Năm 2019, Ðiện Biên chỉ dự kiến xây dựng thành công 11 sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP, song ngay sau khi triển khai có tới 32 sản phẩm đăng ký xét duyệt. Kết quả là 26 sản phẩm đạt chuẩn OCOP được Hội đồng tỉnh công nhận (vượt 15 sản phẩm so kế hoạch). Trong số 26 sản phẩm được công nhận, có 14 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 12 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống. Các huyện có sản phẩm được công nhận, gồm: Ðiện Biên, Tủa Chùa, Mường Ảng, Ðiện Biên Ðông…
Với kết quả sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn OCOP đã đem lại luồng sinh khí mới cho các nhà đầu tư, bởi từ nay họ hoàn toàn tự tin đưa sản phẩm thế mạnh của Ðiện Biên như: chè shan tuyết Tủa Chùa, cà-phê Mường Ảng, mật ong Ðiện Biên và các sản phẩm gạo Ðiện Biên… hòa nhập thị trường tiêu dùng trong nước và quốc tế với các thông số, nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn rõ ràng.
Sau quá trình phát triển, các sản phẩm OCOP Điện Biên đã và đang từng bước tìm chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu của thị trường lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi quy mô sản xuất.
Phát triển vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP Điện Biên
Nói tới quy mô sản xuất, hiện Điện Biên hai sản phẩm gạo Điện Biên và chè Tủa Chùa đã có vùng nguyên liệu tương đối lớn và ổn định. Tuy nhiên, có thời điểm, các sản phẩm gạo chất lượng cao Điện Biên rơi vào tình trạng “cháy hàng”.
Đơn cử như sản phẩm gạo Nàng Hiên của Công ty TNHH Safe Green. Gạo Nàng Hiên là sản phẩm duy nhất của Điện Biên được dán tem bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Với những lợi thế đó, sản phẩm đã có mặt tại các thị trường lớn trong nước. Tuy nhiên, nhiều năm nay vùng nguyên liệu cho gạo Nàng Hiên chỉ khiêm tốn với diện tích 50ha tại xã Thanh An (huyện Điện Biên), không thể đáp ứng hết nhu cầu của thị trường.
Sản phẩm gạo Tâm Sáng của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên mỗi vụ đưa ra thị trường khoảng 600 tấn. Tuy nhiên, do vùng nguyên liệu chỉ gần 200ha (khoảng 7% tổng diện tích lúa có thể xây dựng thành sản phẩm OCCOP), nên gạo Tâm Sáng luôn trong tình trạng cháy hàng.
Thực tế cho thấy, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP của Điện Biên đều có vùng nguyên liệu nhỏ, chưa tương xứng tiềm năng.
Ngoài việc phát triển vùng nguyên liệu thì năng lực sản xuất của các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP cần phải đáp ứng được sản xuất lớn. Đây là bài toán để các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thực tế ở Điện Biên, phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Gạo là sản phẩm OCOP nhiều thế mạnh của Điện Biên
Hiện, huyện Điện Biên có khoảng 3.500ha lúa chất lượng cao có thể xây dựng đạt chuẩn OCOP và trở thành vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh lúa gạo Điện Biên. Vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đang ở mức rất nhỏ. Hàng năm, để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng vùng nguyên liệu, nhưng các doanh nghiệp chưa thực hiện được.
Thực tế là do năng lực của doanh nghiệp chưa đáp ứng khi vùng nguyên liệu được mở rộng. Đơn cử như Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên có hệ thống nhà kho, xưởng, dây chuyền công nghệ sản xuất chỉ tương ứng với vùng nguyên liệu khoảng 200ha. Công ty TNHH Safe Green cũng gặp khó khăn tương tự.
Năm 2021, UBND huyện Điện Biên dự kiến sẽ triển khai dự án mở rộng vùng liên kết cho Công ty TNHH Safe Green thêm 40ha tại xã Thanh Xương, nâng diện tích vùng nguyên liệu của Công ty lên gần 100ha. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng hệ thống nhà kho, xưởng và nâng cấp dây chuyền công nghệ chế biến, năm 2020 chưa thể mở rộng vùng liên kết sản xuất.
Các chính sách chỉ hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư nhà xưởng, máy móc công nghệ nên buộc doanh nghiệp phải đối ứng 50% còn lại. Công ty đang xây dựng kế hoạch đầu tư mở rộng hệ thống nhà xưởng và dây chuyền sản xuất, chế biến sau đó sẽ tiến hành thỏa thuận, mở rộng vùng liên kết với người dân.
Linh Anh