Để đạt được một nền kinh tế tuần hoàn thực sự, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ |
Ngày 29/8, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo tham vấn "Bộ tiêu chí và chỉ số kinh tế tuần hoàn (KTTH) để lồng ghép trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển ngành nông nghiệp".
Tại hội thảo, các chuyên gia đã có những nhận xét và phân tích sơ bộ về mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, đồng thời tổng hợp kết quả từ các địa phương và phương pháp xây dựng bộ tiêu tiêu chí và các chỉ số đánh giá mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Đại diện của Vụ Kế hoạch, ThS Nguyễn Hoàng Linh cho biết, việc xây dựng bộ khung tiêu chí để đánh giá nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) cần đảm bảo các yêu cầu: Thống nhất với khung lý thuyết KTTH chung; phù hợp với các hệ thống sản xuất nông nghiệp, có thể đánh giá và đo lường được cho các hoạt động nông nghiệp chính của lãnh thổ và phải đảm bảo các tiêu chí chung của KTTH.
Về dự thảo bộ tiêu chí và chỉ số kinh tế tuần hoàn liên quan đến ngành nông nghiệp, 4 tiêu chí tổng quát để xây dựng bộ tiêu chí và chỉ số KTTH cho nông nghiệp nói chung và từng ngành nói riêng được xác định gồm: Giảm khai thác, tăng sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguyên vật liệu, tiết kiệm năng lượng; kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa; giảm chất thải và các tác động xấu đến môi trường và tính mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
“Trên cơ sở đó, đã xây dựng Bộ tiêu chí gồm 13 tiêu chí chính cho ngành nông nghiệp nói chung và cho từng lĩnh vực của ngành nói riêng. Trong đó, 1 bộ tiêu chí và chỉ số giám sát (58 chỉ số) trong lĩnh vực trồng trọt; 11 bộ tiêu chí và chỉ số giám sát (27 chỉ số) trong lĩnh vực chăn nuôi và 1 bộ tiêu chí và chỉ số giám sát (43 chỉ số) trong lĩnh vực thủy sản.
Tuy nhiên, với nguồn tư liệu và các nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản ở Việt Nam còn rất hạn chế, đây là kết quả nghiên cứu bước đầu xây dựng Bộ tiêu chí, chỉ số giám sát KTTH trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và là tiền đề cho việc nghiên cứu bổ sung các tiêu chí KTTH trong nông nghiệp đầy đủ hơn”, TS Hà Văn Định cho biết.
Bộ tiêu chí và chỉ số kinh tế tuần hoàn giúp giảm chất thải và các tác động xấu đến môi trường và tính mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. |
Theo ông Phạm Quang Hà, chuyên gia thuộc Hội Khoa học đất, cần cụ thể hóa các chỉ số giảm phát thải. Đặc biệt, hiện nay Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao cũng đang vướng mắc về chỉ số này. Xác định chỉ số giảm phát thải phải phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam. Ngoài ra, phương pháp đo chỉ số cần thuộc tiêu chuẩn ngành và các chỉ tiêu cần nằm trong chuỗi giá trị và phát triển thị trường.
Tại hội nghị, các đại biểu Sở NN&PTNT từ nhiều tỉnh thành đều nhất trí cho rằng dự thảo về chỉ số và bộ tiêu chí cần thu gọn chỉ tiêu và xem xét xác định chỉ số tổng hợp. Trên cơ sở đó, đi sâu vào đánh giá và phân tích nguồn số liệu và chỉ số theo hướng định lượng hoặc định tính. Ngoài ra, cần xác định mục đính chính của dự thảo là gia tăng giá trị kinh tế và hiệu quả kinh tế của các hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng cần có những hướng dẫn chi tiết về phân bổ nguồn kinh phí và hoạt động thực hiện, triển khai bộ chỉ số.
Về dự thảo kế hoạch hành động quốc gia về KTTH, TS Nguyễn Trung Thắng cho biết hiện đang xem xét thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về KTTH trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo ông Thắng, bộ tiêu chí về KTTH trong nông nghiệp phải phù hợp với các bộ tiêu chí khác của quốc gia trên các lĩnh vực liên quan. Các vấn đề phát sinh khi thực hiện KTTH trong ngành nông nghiệp có thể liên quan và chịu trách nhiệm bởi Bộ, ngành khác. Vì vậy, cần thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia nhằm chỉ đạo đồng nhất và giúp các Bộ, ngành phối hợp làm việc một cách có hiệu quả.
Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả nhằm triển khai các cam kết quốc tế, nhiệm vụ quốc gia và ngành về phát triển xanh.
Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò thiết thực của nông nghiệp tuần hoàn, đảm bảo lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường khi áp dụng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
Hơn bao giờ hết, tác động khí hậu, khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, dịch bệnh… khiến các quốc gia phải thay đổi tư duy phát triển và sản xuất theo nguyên lý cơ bản "mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác", ông Tiến nói.