Đà Nẵng: Cảnh báo nguy cơ ngập úng, sạt lở tại các phường, xã Thả hồn vào gốm Nỗi niềm nghề cửu vạn |
Không chạy theo thành tích để sản phẩm đạt chất lượng tốt
Bắt đầu thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm từ năm 2020, Đà Nẵng đã triển khai trên phạm vi toàn thành phố, bao gồm tất cả các xã, phường. Trọng tâm của chương trình là hướng đến để hỗ trợ các đối tượng sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ (hộ sản xuất, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp vừa và nhỏ) nhằm góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Sau 3 năm thực hiện, Đà Nẵng có 64 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 21 sản phẩm đạt 4 sao, 42 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao để tham gia đánh giá cấp trung ương. Có 53 chủ thể, trong đó 30 hộ sản xuất kinh doanh chiếm 56,6%; 8 HTX chiếm 15,1%; 15 doanh nghiệp chiếm 28,3%. Cơ cấu sản phẩm có sự đa dạng, phong phú về chủng loại, nhóm sản phẩm gồm: Thực phẩm tươi sống; thực phẩm sơ chế, chế biến; đồ uống; chè, cà phê; vải, may mặc; thảo dược. Hai nhóm sản phẩm chưa có OCOP là du lịch và thủ công mỹ nghệ, trang trí.
Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các chương trình quảng bá sản phẩm OCOP. |
Mặc dù số lượng sản phẩm OCOP của Đà Nẵng ít hơn so với các địa phương khác, nhưng vẫn thể hiện được thế mạnh, đặc trưng, đặc sản, hoàn thiện chuẩn hoá đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Các sở, ban, ngành của thành phố, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Cơ quan thường trực Chương trình OCOP, Sở Công Thương đã làm tốt trong công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, nâng tầm sản phẩm thương hiệu OCOP Đà Nẵng. Các quận, huyện đã thực hiện nghiêm túc theo quy trình đánh giá, phân hạng, lựa chọn những sản phẩm tiềm năng, đặc trưng của địa phương để tham gia, không chạy theo “thành tích” về số lượng sản phẩm OCOP.
Nhờ vậy mà các sản phẩm OCOP của Đà Nẵng đều có nhiều nét lợi thế riêng, có tính đặc trưng. Trên 90% sản phẩm đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, mã vạch và hơn 60% sản phẩm có ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như VietGAP, ISO, HACCP; trên 90% sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử; đưa vào các kênh phân phối tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị mini, siêu thị đặc sản, chợ. Nhiều sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Nhiều chủ thế mạnh dạng đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất, mở rộng thị trường vươn ra nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào,….
Tập trung hỗ trợ để phát triển và quảng bá sản phẩm OCOP
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, tạo động lực để các chủ thể hoàn thiện, nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm OCOP, nhất là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thực hiện hỗ trợ chứng nhận VietGAP và chứng nhận hệ thống chất lượng ISO, HACCP; hỗ trợ thiết kế, in ấn bao bì, truy xuất nguồn gốc; bộ nhận diện thương hiệu. Hỗ trợ xây dựng cây chuyện sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình OCOP, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; xây dựng web, bán hàng trực tuyến và chi hỗ trợ thưởng cho 64 sản phẩm OCOP tổng chi phí hỗ trợ 1,732 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở còn hỗ trợ điểm trưng bày sản phẩm OCOP, kinh phí hỗ trợ gần 655 triệu đồng.
Tập trung phát triển chất lượng để có sản phẩm chủ lực vươn ra quốc tế. |
Sở Công Thương thành phố đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cho sản phẩm OCOP; xuất bản 10.000 tờ rơi quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, chủ lực, đặc trưng; tổ chức các toạ đàm, các lớp đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP. Ngoài ra, Sở còn tổ chức hội nghị, chương trình kết nối, quảng bá, giới thiệu các chủ thể sản xuất đến các đơn vị, doanh nghiệp phân phối trên địa bàn Đà Nẵng và các tỉnh khác. Đồng thời cũng tổ chức chương trình quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng đến với người dân và khách du lịch tại các địa điểm đông người. Ở giai đoạn mới, nhóm sản phẩm sinh vật cảnh như hoa, cây cảnh và động vật cảnh được đưa vào chương trình OCOP.
Bên cạnh đó cũng có nhiều khó khăn và hạn chế. Các sản phẩm chủ yếu tập trung vào nhóm thực phẩm chế biến và rau, củ, quả, chưa có sản phẩm thuộc nhón du lịch và thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất, sản phẩm làng nghề. Số lượng sản phẩm chưa đồng đều giữa các địa phương, đến nay chỉ mới có 25/56 xã, phường có sản phẩm OCOP. Sản phẩm còn ở quy mô nhỏ, chưa có sản phẩm chủ lực để hướng đến hội nhập toàn cầu.
Trao đổi với ông Hoàng Thanh Hoà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng cho biết, sẽ chú trọng chất lượng sản phẩm, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất hữu cơ, kinh tế tuần hoàn và khai thác các giá trị văn hoá, tài nguyên bản địa, đặc biệt khuyến khích sử dụng phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ để tạo ra sản phẩm OCOP có lợi thế.
Chú trọng đối với sản phẩm mới, chưa được chứng nhận OCOP của thành phố; phát triển các sản phẩm đặc trưng, chủ lực, truyền thống, ưu tiên phát triển các làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, có tiềm năng thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. Tổ chức sản xuất theo quy trình tiên tiến, hình thành các sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng, an toàn, thân thiện với môi trường, hướng đến sản phẩm OCOP xanh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quản lý sản phẩm để bảo đảm chất lượng; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho các chủ thể OCOP, đơn vị phân phối, tiêu thụ và người tiêu dùng về giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường.
“Đến năm 2025, Đà Nẵng sẽ có 135 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, với 56/56 xã, phường đều có sản phẩm OCOP. Với các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu phải có sản phẩm đạt 4 sao; có 2-3 sản phẩm tiềm năng 5 sao để tham gia đánh giá, công nhận sản phẩm cấp quốc gia. Có ít nhất 3-5 sản phẩm OCOP là sản phẩm của làng nghề truyền thống, làng nghề nông nghiệp và từ 2 sản phẩm dịch vụ du lịch”, ông Hoà chia sẻ.
Những ngôi làng bích hoạ bị lãng quên giữa lòng Đà Nẵng |
Khói bụi bủa vây nhà dân ở làng đá mỹ nghệ Non Nước |
Điều gì thu hút khách du lịch đến chợ đêm Sơn Trà? |