Anh Lê Văn Tuân (38 tuổi, thôn Thượng, xã Võ Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình) |
Mắc dị tật ở chân khi vừa lọt lòng, từ nhỏ anh Lê Văn Tuân (38 tuổi, thôn Thượng, xã Võ Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình) đã chịu nhiều thiệt thòi so với bao đứa trẻ khác khi phải thường xuyên đến bệnh viện hơn là đến trường.
Với căn bệnh u máu, tuổi thơ của anh Tuân không có gì đáng nhớ ngoài việc bị cơn đau hành hạ thường xuyên. Thậm chí, lên năm lớp 11, anh phải bỏ học vì bệnh tình quá nghiêm trọng.
"Bản thân mang căn bệnh u máu, thường xuyên thiếu máu nên nhiều người họ mách cho mình đi tìm cây cỏ cú mật (cỏ gấu) rồi đun nước uống để bồi bổ sức khỏe, hỗ trợ điều trị thiếu máu. Từ đó, tôi đi tìm cây cỏ dại để điều trị bệnh", anh Tuân nói.
Theo anh Tuân, trong thời gian đi tìm cây cỏ cú mật để điều trị bệnh cho bản thân, anh đã dành thời gian tìm hiểu đặc tính, công dụng và cách trồng loài cỏ dại này.
Anh Tuân cho hay: "Cây cỏ cú có rất nhiều loại, những loại mọc ở ruộng, bờ sông, không có nhiều tác dụng và gần như không có củ. Còn cỏ cú mật có củ màu huyết thẫm, lá dài không có lông măng, rễ đâm sâu xuống đất, loại này có mùi rất thơm và chứa nhiều dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe".
"Cây cỏ cú mật khó tìm lắm, lúc đầu tôi phải đổi một con gà chọi để lấy 10 cây cỏ cú mật về trồng trong vườn. Sau đó, 10 cây cỏ dại này mọc lan rộng khắp vườn", anh Tuân nói.
Cây cỏ cú có rất nhiều loại |
Sau thời gian dài sử dụng và tìm hiểu về đặc tính, cách trồng của cây cỏ cú mật, năm 2018, anh Lê Văn Tuân mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Ninh 50 triệu đồng rồi trồng cây cỏ dại này trên diện tích gần 800 m2.
Anh Tuân chia sẻ: "Những ngày đầu mình đi tìm cây cỏ cú mật về gây giống rồi trồng ở vườn nhà, ai cũng tò mò và chẳng hiểu mình mang cái loại cỏ dại này về trồng làm gì. Cứ thế, tôi mày mò và dành hết thời gian trong ngày để chăm sóc cây".
"Cây cỏ cú mật là cây ưa ẩm, rất dễ trồng. Cây này không cần chăm sóc nhiều, bởi loại cỏ dại này phát triển rất mạnh trong tự nhiên, trồng trên cát sẽ cho củ to và đẹp. Nhưng quá trình trồng, cần phải rải vôi lên cỏ vào đầu mùa hè và mùa đông để diệt nấm, diệt sâu bọ", anh Tuân cho hay.
Năm 2020, với khu vườn có diện tích gần 800 m2, anh Tuân thu được gần 3 tạ củ cây cú mật sau vụ đầu tiên. Sau khi thu hoạch, củ được rửa sạch, phơi khô và bán ra với giá 700.000 đồng/1kg củ khô và 300.000 đồng/1kg củ héo, mang lại doanh thu 30 triệu đồng và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng.
Cỏ cú mật có củ màu huyết thẫm |
Dù giá thành cao cho một loại cây chỉ được coi như cỏ dại nhưng nhiều người vẫn tìm mua sản phẩm của anh Tuân. Khách hàng thường dùng củ thô mang phơi khô rồi đun với nước uống hoặc xát thành bột chế biến thực phẩm giúp cải thiện sức khỏe.
“Trong mùa vụ đầu tiên, tôi thu được 3 tạ, vẫn là chưa đủ để đáp ứng đầu ra. Nhiều người biết công dụng loại cây này đến hỏi mua nhưng tôi không có nhiều hàng để bán”, anh Tuân nói.
Trong tương lai, anh Tuân dự định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cỏ cú mật, tận dụng củ cây cú mật để sản xuất tinh bột, chế biến nước hoa và cố gắng nâng tầm loại cây này thành một đặc sản trên vùng quê của mình.