Đến lượt Tiệm trà tháng Tư thông báo đóng cửa: Ngành F&B đang gặp khó? |
Lời tạm biệt khiến nhiều thực khách tiếc nuối
Thông báo chính thức từ tiệm cho biết: “Tiệm trà tháng Tư xin thông báo ngày 25/12/2024 sẽ là ngày hoạt động cuối cùng. Chỉ còn ít ngày nữa, hành trình 5 năm của chúng tôi sẽ khép lại. Chúng em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý khách hàng đã yêu thương và đồng hành suốt thời gian qua. Nếu trong quá trình phục vụ có bất kỳ thiếu sót nào, mong quý khách thông cảm”. Tiệm cũng bày tỏ hy vọng sẽ có cơ hội gặp lại khách hàng trong những hành trình tiếp theo.
Theo thông báo này, chi nhánh cuối cùng của quán nước trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) sẽ dừng hoạt động trước thềm năm mới 2025. Trước đó, từ giữa năm 2024, các chi nhánh của thương hiệu này lần lượt thông báo đóng cửa.
Trên fanpage của quán vào ngày 7/6 thông báo chi nhánh tại đường Nhiêu Tứ (quận Phú Nhuận) chính thức ngừng hoạt động. Sau đó không lâu, ngày 28/7, chi nhánh trên đường Hồng Lĩnh (quận 10) cũng thông báo đóng cửa vào ngày hôm sau 30/7.
Bên dưới bài đăng, nhiều người cho biết mình là khách quen của quán, bày tỏ sự tiếc nuối khi quán "ruột" không còn mở cửa. Bên cạnh đó, cư dân mạng rủ nhau đến quán ủng hộ trong những ngày mở bán còn lại.
Trước "Tiệm trà tháng Tư", chuỗi "Monkey in Black" (MiB) của chuyên gia khởi nghiệp Tùng BT (Trần Thanh Tùng) cũng thông báo dừng hoạt động sau 10 năm. Ngày 19/11, Tùng BT đã chia sẻ video “lời chào tạm biệt chính thức của Monkey in Black” và cho biết đã sang nhượng quán với giá “gần như cho không” là 100 triệu đồng.
Lý do dừng hoạt động, theo Tùng BT, là vì không tìm được đồng đội phù hợp để vực dậy quán, mặt bằng không còn đáp ứng yêu cầu, và mô hình kinh doanh trong hệ sinh thái của anh đã mở rộng, không còn phù hợp với không gian của MiB.
Cuối năm 2024, tiếp tục chứng kiến làn sóng đóng cửa mặt bằng khi nhiều thương hiệu lớn phải nói lời tạm biệt với các cơ sở quen thuộc. Mới đây, Yu Tang – chuỗi trà sữa nổi tiếng đến từ Đài Loan – đã thông báo đóng cửa chi nhánh tại Times City (Hà Nội), nối tiếp sự chia tay trước đó với hai cơ sở chùa Láng và tạm dừng hoạt động tại Big C Thăng Long.
Trước tình trạng hàng loạt cửa hàng thuộc các thương hiệu nổi tiếng phải đóng cửa trong thời gian gần đây, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu ngành dịch vụ F&B có đang đối mặt với những khó khăn hay không.
Giai đoạn đầy thử thách của thị trường F&B
Các chuỗi dịch vụ ăn uống đồng loạt đóng cửa, điều này cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường F&B. |
Thời gian gần đây các chuỗi dịch vụ ăn uống đồng loạt đóng cửa, điều này cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường F&B trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn. Nửa đầu năm 2024, ít nhất 30.000 cửa hàng ăn uống tại Việt Nam đã đóng cửa, theo báo cáo của iPOS, trong khi số lượng cửa hàng mới được mở rất hạn chế. TP.HCM là khu vực chịu tác động nặng nề nhất với mức giảm gần 6% số cửa hàng, trong khi Hà Nội vẫn ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ với tỷ lệ 0,1%.
iPOS.vn, một doanh nghiệp "phụ trợ" cho ngành thực phẩm và đồ uống (F&B), cũng đang đối mặt với những khó khăn và bị ảnh hưởng trong tình hình hiện tại. Thông tin cho biết doanh nghiệp này đang nợ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) và đã phải đóng cửa một số chi nhánh. iPOS.vn cho biết họ đã gặp phải những thách thức lớn khi 30. 000 điểm F&B phải tạm ngưng hoạt động, dẫn đến việc một số văn phòng hoạt động kém hiệu quả, như ở Nam Định và An Giang, cũng phải đóng cửa. Theo báo cáo từ BHXH TP Hà Nội, tính đến ngày 5 tháng 12, iPOS.vn nợ 2 tháng tiền BHXH với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Đại diện của iPOS.vn đã xác nhận thông tin này và cho biết doanh nghiệp vừa hoàn tất việc thanh toán BHXH cho đến tháng 12.
Tổng giám đốc iPOS, ông Vũ Thanh Hùng, cho rằng sự đóng cửa của hơn 30.000 cửa hàng là minh chứng cho sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành F&B. Mặc dù chi tiêu của thực khách không tăng nhanh như sự bùng nổ số lượng cửa hàng sau đại dịch, nhiều thương hiệu bền vững vẫn không thể tránh khỏi ảnh hưởng từ tình hình kinh tế khó khăn.
Ông Trương Văn Trực, Phó Tổng Giám đốc iPOS.vn, thông tin việc đóng cửa các văn phòng nằm trong chiến lược tối ưu chi phí để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của ngành F&B. Tuy vậy, nhân sự ở các văn phòng đóng cửa vẫn được giữ lại theo nguyện vọng, và có phúc lợi tương đương với các nhân sự khác trên toàn quốc. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi cho các thương hiệu F&B đang sử dụng giải pháp của iPOS.vn tại khu vực đó không bị ảnh hưởng. Ông cũng cho biết đã có kế hoạch mở lại các văn phòng ở các địa phương trong năm 2025, khi nền kinh tế có phần ổn định.
Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director và Horeca Business School, cho rằng ngành F&B đang trải qua một giai đoạn đầy thử thách nhưng đồng thời cũng mang đến nhiều cơ hội để tái cấu trúc và phát triển.
Dữ liệu từ công ty tư vấn FnB Director cho thấy các cửa hàng đóng cửa trong năm nay rơi vào 3 nhóm nguyên nhân chính.
Trong số đó, 52% cửa hàng chỉ hoạt động dưới 1 năm trước khi phải ngừng kinh doanh. Đây là nhóm thường thiếu kế hoạch kinh doanh đầy đủ và năng lực vận hành yếu kém. Một tỷ lệ đáng kể khác, 35%, là các cửa hàng từ 2-3 năm tuổi, chủ yếu gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi phí và duy trì khách hàng lâu dài.
Đặc biệt, 13% cửa hàng trên 4 năm tuổi đóng cửa do không thể gia hạn hợp đồng thuê mặt bằng hoặc mô hình kinh doanh đã lỗi thời, khi vòng đời trung bình của một số mô hình thường chỉ kéo dài từ 3-5 năm.
Sự đóng cửa của Tiệm trà tháng 4 không chỉ là một mất mát đối với những người yêu thích không gian trà yên bình mà còn là lời cảnh tỉnh cho toàn ngành dịch vụ ăn uống tại Việt Nam. Để tồn tại và phát triển trong bối cảnh hiện nay, các thương hiệu cần tối ưu hóa mô hình kinh doanh, đổi mới sáng tạo và không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng.
McDonald's Bến Thành bất ngờ thông báo đóng cửa sau 10 năm hoạt động |
Sau Lep', đến lượt thương hiệu thời trang Meo thông báo đóng cửa |