Thời gian qua, giá chung cư ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM tăng phi mã. |
Thời gian gần đây, trong khi nhiều phân khúc bất động sản rơi vào trầm lắng thì thị trường căn hộ chung cư vẫn tiếp tục nóng lên từng ngày tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM. Thậm chí một số nơi đang được quy hoạch khu đô thị và đầu tư hạ tầng, giá căn hộ cũng tăng đột biến, trở thành "miếng bánh" ngon cho nhà đầu tư "lướt sóng".
Theo thống kê của Batdongsan.com.vn, giá rao bán trung bình của chung cư ở Hà Nội trong 2 tháng đầu năm đang "leo thang", mức tăng lên đến 17% so với cùng kỳ 2023, trong đó không ít dự án tăng giá trên 20% chỉ sau 1 năm.
Theo đó, giá bán căn hộ chung cư bình dân có mức giá 30-35 triệu đồng/m2; giá bán căn hộ chung cư trung cấp, có mức giá khoảng 35-50 triệu đồng/m2; giá bán căn hộ chung cư cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng/m2, phổ biến ở mức giá 60-70 triệu đồng/m2. Như ở khu vực phía tây Hà Nội, có dự án đã công bố mức giá rẻ nhất là 66 triệu đồng/m2, chưa gồm VAT.
Để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, hạ nhiệt giá nhà chung cư, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại phân khúc, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả việc cơ cấu lại phân khúc cho người có nhu cầu thực, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp.
Về phía Bộ Xây dựng cũng đang tập trung hoàn thiện các hướng dẫn thi hành Luật đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản. Đồng thời, tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, nhất là các dự án nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp lớn…Điều này sẽ có tác động lan tỏa thị trường một cách mạnh mẽ hơn.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, giá căn hộ chung cư tăng là do nguồn cung khan hiếm. Tình trạng lệch pha cung - cầu chủ yếu do những vướng mắc trong hệ thống cơ sở pháp lý. Nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà cùng với một số cơ chế, chính sách chưa đồng bộ nên các vướng mắc không được tháo gỡ, dẫn đến tình trạng tắc nguồn cung.
Do đó, cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc pháp lý nhằm khơi thông nguồn cung ra thị trường. Khi đó cung - cầu cân bằng sẽ giúp hạ nhiệt giá nhà chung cư.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng cho rằng, muốn chữa “căn bệnh” tăng giá của thị trường bất động sản thì phải tăng nguồn cung, tức là tháo gỡ pháp lý.
“Nắm rõ nguyên nhân này nên Bộ sẽ tập trung hoàn thiện các hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Tiếp đó, tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, nhất là các dự án nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp lớn… sẽ có tác động lan tỏa thị trường”, đại diện Bộ Xây dựng chia sẻ.
Trao đối với báo chí, TS Trần Xuân Lượng - Chuyên ngành Bất động sản Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, để kéo giá bất động sản ở Hà Nội cũng như nhiều đô thị trên cả nước giảm, cần nhiều giải pháp mang tính tổng thể.
Tuy nhiên, trong lúc thanh khoản bất động sản chưa ấm lên nhưng giá bất động sản lại tăng mạnh thì rất cần có giải pháp nóng, không thể chờ bất động sản tự hạ nhiệt.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, giải pháp hạ nhiệt giá chung cư cấp thiết hiện nay là cần đẩy mạnh phê duyệt các dự án mới, để tăng nguồn cung.
“Khi các Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đã được thông qua, cần sớm có giải pháp thúc đẩy để có dự án ra hàng. Bên cạnh chú trọng phát triển các nhà ở xã hội, cần ưu tiên các dự án nhà ở thương mại giá thấp. Chỉ cần có vài nghìn căn nhà ở xã hội hay nhà thương mại giá rẻ đẩy vào thị trường, lập tức giá chung cư sẽ hạ nhiệt ngay”, ông Đính nói.
Trong khi đó, Tổng giám đốc EZ Property Phạm Đức Toản khẳng định: “Giá chung cư sẽ lập tức giảm 40%, nếu Nhà nước đưa ra chủ trương lớn để các doanh nghiệp tham gia xây dựng một đại đô thị lớn ở ngoại ô thành phố như Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín (Thanh Trì)… với số lượng vài chục nghìn căn hộ”.
Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Thế Điệp cho rằng, giải pháp hạ nhiệt giá chung cư cấp thiết hiện nay là phải giải quyết dứt điểm vấn đề nguồn cung. Tuy nhiên để giải quyết được câu chuyện nguồn cung, gốc rễ phải tháo gỡ được các vướng mắc về cơ chế, chính sách. “Rất nhiều cơ chế liên quan đến cơ chế chính sách như việc giải phóng đền bù, hay vấn đề thuế đất cần phải thông thoáng hơn…”, ông Điệp nhấn mạnh.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, với tốc độ tăng dân số và nhu cầu nhà ở hiện tại, mỗi năm,cả nước cần phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Song, với tình hình phát triển nguồn cung hiện tại, mỗi năm Việt Nam thiếu hụt khoảng 300.000 đơn vị nhà ở do phát sinh thêm các hộ gia đình thành thị mới, đặc biệt là từ nhu cầu “ra ở riêng” của thế hệ trẻ tách từ các đại gia đình. Bởi vậy nếu như Chính phủ, các cơ quan chức năng không có các giải pháp can thiệp kịp thời thì chắc chắn trong thời gian tới sự thiếu hụt nguồn cung sẽ tiếp tục đẩy giá nhà chung tăng cao hơn nữa.