Sầu riêng thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng mạnh Đối thủ mới của sầu riêng Việt tại Trung Quốc có lợi thế gì? Giá sầu riêng “nhảy múa” từng ngày |
Sầu riêng trong nhà vườn ở Bến Tre. |
Chiều 28/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp báo thường kỳ quý 2 năm 2024.
Khẩn trương làm rõ nguyên nhân sầu riêng nhiễm cadimi
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc xác minh nguyên nhân sầu riêng nhiễm cadimi, ông Nguyễn Qúy Dương - Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) - cho biết vẫn đang khẩn trương phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị chức năng tiếp tục làm rõ.
Theo ông Dương, sau khi Trung Quốc phát cảnh báo hơn 30 lô sầu riêng nhiễm Cadimi, cục đã lập đoàn công tác kiểm tra, lấy các mẫu (gồm đất, nước, phân bón…) tại nhà máy, vùng trồng có trong danh sách cảnh báo. Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra này cục vẫn chưa tìm được nguyên nhân.
"Hiện, cục tiếp tục lập tổ công tác kiểm tra lần thứ hai. Cục đang trao đổi với các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, vùng trồng trong đó tập trung vào tỉnh Tiền Giang. Các đơn vị làm việc rốt ráo, tích cực. Dự kiến trong tháng 7 sẽ có kết quả. Khi đó, cục sẽ công bố thông tin và làm việc với phía Trung Quốc để tìm cách xử lý vấn đề này”, ông Dương cho hay.
Khó xác định nguyên nhân lúa nhiễm mặn
Tại cuộc họp báo, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường đã trả lời câu hỏi về việc một số diện tích lúa ở xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) bị nhiễm mặn.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, vụ đông xuân 2023-2024 có khoảng 2,2ha lúa bị nhiễm mặn tại ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy.
Vụ hè thu 2024 cũng xảy ra hiện tượng lúa nhiễm mặn ở chính diện tích bị nhiễm vụ Đông Xuân 2023-2024. Để đánh giá thiệt hại ở vụ hè thu cần phải chờ đến cuối vụ, theo ông Cường.
Lúa chết bất thường gần công trình đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Vị Thủy, Hậu Giang. |
Vị lãnh đạo thông tin thêm, khu vực lúa bị nhiễm mặn gần với khu vực xây dựng đường cao tốc.
Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng việc xác định nguyên nhân lúa nhiễm mặn ở Hậu Giang là vấn đề khó, cần thời gian và có sự đánh giá hệ thống, toàn diện, sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp cùng địa phương, các đơn vị chức năng xác định nguyên nhân.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 29 tỷ USD trong 6 tháng
Thông tin chung về tình hình quý II, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết Bộ đã tập trung triển khai các đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ cuối năm 2023 (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và EU), mở cửa các thị trường mới.
Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023; tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản khoảng 20,92 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại toàn ngành khoảng 8,28 tỷ USD, tăng 62,4%.
Đóng góp vào kết quả đó, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ).
Trong đó gạo và hạt điều là hai sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, 6 tháng đầu năm 2024, ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước.
Người Trung Quốc ngày càng mê sầu riêng Việt Nam |
Xuất khẩu rau quả tăng trưởng 2 con số |
Sầu riêng Phú Yên sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc |