Đến Lý Sơn là về với “vương quốc tỏi”. Ở nơi này, ngay sát những bờ biển vắng lặng, hoang sơ là những cánh đồng tỏi, hành xanh mướt xen lẫn bãi bồi, đình làng, miếu thờ hàng trăm năm của cư dân đất đảo tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ. Gió từ biển thổi vào quyện mùi của tỏi, nồng và hăng, người chưa quen thoáng chút khó chịu, quen rồi lại thích thú bởi mùi đặc trưng của hải đảo.
Đảo Lý Sơn được kiến tạo bởi địa chất phun trào nham thạch núi lửa cách ngày nay 25 đến 30 triệu năm. Những vách đá trầm tích, nghĩa địa san hô hóa thạch dọc ven biển là chứng tích của biến thiên đất trời. Trải qua triệu năm đã tạo nên một Lý Sơn kỳ thú, bí ẩn. Núi lửa cùng sự bồi đắp của cát biển thu hút tinh hoa thổ nhưỡng, khí chất dường như là đặc ân của đất trời giữa biển khơi dành cho người dân đất đảo.
Tự nhiên đã ban tặng cho mảnh đất Lý Sơn cảnh quan kỳ thú cùng với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng riêng biệt nên cây tỏi được trồng ở Lý Sơn có mùi hương và vị cay nồng tinh túy đặc trưng so với các loại tỏi khác. Nghề trồng tỏi được xem là nghề chính của người dân Lý Sơn bên cạnh nghề biển.
Bên cạnh đi biển, trồng tỏi được xem là nghề chính và mang lại nguồn thu nhập chủ yếu của người dân Lý Sơn
Với diện tích trên 330 ha đất trồng hành, tỏi, mỗi năm huyện đảo Lý Sơn cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 tấn tỏi khô, 3.500 tấn củ hành. Chỉ vài năm, nhu cầu sản lượng cung ứng thị trường tăng cao khiến nhà nông chạy đua năng suất, sản lượng bằng mọi giá. Hàng trăm tấn phân bón hóa học, hàng chục tấn thuốc trừ sâu được bà con sử dụng khiến đất bị bào mòn, nước ngầm bị ô nhiễm, sản lượng tỏi cũng bấp bênh.
Do vậy, sản xuất nông nghiệp sạch, sử dụng phương pháp trồng tỏi hữu cơ phải trở thành hướng đi tất yếu nếu đảo Lý Sơn muốn phát triển bền vững.
Phương pháp canh tác hữu cơ được hiểu là việc cung cấp dinh dưỡng cho cây trong các công đoạn trong quy trình ươm giống, trồng, chăm sóc phải 100% từ các chế phẩm sinh học, hoàn toàn tự nhiên. Phương pháp trồng rau củ quả hữu cơ trên thế giới hiện khá phổ biến, nhưng ở Việt Nam còn rất mới mẻ. Đặc biệt là chưa có ai nghĩ đến phương pháp trồng này đối với việc canh tác tỏi.
Để trồng và ra sản phẩm tỏi hữu cơ đúng nghĩa là cả một quá trình. Điểm cốt lõi và trước tiên để thực hiện phương pháp canh tác này đó là đất và nguồn nước phải sạch, không bị nhiễm độc tố do tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, phân hóa học,…. Do đất nơi sử dụng cho dự án trồng tỏi hữu cơ trước đây trồng theo phương pháp truyền thống nên dưỡng chất đã bị bào mòn rất nhiều, vì vậy, công việc đầu tiên là cần khôi phục lại dưỡng chất cho đất bằng phân chuồng ủ sâu dưới đất. Dưỡng chất để cung cấp cho tỏi và đất trong quá trình trồng tỏi là rong biển, mùn rác hữu cơ. Sau mỗi vụ tỏi, anh Trọng cải tạo đất bằng việc trồng đậu phộng.
Khác với tỏi trồng đại trà, thời gian thu hoạch tỏi hữu cơ thường lâu hơn, năng suất cũng thấp hơn nhưng bù lại, giá tỏi tươi thị trường 50 nghìn/ký thì sản phẩm tỏi hữu cơ có thể gấp ba đến bốn lần.
Những ruộng tỏi hữu cơ trên huỵện đảo Lý Sơn mở ra hy vọng mới về tăng giá trị nông sản cho địa phương
Hiện nay, để giữ vững thương hiệu tỏi Lý Sơn cả về chất và về lượng, việc sử dụng sinh phẩm tự nhiên thay cho hóa chất đang được chính quyền địa phương khuyến khích lựa chọn. Một số đề án thí nghiệm trồng tỏi sạch theo hướng hữu cơ của doanh nghiệp, nhà nông trẻ khởi nghiệp thực hành. Các phương thức trồng trọt ứng dụng quy trình không dùng cát trắng, không phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học đang được tiếp cận.
Lý Sơn ủng hộ việc trồng tỏi hữu cơ bởi không chỉ tăng giá trị cho chính sản phẩm đặc trưng vùng tỏi nổi mà còn tăng giá trị gia tăng cho du lịch, dịch vụ. Chẳng hạn, sẽ kết hợp để khách du lịch tham quan, trải nghiệm trồng tỏi hữu cơ thì sẽ cải thiện được thu nhập của người nông dân
Có thể thấy sản xuất nông nghiệp sạch, trong đó có tỏi hữu cơ đang là hướng đi của huyện đảo để Lý Sơn xanh, sạch, đẹp. Huyện đảo đã có những yêu cầu các phòng chức năng nghiên cứu các giải pháp để quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh về nông nghiệp sạch; thu hút, kết nối các nhà đầu tư làm nông nghiệp sạch, đồng thời, gắn việc sản xuất này với phát triển du lịch, từ đó sẽ có nhiều người biết đến và tin dùng các nông sản sạch của huyện đảo.
Khánh Hòa