Cá chình từ xưa đã được xếp vào hàng món ăn đặc sản có giá trị kinh tế cao |
Cá chình loài cá có thể sinh sống ở môi trường nước mặn và nước ngọt. Chúng có hình dáng giống với những con lươn và là một trong những loại thực phẩm được ưa chuộng nhất tại Nhật Bản.
Mắt của cá chình khá bé, miệng lớn hơi nhếch lên, môi khá dày, răng khá nhỏ và dày tạo thành những dải răng.
Phần vây lưng và vây hậu môn của chúng khá dài thường nối liền cùng với vây đuôi của chúng. Cá chình có vây ngực tròn – ngắn và đặc biệt là không có vây bụng.
Cá chình là loài hô hấp qua da và lớp da có rất nhiều nhớt. Phần lưng của cá thường có màu xanh đen, phần ngăn cách giữa lưng và bụng có màu vàng và phần bụng có màu trắng.
Cá chình con thì có màu hơi xám ở lưng và vàng ở bụng. Tuy nhiên, màu sắc của cá chình còn phụ thuộc vào điều kiện môi trường sống để quyết định độ đậm nhạt của cá.
Một chú cá chình khi trưởng thành có thể dài từ 60cm – 2m và nặng từ 250 gram – 17kg.
Cá chình biển từ xưa đã được xếp vào hàng món ăn đặc sản có giá trị kinh tế cao. Cá chình còn là món ăn ngon khoái khẩu của “dân nhậu” vì thịt ngọt, béo, không dai và có thể chế biến theo nhiều phong cách từ dân dã như món cá chình om chuối đậu đến cầu kỳ như cá chình đút lò tỏi hương thảo hay sushi cá chình.
Nhận thấy lợi nhuận cao từ loài cá chình, một số hộ gia đình và cá nhân đã đầu tư mô hình nuôi, mang lại thu nhập cao.
Cá chình nuôi khoảng 18 tháng có thể thu hoạch |
Điển hình như ông Nguyễn Hữu Ánh (65 tuổi, ngụ ấp 3, xã Tân Thành, TP. Cà Mau , Cà Mau) thu lãi trên 1,5 tỉ đồng/năm nhờ nuôi đặc sản cá chình.
Năm 1999, nhờ một người quen giới thiệu, ông Ánh biết được mô hình nuôi cá chình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thế là ông quyết định đào 1 ao lớn, mua con giống về nuôi thử nghiệm.
Ban đầu, ông mua 20 kg cá giống (loại 20 con/kg) từ Khánh Hòa về thả nuôi. Nhờ kinh nghiệm sẵn có từ nghề nuôi cá bống tượng nên ông khá thuận lợi trong việc nuôi cá chình. “Thật tình, lúc mới thả nuôi tôi cũng thấy lo vì thời điểm đó ở Cà Mau chưa có mô hình nuôi cá chình nước ngọt. Sợ cá nuôi lớn thương lái không mua, không có đầu ra là tiêu luôn”, ông Ánh kể.
Thật bất ngờ, sau 18 tháng thả nuôi, ông Ánh thu hoạch 330 con cá chình, trọng lượng từ 1 - 3 con/kg, thương lái đến mua hết. Nhờ đó ông có được 65 triệu đồng, tương đương 20 lượng vàng thời điểm năm 2000.
Có được nguồn vốn khấm khá từ nhiều năm nuôi cá chình, năm 2019, ông Ánh quyết định đầu tư hơn 8 tỉ đồng mua 5,5 ha đất tại ấp 3, xã Tân Thành để mở rộng mô hình. Ông thuê cơ giới đào 40 ao, mỗi ao diện tích 800 m2 và bắt cá chình giống về nuôi bài bản hơn.
Ông Ánh cho biết, cá chình dễ nuôi, ít bệnh, thức ăn chủ yếu là cá tạp. Tuy nhiên, vốn đầu tư con giống khá cao, thời gian dài mới cho thu hoạch… Về kỹ thuật giúp nuôi cá chình lớn nhanh, khi đào ao xong, phải cho nước vào ngâm 15 - 20 ngày, rút sạch nước cũ và bơm nước mới vào. Sau đó, dùng vôi bột để xử lý nước. Mực nước phù hợp để nuôi cá chình khoảng 1,6 m. Để hạn chế các bệnh đường ruột, ông Ánh cho cá ăn cách ngày và theo giờ cố định.
Mỗi ao ông thả nuôi 1.000 con cá chình giống. Sau 8 tháng, tùy vào kích cỡ, ông tiến hành tách đàn sang những ao khác. Cá nuôi khoảng 18 tháng cho thu hoạch. “Từ lúc thả giống đến khi thu hoạch, cá phải được chuyển ao 2 lần. Việc này giúp làm sạch đáy ao, cá chình lớn nhanh, ít hao hụt”, ông Ánh chia sẻ kinh nghiệm.
Với 40 ao nuôi, ông Ánh thu hoạch luân phiên, đảm bảo có cá bán đều đặn. Hiện, mỗi năm ông bán trên 4 tấn cá chình. Cá đạt trọng lượng 1 kg/con trở lên giá 550.000 đồng/kg; cá từ 700 - 900 gram/con giá 440.000 đồng/kg. Nhờ đó, ông thu lãi trên 1,5 tỉ đồng.
Cá chình thương phẩm nuôi tại hộ ông Rớt |
Ông Lê Văn Rớt, thuộc tổ 3, ấp Hòa Thuận I, xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang cũng đầu tư mô hình nuôi cá chình, cá đạt trọng lượng 1 kg/con là bán đắt như tôm tươi, 420.000 đồng/kg.
Sau thời gian nuôi 18 tháng, tại hộ ông Lê Văn Rớt, thuộc tổ 3, ấp Hòa Thuận I, xã Mong Thọ A, Châu Thành, Kiên Giang, cá chình hoa đạt trong lượng trung bình 0,85 – 1 kg/con, tỷ lệ sống 90%.
Ông Rớt thu hoạch cá chình với sản lượng thu được 191kg, bán giá cá chình là 420.000 đồng/kg, thu về 80.220.000 đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận đạt được 18.966.000 đồng.
Theo ông Lê Văn Rớt chia sẽ, cá chình đặc sản là loài cá có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, nông dân nuôi cá cần cho cá chình ăn thức ăn tươi sạch, đồng thời phải quản lý nguồn nước tốt mới giúp cá chình phát phát triển nhanh và ít bị bệnh.
Mặt khác, theo ông Rớt khi thời tiết thay đổi cần áp dụng quy trình kỹ thuật chặt chẽ, xử lý và quản lý môi trường ao nuôi cá chình tốt.