Bánh tráng Bình Định nhộn nhịp tại vùng đất Tây Nguyên
Những ngày cận Tết Nguyên đán, người làm bánh tráng tại xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) tất bật suốt từ 3 giờ sáng đến tối để cho ra lò những chiếc bánh tráng thơm ngon, chất lượng phục vụ người tiêu dùng.
Khu vực làng nghề bánh tráng ở huyện Buôn Đôn. |
Theo chân một người dân huyện Buôn Đôn, phóng viên Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm vào gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Dung (thôn 7, xã Ea Bar ). Tại đây, bà Dung đang tất bật từ sáng sớm để khuấy bột, chuẩn bị làm bánh tráng.
Bà Dung kể: "Tôi quê hương Hoài Nhơn, Bình Định. Từ khi lên Đắk Lắk lập nghiệp và sinh sống luôn mang theo nghề truyền thống ở quê hương. Trước đây, gia đình chỉ làm thủ công, chủ yếu cung cấp cho người dân xung quanh. Dần về sau, nhu cầu người dùng bánh tráng nhiều. Do đó, tôi đã đầu tư máy móc, thuê thêm nhân công để tăng quy mô sản xuất. Mỗi dịp Tết đến, cơ sở tôi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng nên thời gian này tranh thủ làm từ rất sớm, kịp phục vụ mọi người"
Nhiều gia đinh "tất bật" để làm kịp hàng giao cho khách trong những ngày giáp Tết Nguyên đán. |
Cũng theo bà Dung, nghề bánh tráng bà làm đã tồn tại hơn 30 năm nay. Hiện, bà Dung có hơn 10 nhân công đã làm việc liền tay, người cắt bánh, người dọn bánh, người đem bánh đi phơi, người khuấy bột...
“Nếu ngày thường, cơ sở chỉ sản xuất 4 tạ gạo, 2 tạ bột thì gần Tết, chúng tôi tăng lên gấp đôi. Để kịp tiến độ, chúng tôi làm gấp đôi thời gian ngày thường, thuê thêm nhân công”, bà Dung nói.
Không riêng gì gia đình bà Dung, gia đình bà Nguyễn Thị Thủy (thôn 7) tuy đã làm nghề hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, gia đình chưa có điều kiện nên vẫn giữ nghề làm bánh tráng bằng thủ công.
Bánh tráng làm thủ công mang đậm chất quê hương xứ Nẫu (Bình Định) |
Bà Thủy chia sẻ: "Bánh tráng bằng tay có hình tròn đều và dày hơn so với tráng bằng máy. Đây là công việc ổn định của gia đình nhiều năm qua. Tôi tráng bánh từ sớm đến độ hơn 12 giờ trưa là xong, rồi tranh thủ chạy đi bán bánh, chồng tôi ở nhà canh bánh khô thì sẽ bóc bánh đem cất. Thế nhưng Tết này, nhiều người đặt hàng nên tôi phải làm đến chiều mới xong. Gia đình tôi làm bánh tráng cũng là nghề chính, đây là nguồn thu nhập rất quan trọng của gia đình".
Bún, miến, phở khô "chạy đua" ngày Tết
Không riêng gì hình ảnh người làm bánh tráng đang tất bật những ngày cận Tết Nguyên đán, tại làng sản xuất bún, miến, phở khô ở phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) vô cùng tất bật. Bên trong những xưởng sản xuất, tiếng máy ép, tiếng quạt động cơ phơi rầm rập; người đổ bột, người cắt bún, người đóng gói... cũng đang "chạy đua" cho kịp đến tay khách hàng.
Gia đình anh Hà Văn Thích (tổ dân phố 7, phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột) cho biết, đã gắn bó với nghề làm bún, miến, phở khô hơn 18 năm qua.
"Gia đình tôi làm từ thời còn đi xe đạp để giao cho khách hàng. Sản xuất được mẻ nào, là tranh thủ chạy chiếc xe đạp mang đi giao cho khách xung quanh chợ Buôn Ma Thuột. Dần dần, nhu cầu khách hàng lớn, gia đình tôi quyết định vay mượn mua chiếc xe gắn máy để đi giao. Từ sản xuất thủ công nhỏ lẻ, gia đình tôi đã đầu tư thêm máy móc, nhà bóng để phơi, sấy sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, trung bình mỗi ngày tôi làm khoảng 5 tạ gạo, riêng những ngày cận Tết, xưởng hoạt động hết công suất, làm 7 tạ gạo/ngày mới đủ hàng giao cho khách", anh Thích kể lại.
Gia đình anh Thích với gần 20 năm trong nghề làm bún, miến, phở khô tại TP Buôn Ma Thuột |
Tượng tự, gia đình ông Hà Văn Tuyến (Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng) cho biết, những ngày cận Tết nhu cầu người dân dùng phở khô, bún rất lớn. Vì thế, máy móc sản xuất của gia đình những ngày này chạy rầm rầm từ sáng tới chiều.
"Sáng sớm là tôi phải bận rộn chở hàng đi giao ở các mối trong TP Buôn Ma Thuột và các huyện lân cận. Tại xưởng có 4 công nhân, tuy nhiên mọi người làm việc không khi nào rảnh tay. Sản phẩm bún khô Chi Lăng và phở khô Chi Lăng của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh, đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, được đăng ký mã vạch để truy xuất nguồn gốc. Tuy vậy, sản phẩm của HTX chủ yếu tiêu thụ ở thị trường truyền thống trong tỉnh, rất khó để cạnh tranh về giá với các sản phẩm cùng loại trên thị trường rộng hơn", ông Tuyến chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Á - Phó Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân cho biết, thời gian sắp tới, chính quyền sẽ vận động các hộ sản xuất bún, miến, phở nhỏ lẻ tham gia vào HTX để nâng cao chất lượng sản phẩm.
"Hiện tại khu vực phường có trên 50 hộ sản xuất miến, bún, phở khô quanh năm, tập trung ở các tổ dân phố 2, 5, 7. Năm 2019, UBND phường Khánh Xuân đã thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng với 9 thành viên tham gia. Còn các hộ nhỏ lẻ khác thì chưa tính, vì đa số những hộ gia đình này sản xuất bán cho khách phương xa", ông Á nói.