![]() |
Quang cảnh Diễn đàn "Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới". |
Diễn đàn được tổ chức tại Tòa nhà FPT Tower (Cầu Giấy, Hà Nội), theo hình thức trực tiếp kết hợp triển lãm số, gian hàng số.
Diễn đàn có sự tham dự của: ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam cùng hơn 30 đại biểu đại diện cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; cơ quan đại diện thương mại, doanh nghiệp trong nước và quốc tế...
Diễn đàn nhằm thảo luận về các giải pháp đưa vải thiều Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng trên khắp thế giới và tạo điều kiện cho bạn bè thế giới dễ dàng biết, hiểu và tiếp cận dễ hơn quả vải thiều Việt Nam.
Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã chia sẻ câu chuyện về con đường phát triển bền vững của vải thiều Hải Dương với bài tham luận với chủ để "Sẵn sàng, đảm bảo chất lượng đưa vải thiều Việt Nam ra thế giới".
Ông Quân nhấn mạnh việc hướng tới xây dựng thương hiệu vải thiều chất lượng toàn cầu. Để chuẩn bị sẵn sàng, từ nhiều năm, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp tập trung xây dựng các vùng chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu...
Tuy nhiên, tỉnh Hải Dương còn gặp nhiều khó khăn như vải thiều là nông sản có tính mùa vụ cao, thời gian thu hoạch ngắn.... Vì thế, thời gian tới, tỉnh mong muốn các đoàn ngoại giao, cơ quan truyền thông quan tâm hỗ trợ, tuyên truyền quảng bá trong và ngoài nước, đẩy mạnh tìm kiếm, kết nối đối tác, nhà đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến..
![]() |
Ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tập trung tham luận câu chuyện “Vải thiều Bắc Giang chinh phục thị trường nước ngoài” |
Về phía Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn tập trung tham luận câu chuyện “Vải thiều Bắc Giang chinh phục thị trường nước ngoài”.
Trong đó, tỉnh Bắc Giang coi trọng tất cả thị trường trong và ngoài nước. Đến nay, tỉnh đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, đưa vải thiều xuất hiện ở 30 nước, trong đó cao nhất là Trung Quốc và nhiều quốc gia tiềm năng khác như: Singapore, Nhật Bản, Các tiểu vương quốc ẢRập...
Ngoài ra, việc đưa vải đến các thị trường hiện nay theo ông Phan Thế Tuấn vẫn còn gặp nhiều khó khăn về vận chuyển, đóng gói... Chính vì vậy lãnh đạo tỉnh Bắc Giang mong muốn được Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan báo đài tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện giúp đỡ cho việc quảng bá và đưa vải thiều bắc Giang nói riêng và vải thiều cả nước nói chung tới các thị trường trong và ngoài nước được tốt hơn...
Tại Diễn đàn, đại diện các Bộ, Ngành liên quan, hợp tác xã, doanh nghiệp cùng các chuyên gia tham gia thảo luận về quy trình trồng trọt và chăm sóc vải thiều, phát triển thị trường tiêu thụ... Trong đó tập trung việc đáp ứng tiêu chuẩn vải thiều vào các thị trường, giải pháp mở rộng thị trường cũng như tăng sản lượng xuất khẩu vải thiều.
|
Tại Diễn đàn, vải thiều được triển lãm theo hình thức trực tuyến và trực tiếp, đặc biệt là trên nền tảng triển lãm số với công nghệ 3D và các video giới thiệu tại các gian hàng số...
Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản được mời tham gia trưng bày các sản phẩm nông sản chất lượng cao, mang tính đặc trưng và các sản phẩm chế biến từ nông sản tại gian hàng số trên các sàn thương mại điện tử lớn như Postmart, Vỏ Sò…
Ngoài ra, trong khuôn khổ diễn đàn còn diễn ra hoạt động "Khai mạc triển lãm số và không gian số" nhằm giới thiệu với quan khách trong và ngoài nước sản phẩm vải thiều một số nông sản nổi bật của các tỉnh miền Bắc.
Năm 2022, vải thiều Việt Nam được dự báo là được mùa, với sản lượng khoảng 320.000 tấn. Trong đó, Bắc Giang - vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước với diện tích trên 28.300 ha, sản lượng vải thiều sự kiến khoảng 180.000 tấn. Tỉnh Hải Dương có khoảng 9.000 ha vải thiều, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 60.000 tấn, trong đó 100% diện tích trồng vải được định hướng theo quy trình sản xuất vải sạch, an toàn. |