Viêm da dị ứng là một bệnh lý da liễu hình thành khi cơ thể tiếp xúc với các loại dị nguyên từ môi trường bên ngoài. Viêm da dị ứng là bệnh lý mãn tính, có nhiều mức độ khác nhau và nếu không điều trị có thể diễn tiến từ triệu chứng nhẹ đến triệu chứng nặng hơn.
Triệu chứng lâm sàng hay gặp là mẩn ngứa, nổi mề đay, ban đỏ, phù nề, hắt hơi, sổ mũi, co thắt phế quản, khó thở, đôi khi làm giãn mạch, tụt huyết áp…
Sử dụng các phương pháp dân gian, các cây thảo mộc, dược liệu quanh nhà để cải thiện tình trạng bệnh là cách được nhiều người sử dụng vì thường được cho là an toàn, ít gây ra tác dụng phụ.
Sau đây là một số loại lá cây có tác dụng hỗ trợ đẩy lùi triệu chứng viêm da dị ứng.
Lá đơn đỏ
Theo Đông y, đơn đỏ có tác dụng giải độc, thanh lọc, mát gan, trị viêm nhiễm và các tổn thương ngoài da… Do đó, lá đơn đỏ được sử dụng để điều trị các bệnh như: Viêm da dị ứng, viêm da cơ địa, mề đay mẩn ngứa…
Cách dùng:
Dùng để lau rửa: Lấy khoảng 100g lá, thân cây đơn đỏ nấu với nước, để sôi khoảng 10 phút. Nước nguội bớt đem ngâm rửa vùng da bệnh. Bài thuốc này có tác dụng trị viêm tại chỗ, loại bỏ triệu chứng bệnh nhanh chóng.
Bài thuốc uống: Lấy khoảng 20 - 30g lá đơn đỏ tươi, rửa sạch rồi cho vào nồi nước, đun sôi khoảng 30 phút cho các chất chiết xuất ra nước đến khi còn khoảng 1 bát nước thì chắt ra uống khi còn ấm. Ngày sắc 3 lần uống đều đặn sẽ thấy các dấu hiệu bệnh thuyên giảm rõ.
Lá khế
Từ lâu lá khế cũng là một thảo dược quen thuộc rất hay được dân gian vận dụng vào điều trị nhiều bệnh ngoài da như viêm da, nổi mề đay mẩn ngứa…
Cách dùng:
Lấy 1 – 2 nắm lá khế to rửa sạch, cho vào nồi đổ nước để đun sôi kĩ. Sau đó nhấc ra dùng để ngâm rửa vùng da bị bệnh. Ngâm hoặc tắm với nước lá khế trong khoảng 15 – 20 phút, đồng thời dùng lá chà xát nhẹ nhàng lên vùng da bị bệnh sẽ có tác dụng làm sạch da và giảm ngứa hiệu quả.
Nên thực hiện thường xuyên theo các bài thuốc này kết hợp với việc vệ sinh sạch sẽ cho da hàng ngày sẽ cho hiệu quả chữa khỏi viêm da cơ địa nhanh chóng.
Lá trà xanh
Trà xanh sẽ giúp các vết mẩn đỏ kèm theo cảm giác ngứa ngáy, khó chịu do những nguyên nhân từ dị ứng rượu, bia hay chất kích thích… bay biến mất. Chất diệt khuẩn trong trà xanh sẽ làm dịu các cơn ngứa ngáy và loại bỏ các loại vi khuẩn gây bệnh ở da.
Cách dùng:
Dùng 1 nắm lá trà xanh tươi đem nấu sôi với nước. Cho thêm 1 chút muối. Pha cùng với nước lạnh để tắm
Thực hiện 2 lần/ ngày sẽ thấy các triệu chứng dị ứng mẩn ngứa thuyên giảm hẳn.
Lá trầu không
Lá trầu không có vị cay nồng, tính ấm, có tác dụng kháng viêm mạnh. Chính vì vậy mà lá trầu không có thể ức chế quá trình phát triển của một vài loại nấm và vi khuẩn gây hại. Từ đó khắc phục dược các triệu chứng bệnh. Bạn có thể dùng lá trầu không trị viêm da dị ứng theo cách sau:
Chuẩn bị từ 1 – 2 lá trầu không khô, cho vào ấm và đun sôi lên cùng với nước. Sau khi nước đã sôi, cho ít muối hạt vào rồi đem pha loãng với nước sạch để tắm. Thực hiện vài lần sẽ thấy tình trạng ngứa ngáy, sưng đỏ giảm đi đáng kể.
Hành hoa
100g hành hoa nhặt bỏ lấy lá úa và rễ sau đó rửa sạch. Thái hành thành từng đoạn dài khoảng 4 - 5cm. Đun sôi 1.5l nước rồi cho hành, 2 thìa muối hạt vào đun tiếp trong khoảng 5 – 10 phút. Cuối cùng là tắt bếp, đổ hết phần nước hành hoa vào chiếc chậu nhỏ, chờ nước nguội bớt thì dùng để ngâm vùng bệnh trong thời gian 15 - 20 phút sau đó rửa sạch bằng nước ấm.
Thực hiện cách làm này 1 lần/ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ, bạn sẽ thấy vùng da bị viêm không còn bị khô và ngứa. Kiên trì áp dụng sau 2 - 3 tuần bệnh sẽ được cải thiện nhanh chóng.