Quả chay là một phần trong tuổi thơ của nhiều người |
Chay là một loại trái cây đã không còn phổ biến ngày nay, chúng thường được dùng để làm nguyên liệu trong nấu ăn. Ngoài ra, quả chay còn được sử dụng như một vị thuốc trong Đông y rất tốt cho sức khỏe.
Chay phổ biến ở một số tỉnh miền Bắc, thường mọc ở những khu vực miền núi phía Bắc của Việt Nam nên còn gọi là chay Bắc Bộ.
Sau này, cây chay được nhân rộng, trồng nhiều ra các khu vực khác từ miền trung du đến đồng bằng miền Nam đều có.
Cây chay ra hoa vào cuối xuân khoảng tháng 3, tháng 4, hè về là lúc quả chay rừng chín rộ. Chay rừng là loài cây mọc tự nhiên ven sườn núi, vạt đồi, có khi lạc loài trong những đám rẫy của người bản địa. Mùa chay chín làm lòng người xôn xao khi nhắc nhớ hương vị tuổi thơ, nhất là lớp người rời quê ra phố.
Chị Pyưp (làng Bui, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) đặt gùi chay rừng xuống đất, cẩn thận xếp từng quả chín mọng ra 2 chiếc rổ lớn. Dưới tán ô cũ ven quốc lộ 14, loại quả rừng chín vàng lập tức thu hút khách qua đường. Gùi chay này là thành quả của gia đình sau 1 ngày rong ruổi hái quả ven những cánh rừng trên địa bàn huyện.
Chay rừng ra hoa đậu quả vào mùa xuân và quả chín rộ vào mùa hè. Quả chín có vị chua ngọt đậm đà, vị thơm nhẹ đủ đánh thức vị giác bởi mang theo hương mùa hè thanh mát. Trong hương thơm của quả, ta cảm nhận được cả vị chua.
Theo chị Pyưp, chay rừng có 2 loại, loại quả chín có màu vàng cam từ trong ruột ra ngoài vỏ, loại vỏ xanh khi chín ruột màu hồng kiểu “xanh vỏ, đỏ lòng”. Loại thứ nhất ngọt hơn, vị chua thanh dịu và cũng là loại thường gặp. Quả chay không có hình dáng cố định, quả tròn lẳn như trứng gà, quả lại lộ rõ từng múi nhỏ.
“Loại quả này mọc dại nên thường chỉ hái ăn chơi trong lúc đi rừng khát nước. Nhưng mình ăn thấy ngon, nhà gần quốc lộ nên đem bán thử, thấy nhiều người rất thích. Vì vậy, mấy năm nay, cứ đến mùa chay là gia đình lại vào rừng hái về bán. Gặp những cây chay to có khi hái được 2-3 gùi”-chị Pyưp chia sẻ.
hè về là lúc quả chay rừng chín rộ |
Quả chay chín mềm, lớp vỏ rất mỏng, chỉ cần rơi xuống đất là dập nát. Mỗi khi gặp được cây chay nhiều quả thì phải trèo lên cây hái từng quả nâng niu bỏ vào gùi. Vì thế, chay tươi mọng, cuống lá xanh thẫm vô cùng bắt mắt khi đến tay người mua, là đã trải qua quá trình thu hoạch nâng niu, công phu của người hái quả.
Mỗi ký chay rừng chị Pyưp bán với giá 25 ngàn đồng. 1 ký 25 ngàn mà hơn 1 ký cũng chỉ chừng ấy tiền! Có khi khách mua xong còn được chị thêm cho vài quả cùng nụ cười thân thiện. “Quả rừng cho mà, mình chỉ mất công đi hái thôi”, nụ cười cùng cách bán hàng mộc mạc của cô gái Jrai như làm dịu mát cả trưa hè tháng năm.
Chị Hải Hà, 40 tuổi ở Thanh Xuân (Hà Nội) vừa lên chợ mạng đặt 5kg chay về ăn, háo hức nói: “Ngày nhỏ mình ở Yên Bái cũng hay ăn quả chay. Nhà mình hay dùng chay xanh để nấu canh chua, chay chín để ăn trực tiếp. Chẳng hạn như canh cá, người ở Hà Nội thường nấu với sấu, quả dọc hay khế. Nhưng nếu nấu canh cá bằng quả chay sẽ có vị chua rất lạ miệng và ngon”.
Bà nội trợ này cũng khẳng định loại quả này tuyệt đối an toàn vì cây chay mọc trên rừng, ven đồi. Đặc biệt, giống như các loại quả khác, quả chay dù xanh hay chín cũng không để được lâu. Vì thế khi mua về, chị Hà cắt lát mỏng, đem phơi khô để dùng ăn dần.
Quả chay ruột hồng, ăn có vị chua |
Chị Ngọc Hà quê Hải Phòng rưng rưng khi nhắc đến trái chay, hồi còn bé xíu, khi mà cây trái sau vườn chẳng có mấy thứ thì trái chay bỗng trở thành thức ăn vặt ngon lành trong những buổi chiều quê lao xao nắng.
Tôi với đám bạn hay xúm xít dưới gốc chay cùng chén muối ớt cay xé lưỡi. Những đứa trẻ con ở làng, tay chân lèo khèo nhưng trèo cây nhanh thoăn thoắt. Những trái chay chín vàng ươm, chấm với muối ớt ăn có vị chua lét, vừa ăn vừa hít hà vì cay, mặt đứa nào cũng nhăn nhó vì chua, vậy mà vẫn ăn hoài ăn mãi. Tiếng cười đùa rộn vang cả một góc vườn đầy nắng gió.