Mỗi ngày gia đình bà Mai thu nhập hơn nửa triệu đồng từ bán lá chuối cho các thương láii |
Theo bà Vi Thị Mai trú tại bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, thì trước đây gia đình bà chủ yếu trồng ngô và lúa nhưng không mang lại hiệu quả. Năm 2017, xem trên tivi thấy một số địa phương ở Thanh Hóa trồng chuối lấy lá bán mang lại thu nhập cao, gia đình bà Mai đã mạnh dạn chuyển sang trồng chuối rừng lấy lá (chuối hột).
Để không mất kinh phí mua giống, gia đình bà đã vào rừng già lấy giống mang về trồng. Bước đầu trồng thử nghiệm 2.000 gốc, chỉ sau 1 năm trồng và chăm sốc thì đã có lá bán. Hiện nay khoảng 3,5ha đất đồi của gia đình đều được phủ xanh bằng chuối.
Bà Mai chia sẻ: Chuối lấy lá dễ trồng, sinh trưởng và phát triển nhanh, không mất nhiều thời gian chăm sóc. Đặc biệt lá chuối này dai nên được các thương lái rất ưa thích. Lá chuối luôn có giá ổn định và dễ bán, hiện giá bán giao động từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, thời điểm cận Tết thì giá bán cao gấp đôi. Mỗi ngày 2 người có thể rọc được khoảng 150 kg. Thu nhập từ bán lá chuối mỗi ngày của gia đình tôi không dưới 600 ngàn đồng. Gia đình tôi lấy lá chuối về không phải mang đi bán đâu cả mà các thương lái tự đến tận nhà để thu mua về cung cấp cho các cơ sở làm nem, giò, bánh…
Phụ nữ người Mông gùi lá chuối về làm thức ăn cho cá |
Để tận dụng thân cây chuối và lá chuối già, gia đình bà Mai nuôi cá và nuôi dê. Hiện tại có 2 áo nuôi cá với tổng diện tích gần 400m2 và 20 con dê. Nhờ có nguồn thức ăn dồi dào từ cây chuối nên vật nuôi phát triển nhanh và mang lại thu nhập không dưới 50 triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá và dê.
Ở bản Khe Kiền còn có gia đình ông Mạc Thanh Long giàu lên từ mô hình trồng chuối lấy lá.
“Ngày nắng cũng như ngày mưa lá chuối đều có thể bán được. Có những ngày mình bán ra 3 tạ lá, thu về hơn 1 triệu 200 ngàn đồng. Vị chi mỗi tháng có khoảng hơn 30 triệu đồng...", Đó là lời bộc bạch về nguồn thu từ bán lá chuối của ông Mạc Thanh Long, ở bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An).
Mỗi ngày, ông Mạc Thanh Long bán ra 3 tạ lá chuối |
“Được nhận 4 ha đất rừng sản xuất mà ngao ngán, toàn những cây dại lúp xúp không khoanh nuôi được, phát đi trồng mới thì phải đầu tư quá lớn. Nghĩ mãi, nghĩ mãi, mình tự đặt câu hỏi, tại sao không trồng cây chuối rừng xem sao. Huy động cả nhà vào rừng, đào gốc chuối về trồng. Thật không ngờ nó lớn rất nhanh, chỉ sau 5 tháng là cây đã cao, lá đã nhiều”, ông Long nhớ về những ngày lập nghiệp.
Ông nói về cái lợi của cây chuối rừng, từ gốc đến ngọn đều có thể cho… tiền. Này nhé, lá chuối thì đem bán khắp nơi, ra tận Thanh Hóa, Nam Định… Rọc lấy phần lá rồi, đừng nghĩ cái cồi đem vứt bỏ, không đâu, thái ra làm thức ăn cho cá đấy. Thân cây thì ai cũng biết là thức ăn chính cho gia súc. Đến gốc chuối cũng cứ “mọc” ra tiền, mỗi gốc có giá 15.000 đồng chứ chẳng ít đâu. Ông khoe: “Thỉnh thoảng bà con ở các bản người Mông lại đánh xe đến mua đủ thứ từ cây chuối, gốc thì đem về trồng, lá rách và cồi thì làm thức ăn chăn nuôi dê. Con dê nó “nghiện” món lá chuối này lắm đấy”.
Ông Mạc Thanh Long rọc lá chuối rất điệu nghệ, trăm lá như một lành lặn, nguyên vẹn |
Không giữ thành công cho riêng mình, ông Long còn vận động bà con cùng tham gia trồng chuối rừng.
Ông kể, đầu tiên là tôi bàn với dì Xinh ở đầu bản, rồi đến dì Lan. Hai dì ấy hào hứng lắm, sau 5 tháng cây chuối đã cho thu nhập nên các dì tiếp tục mở rộng diện tích. Lúc này, tôi mới bàn với nhiều hộ khác. Thấy rõ cái lợi, lá chuối mà cũng ra tiền, lại nhiều tiền nên bà con mới trồng đại trà. Nhiều nhà trước đây đói lắm, nay khấm khá lắm rồi.
Mà không riêng gì trong bản, trong xã, bà con ở xã Tam Quang hoặc ở tận bên huyện Quế Phong cũng đến đây tham quan. Ông Long cũng bày hết, nhà nghèo thì cho giống luôn, không lấy tiền.
Mình nói với họ, có hai cách trồng cây chuối rừng, một là ươm hạt, hai là trồng bằng gốc. Mỗi cách thì có ưu và nhược điểm riêng. Ươm hạt thì cây có tuổi thọ lâu hơn nhưng lại chậm thu hoạch, còn trồng gốc thì cây phát triển nhanh. Trong kỹ thuật trồng gốc thì nên chọn gốc càng to càng tốt, vì gốc to sẽ cho nhiều cây, còn trồng gốc nhỏ chỉ lên được vài cây thôi. Mình nói với bà con, cứ mạnh dạn trồng đi, chừng nào người Việt Nam còn làm bánh thì còn cần đến lá chuối, nhất là lá chuối rừng.