Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng trên dưới 20 triệu USD tôm sang thị trường UAE. |
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong giai đoạn từ 2018-2022, UAE đứng thứ 16 về nhập khẩu tôm từ Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng trên dưới 20 triệu USD tôm sang thị trường này.
Bà Kim Thu - Chuyên gia thị trường Tôm VASEP đánh giá, tuy là thị trường nhỏ nhưng được coi là thị trường tiềm năng vì nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong đó có tôm ngày một tăng và nhất là khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) vừa mới được ký kết, mở thêm cơ hội cho xuất khẩu tôm sang thị trường này.
Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 7,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,3% và tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm 2023.
Sản phẩm tôm xuất khẩu chính sang thị trường này gồm: tôm sú tươi đông lạnh, tôm chân trắng PDTO hấp đông lạnh, tôm EZP tươi đông lạnh, tôm sú nguyên con đông lạnh, tôm chân trắng hấp đông lạnh, tôm PD tươi đông lạnh, tôm chân trắng tẩm bột đông lạnh, tôm chân trắng tươi đông lạnh, tôm chân trắng Nobashi tươi đông lạnh….
Các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều tôm sang UAE gồm Công ty CP Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau, Công ty TNHH Thủy sản Nam Kinh, Công ty CP Tập Đoàn Thủy Sản Minh Phú, Công ty CP Thủy Sản Minh Phú - Hậu Giang…
Theo bà Kim Thu trên thị trường UAE, tôm Việt Nam phải cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Trung Quốc, Ecuador. Ấn Độ chiếm gần 60%-70% thị phần, Ecuador mới thâm nhập thị trường vài năm gần đây với 15% thị phần, trong khi thị phần tôm Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5%-7%.
“Ấn Độ dường như đã tận dụng tốt lợi thế thuế quan tại thị trường này để gia tăng thị phần xuất khẩu tôm của mình trong những năm qua. Kỳ vọng, với Hiệp định CEPA mới được ký kết, tôm Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế cao nhất, sớm nhất, để có thể tăng thị phần tại thị trường này”, bà Kim Thu cho hay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA). |
CEPA là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam ký với một nước Ả-rập, mở ra thời kỳ mới trong quan hệ được nâng cấp và ngày càng đi vào thực chất giữa Việt Nam với UAE nói riêng cũng như các nước Ả-rập nói chung.
Đáng chú ý là hai bên đã thống nhất đưa ra cam kết mạnh mẽ về tự do hóa thương mại với việc UAE cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE. Hiệp định cũng bao gồm nhiều quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, phù hợp với các xu hướng chuyển đổi số và phát triển xanh hiện nay.
Với vị trí địa lý chiến lược, hệ thống logistics, hạ tầng cảng biển hiện đại, UAE là cửa ngõ quan trọng và có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận và mở rộng ra các thị trường Trung Đông, châu Phi và châu Âu.
Hơn nữa, dân số tăng, thu nhập cao, tốc độ đô thị hóa nhanh, thu nhập khả dụng tăng và giới trẻ ưa chuộng protein thủy hải sản, các lượt tìm kiếm trực tuyến các sản phẩm hải sản đã tăng trong những năm gần đây dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu thụ thủy hải sản tại khu vực này.
Tuy nhiên, UAE cũng là một trong những thị trường cạnh tranh khốc liệt về giá và chất lượng. Do vậy Chuyên gia thị trường Tôm VASEP cho rằng, các doanh nghiệp cần áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thay đổi phương thức quản lý, giảm thiểu các chi phí trung gian, nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn Halal cho các sản phẩm tôm khi xuất khẩu vào thị trường này.