Khoai tây là một nguyên liệu quen thuộc với nhiều người, nó có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như chiên, xào, hấp, luộc... Khoai tây rất bổ dưỡng, chứa nhiều vitamin, protein, nguyên tố vi lượng, tinh bột, axit pantothenic và các thành phần khác, có thể đáp ứng phần lớn năng lượng cơ thể con người cần trong cuộc sống hàng ngày, đồng thời có thể giúp trì hoãn quá trình lão hóa.
Có người nói ăn khoai tây có thể giảm cân, có người nói ăn khoai tây sẽ béo. Vì vậy, tuyên bố nào là chính xác? Trên thực tế, khoai tây khiến bạn giảm cân hay tăng cân chủ yếu phụ thuộc vào cách bạn ăn chúng.
Khoai tây luộc ít calo hơn khoai tây chiên
Trong nhiều trường hợp, không phải nguyên liệu nào đó có lượng calo cao mà do cách nấu của bạn sai khiến lượng calo trong nguyên liệu tăng cao dẫn đến tăng cân.
Cùng một sản phẩm khoai tây, 100g khoai tây luộc chỉ có 81 calo, trong khi 100g khoai tây chiên có 495 calo. Nếu muốn giảm cân, bạn nên chọn khoai tây luộc thay vì chiên.
Ngoài ra, khoai tây luộc có nhiều vitamin B-complex, giúp hình thành các tế bào máu. Ngoài ra, vitamin B - complex cũng giúp phá vỡ carbohydrate và chất béo từ thực phẩm bạn ăn và có thể chiết xuất năng lượng từ protein.
Chỉ ăn một miếng khoai tây luộc chín đã có thể cung cấp được một nửa nhu cầu vitamin B6 hàng ngày của cơ thể, bổ sung khoảng 30% vitamin B3 và B1. Khoai tây luộc cũng chứa khá nhiều vitamin C nhưng nhớ đừng gọt vỏ vì sẽ làm hao hụt chất dinh dưỡng này.
Ăn khoai tây thay cơm giảm cân, ăn cùng cơm gây tăng cân
Ngoài ra, bạn cần biết rằng khoai tây tuy nhiều người gọi là rau nhưng nó lại chứa rất nhiều tinh bột, không khác gì các loại lương thực chính như gạo. Nếu trong một bữa cơm, bạn vừa ăn khoai tây vừa ăn cơm sẽ dẫn đến việc hấp thụ quá nhiều carbohydrate, lượng đường trong máu sẽ tăng cao, không có lợi cho việc giảm cân.
Tuy nhiên, nếu bạn chọn ăn khoai tây thay cơm sẽ giúp đạt hiệu quả giảm cân. Bởi vì, hàm lượng carbohydrate trong 100g khoai tây là khoảng 17g và hàm lượng carbohydrate trong 100g gạo là 25,9g, có nghĩa là hàm lượng carbohydrate trong gạo cao hơn. Do đó, nếu bạn ăn khoai tây thay cơm thì có thể kiểm soát lượng carbohydrate của mình, giúp giảm cân.
Khoai tây chứa tinh bột kháng, ít chất béo
Tinh bột trong khoai tây là tinh bột kháng, mất nhiều thời gian để tiêu hóa và giúp bạn no lâu hơn. Đồng thời có hàm lượng chất béo rất thấp, là một lựa chọn tốt để thay thế lương thực chính.
Một người đàn ông béo phì ở Úc mắc nhiều bệnh do thừa cân. Để giảm cân, anh đã chọn ăn khoai tây trong các bữa ăn, chủ yếu theo phương pháp chế biến nhẹ như khoai luộc, khoai nghiền, khoai nướng than… Dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, cân nặng của ông đã giảm 50kg trong một năm và vấn đề huyết áp cao, mỡ máu cao cũng được cải thiện đáng kể.
Nếu bạn cũng muốn giảm cân bằng cách ăn khoai tây, không nên chỉ ăn khoai tây luộc trong ba bữa, mà nên ăn như sau: bữa sáng và bữa trưa ăn bình thường, bữa tối ăn khoai luộc thay cơm, với một bát rau luộc, kiên trì trong một thời gian, cơ thể sẽ dần gầy đi.
Khoai tây giàu dinh dưỡng
So với cơm, khoai tây có nhiều thành phần dinh dưỡng hơn giúp bạn vừa giảm cân lại thu được nhiều chất. Ngoài thành phần chính là tinh bột, khoai tây còn rất giàu vitamin C, một số loại khoai tây còn chứa polyphenol có khả năng chống oxy hóa mạnh, chẳng hạn như anthocyanin trong khoai tây tím.
Đồng thời, khoai tây chứa hàm lượng kali cao, natri thấp, giúp kiểm soát huyết áp.