Hươu đực hai năm tuổi bắt đầu cho nhung. |
Lộc nhung hươu
Theo người dân nơi đây cho biết, hươu đực hai năm tuổi mới cho nhung. Khoảng tháng 12 hươu đực rụng đế. Đó là thời điểm con hươu đổ hết lông xù, khoác lên mình đầy sao. Bộ lông bỗng mượt mà như cây dồn nhựa, tách vỏ, nẩy mầm, sức xuân cường tráng, khiến hươu xé đế đội mầm non. Chủ nuôi hươu dễ dàng nhận ra dấu hiệu là lúc hươu đực ngứa sừng thường cọ vào gióng chuồng. Cũng có con đế chắc phải cần sự can thiệp của chủ nuôi. Mười ngày đầu, nhung lên chậm, nhưng từ ngày 20 trở về sau, nhung lên vùn vụt.
Lộc nhung có 65 ngày tuổi thì phân nhánh yên ngựa, hay gác sào là đến thời gian chủ nuôi thu hoạch. Ngày xưa, nhung hươu chưa trở thành hàng hóa. Những gia đình giàu có nuôi làm cảnh, làm quà, hoặc gia dụng. Cũng có khi chủ nuôi bán cho các hiệu thuốc. Được biết trước đây cả huyện Hương Sơn chỉ có vài chục gia đình nuôi hươu. Nhưng hiện nay, nông dân lao động Hương Sơn đã lựa chọn con hươu phát triển kinh tế.
Nuôi hươu lấy lộc mang lại thu nhập cao
Huyện Hương Sơn là thủ phủ nuôi hươu sao lấy nhung lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh. Theo thống kê của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Sơn, hiện toàn huyện có trên 41.000 con hươu, chủ yếu tập trung tại các xã Quang Diệm, Sơn Giang, Sơn Trung, Sơn Tây, Tây Sơn… Những năm gần đây, sản lượng nhung hươu của huyện khoảng 14 tấn/năm, hươu giống hàng năm thêm khoảng 20.000 con, doanh thu do đàn hươu mang lại cho người dân khoảng 300 tỷ đồng/năm. Hươu đang được xem là vật nuôi chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Hương Sơn.
Là địa bàn có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi hươu sao, những năm qua xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) đã liên tục phát triển đàn, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho nông dân.
Hươu là động vật dễ chăm sóc vì có sức đề kháng cao và ít bị bệnh, thức ăn chủ yếu là các loại lá, cây cỏ, phù hợp với địa hình huyện miền núi Hương Sơn.
Nhiều hộ chăn nuôi từ chỗ nuôi một vài con nay đã đầu tư nuôi hàng chục, thậm chí hàng trăm con. Chất lượng, sản lượng hươu và nhung hươu cũng ngày càng được nâng cao. Từ các mô hình chăn nuôi hươu, nhiều hộ dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả, giàu có.
Tuy không phải là xã nuôi nhiều hươu sao nhất huyện Hương Sơn nhưng với số lượng hươu đực chiếm 80% tổng đàn, Sơn Tây là một trong những xã có nguồn thu lớn nhất từ nhung hươu. Mỗi năm, một con hươu đực cho 1-2 lứa nhung, bình quân mỗi con hươu cũng cho thu nhập 20- 30 triệu đồng. Ngoài lấy nhung thì bán hươu giống cũng mang lại nguồn thu nhập lớn. Một con hươu con 3 tháng giá dao động từ 20 triệu - 70 triệu đồng tùy vào giống hươu.
Xây dựng sản phẩm OCOP cho nhung hươu
Việc hái lộc nhung hươu không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là một phần của văn hóa truyền thống dân tộc. |
Để thực hiện mô hình thí điểm thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1528/QĐ-BNN-VPĐP ngày 14/4/2023 của Bộ NN&PTNT. Tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định chi gần 2 tỷ đồng để xây dựng sản phẩm nhung hươu Hương Sơn thành sản phẩm OCOP theo chương trình phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển.
UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho UBND xã Sơn Giang khẩn trương hoàn các thủ tục, hồ sơ để triển khai mô hình theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Xã Sơn Giang phải bố trí nguồn vốn cũng như huy động các nguồn vốn khác để triển khai, thực hiện dự án.
Đồng thời, tỉnh cũng giao cho UBND huyện Hương Sơn bố trí nguồn vốn đối ứng từ ngân sách huyện và huy động các nguồn hợp pháp khác để lồng ghép thực hiện mô hình cũng như chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã Sơn Giang thực hiện mô hình.
Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Kiều Hưng- Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, đây được xem là mô hình thí điểm của Trung ương về phát triển các mô hình chủ lực đặc thù của tỉnh Hà Tĩnh. Hương Sơn chọn phát triển các sản phẩm OCOP từ nhung hươu.
Tuy nhiên, theo ông Hưng thì mô hình này cũng yêu cầu và đòi hỏi rất cao khi ngoài là sản phẩm sạch thì còn yêu cầu phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, từ chăn nuôi đến sản xuất phải tuần hoàn, các sản phẩm gắn với chế biến sâu thành các sản phẩm OCOP đưa ra thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu sang các nước.
Một mùa Xuân mới lại đến, với không khí trong lành và cây cối đâm chồi nảy lộc, cũng là mùa của sự sống mới và hy vọng. Việc hái lộc nhung hươu không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là một phần của văn hóa truyền thống dân tộc, gắn liền với sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trương trong kỷ nguyên vươn mình của cả dân tộc.
Phát triển chăn nuôi hươu trong nông hộ |
Khởi nghiệp bằng đặc sản quê hương, thu nhập trên 50 triệu đồng/tháng |
Thanh niên về vườn nuôi hươu lấy nhung, thu nửa tỉ 1 năm |