Trà chanh – Thức uống đơn giản, lợi ích vượt trội cho sức khỏe Mỗi ngày 400g trái cây tươi: Bí quyết đơn giản để sống khỏe Quả tai chua – Đặc sản rừng sâu “gây thương nhớ” giữa phố thị |
Hạ đường huyết không chỉ là tình trạng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường mà còn có thể xảy ra ở người khỏe mạnh, đặc biệt khi nhịn ăn, uống rượu nhiều hoặc có rối loạn nội tiết. Nếu không được xử trí kịp thời, hạ đường huyết có thể gây tổn thương não vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
![]() |
Hạ đường huyết không chỉ là tình trạng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường mà còn có thể xảy ra ở người khỏe mạnh. |
Theo khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đường huyết bình thường ở người trưởng thành dao động từ 4–7 mmol/L. Khi chỉ số này giảm xuống dưới 4 mmol/L, cơ thể bắt đầu xuất hiện các triệu chứng thiếu hụt năng lượng, đặc biệt là ở não bộ – cơ quan chỉ sử dụng glucose làm nguồn cung cấp năng lượng chính.
Nguy cơ tử vong nếu không xử lý kịp thời
Bác sĩ Vũ Thị Lệ, Khoa Bệnh cấp tính – Cấp cứu, Viện Điều trị cán bộ cao cấp Quân đội (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), cho biết thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp người cao tuổi nhập viện trong tình trạng hạ đường huyết nghiêm trọng. “Có bệnh nhân rơi vào hôn mê, tổn thương não không hồi phục, nguyên nhân chủ yếu do phát hiện muộn hoặc không được xử trí đúng cách,” bác sĩ Lệ cho biết.
Đáng lo ngại, hạ đường huyết thường xảy ra thầm lặng, đặc biệt vào ban đêm hoặc ở người già – những đối tượng thường không còn cảm nhận rõ rệt các dấu hiệu cảnh báo sớm. Khi hạ đường huyết xảy ra, chỉ trong vài phút đến vài giờ, người bệnh có thể đối mặt với tình trạng lú lẫn, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), nguyên nhân gây hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường thường xuất phát từ việc dùng thuốc sai liều, đặc biệt là quá liều insulin, ăn uống thất thường hoặc vận động thể lực quá mức. Giai đoạn đầu khi điều trị đái tháo đường cũng là thời điểm dễ xảy ra hạ đường huyết do liều thuốc chưa được cá nhân hóa phù hợp.
Đáng chú ý, hạ đường huyết cũng có thể xảy ra ở người không mắc đái tháo đường. Những trường hợp như nhịn ăn kéo dài, nghiện rượu, rối loạn nội tiết (suy thượng thận, u tụy tiết insulin) hoặc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh đều có thể khiến nồng độ đường huyết tụt xuống mức nguy hiểm.
Dấu hiệu cần nhận biết sớm
![]() |
Ở mức độ nhẹ, hạ đường huyết thường biểu hiện bằng các triệu chứng như đói cồn cào, run tay, vã mồ hôi, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng. |
Ở mức độ nhẹ, hạ đường huyết thường biểu hiện bằng các triệu chứng như đói cồn cào, run tay, vã mồ hôi, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng. Người bệnh có thể bị lú lẫn nhẹ, tê bì tay chân hoặc nhìn mờ.
Khi đường huyết tiếp tục giảm sâu, các dấu hiệu thần kinh nặng nề hơn như lú lẫn cấp, co giật, hôn mê, thậm chí liệt nửa người (giả đột quỵ) có thể xuất hiện. Trong nhiều trường hợp không được xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể hôn mê kéo dài, phù não hoặc để lại di chứng thần kinh vĩnh viễn.
Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh đái tháo đường cần tuyệt đối tuân thủ điều trị, không tự ý điều chỉnh liều thuốc. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần ăn uống đầy đủ, không bỏ bữa, đặc biệt trước khi vận động thể chất.
Người bệnh cũng nên thường xuyên mang theo kẹo glucose, nước ép trái cây hoặc viên đường để sử dụng ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ hạ đường huyết. Đồng thời, cần thông báo cho người thân về tình trạng bệnh để được hỗ trợ xử trí trong các tình huống khẩn cấp.
![]() |
![]() |
![]() |