Muốn đi "cao tốc" EVFTA buộc phải qua được trạm "BOT"
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến được Quốc hội phê chuẩn vào ngày 20/5 tới đây (tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV). Đây có thể là thông tin đang được các doanh nghiệp ngành dệt may đón đợi.
Theo ông Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc Công ty CP Kết nối châu Âu (Eurolink), đây là tin vui cho ngành dệt may trong bối cảnh đang phải chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19. Cơ hội của các DN khi EVFTA có hiệu lực là rất lớn. Hiện có nhiều DN châu Âu, Mỹ tiếp cận thông tin Eurolink để tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Với quy mô nhập khẩu hàng dệt may hàng năm hơn 250 tỷ USD, EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới. Trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2,7%, dư địa để ngành dệt may gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU sau khi EVFTA có hiệu lực được các DN đánh giá là rất triển vọng. Dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may vào EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định.
EVFTA có hiệu lực sẽ là đòn bẩy cho doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam
GS.TSKH Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, việc mở rộng được thị trường xuất khẩu sang châu Âu có ý nghĩa rất lớn để thương mại Việt Nam giảm bớt phụ thuộc vào một thị trường.
GS. Võ Đại Lược nhấn mạnh, không chỉ các sản phẩm xuất khẩu, nguồn nguyên liệu nhập khẩu hay thu hút đầu tư nước ngoài cũng đều có thể kỳ vọng nhiều hơn từ EVFTA. Tăng trưởng GDP, vì thế, cũng sẽ có thêm cơ hội để tránh rơi vào cảnh giảm tốc.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, với thuế suất về 0%, các DN sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng cần phải chuẩn bị, lên kế hoạch cụ thể và cần nắm rõ các quy định mà EVFTA yêu cầu như tiêu chuẩn sản phẩm, nhu cầu của người tiêu dùng từng thị trường. Bởi lẽ, EU là thị trường rất khó tính, điều kiện kinh doanh chặt chẽ, đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng và mẫu mã sản phẩm, chỉ với một sơ suất cũng sẽ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sang thị trường này.
Chẳng hạn như việc EU luôn đề cao sức khoẻ người tiêu dùng, chính vì vậy chỉ cần phát hiện một lô hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đạt chất lượng, ngành hàng đó sẽ bị kiểm tra gắt gao, thậm chí sẽ bị cấm nhập khẩu vào thị trường EU vĩnh viễn, ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng DN.
Nhìn nhận từ góc độ DN, ông Nguyễn Hữu Thành cũng nhấn mạnh: Việt Nam đã có nhiều bài học “đau đớn” xung quanh vấn đề xuất xứ. Do vậy, bản thân các DN cần có ý thức cao về vấn đề này. Đồng thời, Chính phủ, các cấp, các ngành phải vào cuộc thực sự quyết liệt, xử lý mạnh tay những DN chộp giật.
Theo cam kết tại EVFTA, các yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ rất chặt chẽ. Theo đó, các mặt hàng muốn được ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ hàm lượng nội khối nhất định (tức là nguyên liệu có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam).
“Đây là một thách thức lớn đối với các DN bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập từ Trung Quốc hoặc các nước trong ASEAN. Để khai thác tối đa những ưu đãi mà EVFTA mang lại, cả cơ quan quản lý và cộng đồng DN phải cùng vào cuộc”, đại diện Bộ Công Thương chia sẻ.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút đầu tư từ DN trong nước và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào sản xuất nguyên phụ liệu. Đặc biệt, phải có cơ chế thúc đẩy sự liên kết giữa DN sản xuất nguyên phụ liệu với các DN sản xuất sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết khép kín, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ.
Để đi được "cao tốc" EVFTA doanh nghiệp ngành dệt may phải qua các trạm "BOT".
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy cơ chế xây dựng các khu công nghiệp dệt may có xử lý nước thải hiện đại, để chu trình dệt - nhuộm - may - hoàn tất được đầu tư phát triển, đóng góp vào nguồn cung toàn cầu và giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu, tận dụng tối đa ưu đãi từ EVFTA hay những hiệp định thương mại khác.
Chủ một DN dệt may cho biết, nguyên tắc để hàng dệt may Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo EVFTA yêu cầu vải phải được dệt tại Việt Nam hoặc EU và cắt may tại Việt Nam. Trong khi đó, các DN sản xuất chưa minh bạch được vấn đề về vùng nguyên liệu.
EVFTA mở ra cho Việt Nam nhiều nút thắt, vấn đề còn lại là do chúng ta. EU sẵn sàng nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam nhưng vấn đề cốt lõi là phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Hy vọng với tác động của EVFTA cùng làn sóng đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc, ngành dệt may sẽ nắm bắt được cơ hội “đổi đời”, gia tăng giá trị trong mỗi khâu.
4 tháng đầu năm 2020 ngành dệt may tăng trưởng âm
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tháng 4/2020 kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm 20% so với tháng 3.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành chỉ đạt 10,64 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ 2019. Kim ngạch nhập khẩu cũng chỉ đạt 6,39 tỷ USD, giảm 8,76% so với cùng kỳ.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, đây là lần đầu tiên tất cả các mặt hàng xuất nhập khẩu của dệt may Việt Nam đều tăng trưởng âm.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS Trương Văn Cẩm cho biết, dịch Covid-19 tác động đến ngành dệt may Việt Nam trên nhiều phương diện. Trong quý I, các doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên phụ liệu thì từ giữa tháng 3, các doanh nghiệp lại rơi vào tình huống các đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng khi nhiều đối tác tại thị trường Mỹ và châu Âu cắt, hủy đơn hàng vì ảnh hưởng của dịch.
Muốn đi vào "cao tốc" doanh nghiệp phải nắm rõ các quy định mà EVFTA đưa ra
"Chưa bao giờ mà tất cả các mặt hàng xuất nhập khẩu của dệt may Việt Nam đều có tăng trưởng âm như vậy" - ông Cẩm đánh giá.
Đơn cử như xuất khẩu hàng may mặc chỉ đạt 8,2 tỷ USD, giảm 5,98% so với cùng kỳ. Xuất khẩu xơ sợi giảm 11,54%; xuất khẩu vải không dệt giảm 22%; xuất khẩu nguyên phụ liệu giảm 6%. Đối với nhập khẩu, bông giảm 7,98%; xơ sợi các loại giảm 2,45%; vải giảm 10,99%; nguyên phụ liệu giảm 5,82% so với cùng kỳ 2019.
Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp dệt may đã phải tìm hướng đi mới, nhiều DN chuyển sang sản xuất các sản phẩm phục phụ y tế như đồ bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn. Tuy nhiên, việc xuất khẩu khẩu trang của doanh nghiệp dệt may gặp không ít khó khăn, nhất là việc xuất khẩu sang thị trường có yêu cầu cao như EU, Mỹ.
Nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2020 đồng thời để thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài kết nối mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm và công nghệ cao đầu tư vào ngành dệt nhuộm trong nước.
Hiệp hội ngành hàng phát huy hơn nữa vai trò trong việc mời gọi đầu tư, kết nối với các địa phương vẫn đang đón nhận các dự án đầu tư dệt nhuộm để giới thiệu và thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài.
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế.
Khi hiệp định có hiệu lực sẽ mang lại rất nhiều thuận lợi cho xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, đối với xuất khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình...
Minh Kiệt