữ, tôn tạo, hiện hữu trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Thành phố Tuy Hòa đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng với mục tiêu trở thành cửa ngõ mới hướng ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên. Các tuyến đường giao thông được nâng cấp đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc rút ngắn thời gian di chuyển từ các tỉnh Tây Nguyên đến thành phố Tuy Hòa. Với những tiềm năng, lợi thế đó, Ngày hội sẽ là cầu nối để các địa phương phát triển ngành Du lịch.
Ngày hội quảng bá và kết nối du lịch giữa các thành phố Tây Nguyên với thành phố Tuy Hòa diễn ra từ 14 - 16/7.
Trong 2 ngày (11 – 12/7), Hội đồng OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đợt 3 của năm 2022, với 30 sản phẩm tham gia. 30 sản phẩm này thuộc các nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược của 18 chủ thể là các công ty TNHH, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn các huyện: Krông Pắc, Krông Năng, Cư M'gar, Krông Ana và TP. Buôn Ma Thuột. Đây cũng là những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng vùng miền ở các địa phương được đầu tư về chất lượng, mẫu mã, nguồn gốc, rõ ràng. Sau khi xem xét, đánh giá hồ sơ các sản phẩm, Hội đồng OCOP cấp tỉnh đã chọn được 1 sản phẩm tiêu biểu, có tiềm năng để làm hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao (OCOP cấp quốc gia) và 29 sản phẩm xếp hạng OCOP 3 – 4 sao. Cụ thể: Bộ quà tặng socola cao cấp (Hương sắc Tây Nguyên) của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana) có số điểm đánh giá cao nhất (92 điểm), là sản phẩm tiềm năng 5 sao; các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao gồm: Trà mãng cầu Nguyễn Văn (hộ kinh doanh Nguyễn Văn Sơn), Yến sào Thành Dung (Công ty TNHH Thành Dung) của huyện Krông Pắc; Bột Ca cao 3 in 1 của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana); 26 sản phẩm còn lại đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Sau khi đánh giá, phân hạng, các sản phẩm đạt các tiêu chí sẽ được Hội đồng OCOP cấp tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt và cấp giấy chứng nhận đạt sao cấp tỉnh năm 2022. Các sản phẩm được công nhận sẽ được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in, dán trên bao bì sản phẩm theo quy định hiện hành. |