![]() |
Thừa thắng xông lên, doanh nghiệp dệt may đặt kế hoạch lãi lớn năm nay. |
Kỳ vọng lãi lớn năm nay
Hội đồng quản trị Công ty CP May Sông Hồng (mã chứng khoán MSH) vừa thông qua kế hoạch năm 2025 với tổng doanh thu kỳ vọng đạt 5.500 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 600 tỉ đồng, lần lượt tăng 4% và 11% so với kết quả năm vừa qua.
Trong khi đó, Tổng công ty May 10 (mã chứng khoán M10) lên kế hoạch tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận năm 2025 bất chấp dự báo khó khăn từ thị trường. Lãnh đạo công ty ngay từ đầu năm đã đặt ra các chỉ tiêu chính như doanh thu đạt 5.055 tỉ đồng, tăng 7,4% so với năm 2024; lợi nhuận đạt 135 tỉ đồng, tăng 3% so với năm 2024.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex - VGT) đã kỳ vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cả năm 2025 lần lượt là 6% và 10% nhờ các đơn hàng đang phục hồi mạnh. Theo đó, họ lên kế hoạch ghi nhận gần 19.200 tỷ doanh thu và lãi trước thuế hơn 810 tỷ đồng.
Sau Tết, nhiều công ty con của Vinatex cho biết 100% lao động đều quay lại làm việc. Các nhà máy đang tập trung đẩy mạnh tăng năng suất, chất lượng và thực hành tiết kiệm, tối ưu chi phí trong sản xuất. Họ hướng tới nhóm khách hàng cao cấp và kỹ thuật cao trong năm nay.
Hay Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã chứng khoán STK) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025 với những mục tiêu nhiều tham vọng. Cụ thể, STK kỳ vọng doanh thu thuần dự kiến sẽ đạt 3.270 tỉ đồng, tăng hơn 170% so với năm 2024. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 310 tỉ đồng, gấp 6,8 lần so với mức thực hiện được năm 2024. Nếu kế hoạch này thực sự thành hiện thực, STK sẽ thiết lập kỷ lục mới về doanh thu và lợi nhuận trong suốt 25 năm hoạt động.
Lạc quan hơn, Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH) đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.500 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng tới 600 tỷ đồng, tăng 11% và là mức cao nhất lịch sử hoạt động.
Năm nay, May Sông Hồng sẽ nâng công suất khi nhà máy Xuân Trường II gồm 50 chuyền may đi vào hoạt động. Tình hình đơn hàng cũng lạc quan khi đây là nguyên nhân chính giúp họ lãi kỷ lục vào quý IV/2024.
Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã TCM) vừa công bố kết quả kinh doanh Công ty mẹ tháng 1/2025, với doanh thu 346,3 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 26 tỷ đồng, tăng 13%.
Cơ cấu doanh thu cho thấy sản phẩm may chiếm tỷ trọng lớn nhất (81%), tiếp theo là vải (13%) và sợi (5%).
TCM cho biết đã nhận đủ đơn hàng cho quý I/2025, đang tiếp nhận đơn hàng cho quý II và bắt đầu nhận đơn hàng cho quý III. Theo dự báo, xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2025 dự kiến tăng trưởng 9-10%, đạt khoảng 47-48 tỷ USD. TCM đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu khoảng 19% so với năm 2024 (ước hơn 4.500 tỷ đồng) và tối ưu hóa lợi nhuận.
Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ USD, tăng 11% so với năm 2023, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may, sau Trung Quốc và vượt lên Bangladesh. Năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 47 - 48 tỉ USD.
Nhận diện những biến số
![]() |
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam. |
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, đơn hàng từ Bangladesh là đơn hàng cơ bản, số lượng lớn nhưng giá thành không cao. Do đó, không phải doanh nghiệp nào cũng đón được luồng đơn hàng, nhất là những doanh nghiệp sản xuất mặt hàng cao cấp, thời trang như Hòa Thọ, May 10.
Do dệt may là ngành xương sống của Bangladesh, nên ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex nhận định, sản xuất hàng dệt may của nước sẽ phục hồi lại mức bình thường kể từ sau quý II/2025. Lúc đó sẽ có sự cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp dệt may Việt Nam bởi quốc gia đang được hưởng thuế quan ưu đãi cho nước kém phát triển, trong khi chi phí lao động của Việt Nam cao gần gấp ba lần so với đối thủ.
Ông Cầm nhìn nhận, trong nửa đầu năm 2025, ngành may mặc sẽ tiếp tục đà phục hồi từ cuối năm 2024. Đồng thời với đó, có một số tín hiệu tăng trưởng tốt hơn khi các thị trường nhập khẩu chính của ngành như Mỹ và EU phục hồi kinh tế khả quan hơn. Thu nhập và chi tiêu tiêu dùng của người dân cũng sẽ được cải thiện sau khi lộ trình cắt giảm lãi suất tiếp tục diễn ra.
Tuy nhiên, từ nửa cuối năm trở đi, nhà nhập khẩu sẽ không chốt đơn hàng dài mà đơn hàng sẽ ngắn và nhỏ hơn. Đặc biệt, đơn hàng dịch chuyển từ Bangladesh sẽ giảm dần, hiện tại xuất khẩu của quốc gia này đã ổn định dần. “Theo chia sẻ của một số khách hàng, nhiều khách hàng không rời đi mà vẫn ở lại Bangladesh ngay cả khi xung đột xảy ra”, đại diện Vinatex thông tin.
Một biến số khác là mức thuế khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. SSI Research cho rằng dệt may là ngành nhạy cảm nhất trước các mức thuế tiềm ẩn của Tổng thống Trump. Hiện Mỹ chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai về nhập khẩu quần áo vào Mỹ sau Trung Quốc.
Mỹ đã chuyển dần nhập khẩu may mặc ra khỏi Trung Quốc nên các thị trường như Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam trở thành các nguồn cung cấp quan trọng. Trong đó, Việt Nam hưởng lợi hơn cả khi sản phẩm Ấn Độ không đạt chất lượng cao và Banglades khủng hoảng chính trị.
Chuyên gia SSI đánh giá ngành dệt may vẫn tích cực, qua việc các công ty có đơn đặt hàng đến hết quý I/2025 cùng với các đơn đặt hàng trước từ các thương hiệu trước khi có điều chỉnh thuế.
Tăng trưởng doanh thu các công ty sẽ được thúc đẩy nhờ tăng trưởng sản lượng thay vì nhờ giá bán, khi người tiêu dùng chú trọng vào giá trị và Việt Nam ít có khả năng đàm phán để tăng giá. Trong khi lợi nhuận năm 2025 dự báo đi ngang do chi phí hoạt động gia tăng.
Về yếu tố nội tại, thiếu nguồn cung nguyên phụ liệu tiếp tục là nút thắt cổ chai của ngành dệt may. Đây cũng là yếu tố khiến doanh nghiệp chưa tận dụng tối đa được ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do.
Cùng đó là biến động lao động tiếp tục là thách thức với doanh nghiệp dệt may trong năm 2025.
![]() |
![]() |
![]() |